.

Ngành Công thương tăng tốc về đích

.

Đến hết quý 3-2014, mặc dù các chỉ tiêu chủ yếu của ngành Công thương chỉ đạt trên 61% kế hoạch năm 2014, nhưng lại tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm 2013; trong đó chỉ tiêu giá trị sản xuất công nghiệp đạt 27.095 tỷ đồng, bằng 64,1% kế hoạch, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2013.

Cần câu cá - sản phẩm chính của Công ty Daiwa được tiêu thụ ổn định trên thị trường thế giới. Trong ảnh: Một công đoạn sản xuất tại công ty.
Cần câu cá - sản phẩm chính của Công ty Daiwa được tiêu thụ ổn định trên thị trường thế giới. Trong ảnh: Một công đoạn sản xuất tại công ty.

Đáng chú ý là giá trị kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành tăng cao so với năm 2013; các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của thành phố đều tăng cao như động cơ, thiết bị điện và sản phẩm điện tử ước đạt 230 triệu USD, tăng 7,5%; chế biến thủy sản ước đạt 118 triệu USD, tăng 15,7%; hàng dệt may ước đạt 200,6 triệu USD, tăng 14,6%; đồ chơi trẻ em ước đạt 43,2 triệu USD, tăng 13,1%; cao su thành phẩm ước đạt 11,73 triệu USD, tăng 9%; hàng thủ công mỹ nghệ và sản phẩm gỗ đạt 6,8 triệu USD, tăng 4,6%...

Trên cơ sở đó, toàn ngành đang phấn đấu hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch năm 2014; riêng chỉ tiêu xuất khẩu hàng hóa, phấn đấu đạt gần 1,2 tỷ USD. Đây là chỉ tiêu có nhiều khả năng đạt được, nhất là đối với các ngành dệt may, chế biến thủy sản, cao su và sản xuất động cơ, thiết bị điện và sản phẩm điện tử.

Ông Huỳnh Văn Chính, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dệt may 29-3 cho biết: Năm 2014, công ty xây dựng kế hoạch giá trị kim ngạch xuất khẩu 35 triệu USD, nhưng nhờ đầu tư dây chuyền may veston mới (kinh phí 23 tỷ đồng) sớm hơn dự kiến nên khả năng công ty sẽ hoàn thành vượt mức khoảng 20% kế hoạch chỉ tiêu giá trị kim ngạch xuất khẩu.

Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ là đơn vị chiếm trên 50% giá trị kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành Dệt may của thành phố cũng đang nỗ lực hoàn thành những đơn hàng cuối năm. Ông Nguyễn Đức Trị, Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ cho biết: Nhà máy sản xuất veston của tổng công ty đã đi vào sản xuất ổn định và gần đạt công suất thiết kế, nâng tổng số sản phẩm veston lên trên 1 triệu bộ/năm.

Ngoài ra, các sản phẩm may mặc khác đã có chỗ đứng ở các thị trường lớn trên thế giới. Năm 2014, tổng công ty sẽ sản xuất gần 14 triệu sản phẩm may mặc xuất khẩu, trong đó mặt hàng veston đạt trên 1 triệu bộ, dự kiến đạt trên 120 triệu USD giá trị kim ngạch xuất khẩu, tăng trên 20% so với năm 2013.

Công ty CP Cao su Đà Nẵng, từ đầu năm 2014 có thêm mặt hàng lốp cao su toàn thép tham gia vào xuất khẩu đã làm tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu trong năm 2014 lên cao. 9 tháng đầu năm 2014, công ty đạt gần 12 triệu USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2013, dự kiến năm 2014, công ty sẽ đạt gần 20 triệu USD giá trị kim ngạch xuất khẩu.

Các mặt hàng khác như thủy sản, đồ chơi trẻ em… vẫn đạt tốc độ tăng trưởng trên 10%. Đặc biệt, các mặt hàng lưu niệm của thành phố, mặc dù đang trong giai đoạn giới thiệu và hoàn thiện, nhưng cũng đã tham gia được vào thị trường xuất khẩu.

Khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang chiếm trên 50% giá trị hàng hóa xuất khẩu của toàn thành phố. Các đơn vị sản xuất động cơ, thiết bị điện và sản phẩm điện tử như Công ty Foster, Công ty Mabuchi Motor, Công ty Daiwa… đạt giá trị xuất khẩu cao, thu hút nhiều lao động, thị trường ổn định. Dự kiến khu vực này sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng trên 500 triệu USD vào năm 2014.

Ông Takemoto Tatsuya, Phó Tổng Giám đốc Công ty Mabuchi Motor cho biết: Hưởng ứng “Năm Doanh nghiệp Đà Nẵng 2014” do thành phố phát động, công ty đã có nhiều chế độ khuyến khích người lao động làm việc với năng suất cao, phấn đấu trở thành một trong những đơn vị dẫn đầu khối doanh nghiệp FDI về kim ngạch xuất khẩu.

Bài và ảnh: ĐỨC THỊNH

;
.
.
.
.
.
.