.

Nguồn nhân lực cho doanh nghiệp FDI: Cung không đáp ứng cầu

.

Theo khảo sát từ Trung tâm Xúc tiến đầu tư thành phố, Đà Nẵng đang thiếu nguồn nhân lực có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Để có nguồn nhân lực chất lượng, đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp FDI, cần có chiến lược đào tạo bài bản, chuyên sâu. TRONG ẢNH: Một công đoạn sản xuất ô-tô của Công ty TNHH TCIE Việt Nam tại KCN Hòa Khánh.
Để có nguồn nhân lực chất lượng, đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp FDI, cần có chiến lược đào tạo bài bản, chuyên sâu. TRONG ẢNH: Một công đoạn sản xuất ô-tô của Công ty TNHH TCIE Việt Nam tại KCN Hòa Khánh.

Hầu hết phải đào tạo lại

Ông Nguyễn Đăng Trình, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Denken Việt Nam (100% vốn Nhật Bản) chuyên sản xuất tủ điện điều khiển tự động, cho biết: “Sau khi khảo sát từ các trường đại học trên địa bàn thành phố, chúng tôi chọn được hai sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi ở Trường Đại học Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) vào vị trí cán bộ phụ trách kỹ thuật. Nhưng để sử dụng được, công ty phải mất hơn một năm gửi họ đi đào tạo về ngoại ngữ, chuyên môn. Kết quả, chỉ một sinh viên đạt yêu cầu. Nguồn kinh phí đầu tư cho một kỹ sư như vậy, trung bình khoảng 10.000 USD”.

Không riêng gì Công ty TNHH Denken Việt Nam, hầu hết các DN FDI đều phải tự bỏ kinh phí để đào tạo lại nhằm có nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu. Công ty TNHH TCIE Việt Nam, chuyên lắp ráp, sản xuất xe hơi, hằng năm đều tổ chức các đợt tập huấn, cử công nhân sang học tập, nâng cao tay nghề tại hai nhà máy chính của công ty ở Malaysia. Công ty CP KDL Bắc Mỹ An (Furama) thường xuyên tổ chức các khóa học tiếng Anh và đào tạo nghiệp vụ khách sạn cho đội ngũ nhân viên của công ty để nâng cao chất lượng phục vụ.

Theo thống kê của Trung tâm Xúc tiến đầu tư thành phố Đà Nẵng, đến ngày 6-10-2014, có 36 quốc gia/vùng lãnh thổ đã đầu tư vào Đà Nẵng với 300 dự án FDI còn hiệu lực, đã giải quyết việc làm cho hơn 43.600 người. Với dân số gần 1 triệu người, trong đó lực lượng lao động chiếm gần 50% dân số, tỷ lệ dân số sống ở thành thị chiếm hơn 87%, rõ ràng Đà Nẵng có một nguồn lao động dồi dào. Trong năm 2013, thành phố đã giải quyết việc làm cho hơn 30.000 lao động, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo nghề đạt 43%. Theo báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2013, chỉ số “Chất lượng đào tạo lao động” của Đà Nẵng tăng so với năm 2012, cho thấy sự nỗ lực của thành phố trong việc cải thiện chất lượng lao động.

Tuy nhiên, đại diện Trung tâm Xúc tiến đầu tư thành phố cho biết, qua khảo sát từ các DN FDI, phần lớn các ý kiến đều phản ánh họ gặp khó khăn trong tìm kiếm nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao như: khả năng ngoại ngữ hạn chế; các kỹ năng mềm như giao tiếp, làm việc nhóm… còn yếu; tính kỷ luật chưa cao và không thể hiện sự cam kết gắn bó lâu dài với công việc. Một bộ phận trí thức trẻ, được đào tạo chính quy, có chuyên môn giỏi có xu hướng muốn chuyển đến làm việc ở những thành phố khác có điều kiện, môi trường làm việc tốt hơn. Trong khi đó, các trường đại học và các cơ sở đào tạo nghề tại địa phương còn chậm đổi mới phương pháp dạy và học nên chưa theo kịp và đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng của DN. Hiện nay, nhiều DN đã chủ động hợp tác với các trường trong công tác đào tạo nhưng kết quả đạt được vẫn còn khá khiêm tốn.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Với kinh nghiệm nhiều năm làm việc với các đối tác Nhật Bản, ông Nguyễn Đăng Trình cho rằng, hạn chế lớn nhất của người lao động tại Đà Nẵng hiện nay là còn yếu về ngoại ngữ và khả năng giao tiếp. “Có thể các bạn rất giỏi về chuyên ngành mình được đào tạo nhưng vì hạn chế về ngoại ngữ và ngại giao tiếp nên trong quá trình làm việc khó bộc lộ hết được khả năng”, ông Trình nói. Theo ông Trình, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trước hết cần đẩy mạnh hoạt động đào tạo về ngoại ngữ. Trong chiến lược phát triển của mình, Công ty TNHH Denken Việt Nam sẽ hướng đến liên kết với Trường Đại học Ngoại ngữ, Trường Đại học Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) nhằm đào tạo tiếng Nhật cho sinh viên ngay từ năm thứ 4, thứ 5 đại học.

Để phát triển nhân lực ngành du lịch, ông Huỳnh Tấn Vinh đề xuất nên liên kết các trường bao gồm đại học, cao đẳng, dạy nghề để xây dựng quy hoạch mạng lưới đào tạo cung cấp nguồn nhân lực về du lịch cho khu vực; khuyến khích các tổ chức quốc tế thành lập trường đào tạo du lịch tại miền Trung; liên kết giữa doanh nghiệp du lịch, trường nghiệp vụ để xây dựng các mô hình đào tạo ngắn hạn, trung hạn về du lịch; có chính sách phù hợp cho sinh viên, học viên vay vốn học tập thông qua ngân hàng chính sách xã hội hoặc ngân hàng thương mại.

Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực có tay nghề cao, đáp ứng nhu cầu thị trường và yêu cầu của các doanh nghiệp, thành phố đã ban hành đề án “Phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2011 – 2020” và đang được các ngành triển khai thực hiện. Đề án đặt mục tiêu tỷ lệ  lao động đã qua đào tạo đạt khoảng 55% đến năm 2015 và 70% vào năm 2020, tập trung ưu tiên cho các ngành dịch vụ quan trọng như du lịch, thương mại, y tế, giáo dục và công nghệ cao. Bên cạnh đó, Trung tâm Xúc tiến đầu tư thành phố cũng thường xuyên phối hợp nhiều đơn vị tổ chức các buổi tọa đàm về các vấn đề liên quan đến thủ tục thuế và hải quan, nguồn nhân lực…

Bài và ảnh: KHÁNH HÒA

;
.
.
.
.
.