.

Phát triển doanh nghiệp Đà Nẵng: Cần những giải pháp đột phá

.

Trong chương trình công tác quý 4 cần tiếp tục điều chỉnh những vấn đề doanh nghiệp góp ý, thảo luận; những nội dung nào không phù hợp thì loại bỏ, bổ sung thêm những vấn đề mà DN đang cần, thành phố sẽ hỗ trợ. Thời gian không còn nhiều, vì thế đề nghị các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan cần hết sức quyết liệt để đạt mục tiêu đề ra trong năm 2014; đồng thời thống nhất với các thành viên trong Ban Chỉ đạo tiếp tục chọn năm 2015 là “Năm Doanh nghiệp Đà Nẵng”.

Doanh nghiệp rất cần những chính sách hỗ trợ của thành phố để phát triển mạnh hơn, đóng góp nhiều vào ngân sách Nhà nước. TRONG ẢNH: Sản xuất linh kiện tại Công ty Điện tử Foster.
Doanh nghiệp rất cần những chính sách hỗ trợ của thành phố để phát triển mạnh hơn, đóng góp nhiều vào ngân sách Nhà nước. TRONG ẢNH: Sản xuất linh kiện tại Công ty Điện tử Foster.

Đó là chỉ đạo của Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố, Trưởng ban Chỉ đạo “Năm Doanh nghiệp Đà Nẵng 2014” Võ Duy Khương tại buổi họp sơ kết tình hình 9 tháng đầu năm; hoàn thiện Đề án “Phát triển DN Đà Nẵng đến năm 2020” và góp ý xây dựng “Vườn ươm DN” với các thành viên trong Ban chỉ đạo hôm 24-10.

Tạo được niềm tin cho doanh nghiệp

Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố, thực hiện Chương trình hoạt động “Năm DN Đà Nẵng 2014”, 9 tháng đầu năm nay, thành phố đã tổ chức nhiều buổi gặp gỡ, đối thoại, lắng nghe tâm tư nguyện vọng và giải quyết khó khăn, vướng mắc cho cộng đồng DN. Các sở, ban, ngành đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; hỗ trợ mặt bằng sản xuất kinh doanh; cho vay gần 40 tỷ đồng từ Quỹ Đầu tư phát triển và Quỹ Bảo lãnh tín dụng DN vừa và nhỏ với lãi suất 6%/năm; hỗ trợ đổi mới thiết bị công nghệ...

Phần lớn, các công việc đề ra đều sát với hoạt động thực tiễn của DN; nhiều kiến nghị cụ thể, xác đáng đã được UBND thành phố, sở, ngành giải quyết nhanh chóng, tạo niềm tin trong cộng đồng DN.

Ông Nguyễn Cường, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Chi nhánh Đà Nẵng nhận xét: Đến nay, có thể nói, sự nỗ lực của chính quyền thành phố đã thể hiện rất rõ và bản thân các DN cũng cảm nhận được điều này. Thực ra, DN vẫn còn những khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn, mặt bằng nhưng nhìn chung tình hình hoạt động của các DN trên địa bàn đã phần nào ổn định hơn.

Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ thành phố Lê Văn Hiểu cũng nhìn nhận: Hoạt động sản xuất kinh doanh đã có nhiều chuyển biến tích cực, DN đã tin tưởng hơn, thiện cảm hơn đối với sự chỉ đạo, lãnh đạo của thành phố trong Năm DN. Thời gian qua, các ngành Thuế, Hải quan, Ngân hàng đã có chuyển biến mạnh mẽ trong tiếp xúc và phục vụ DN.

Về phía DN, ông Lê Vinh Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vận tải và dịch vụ Phú Hoàng nói: “Là nhà đầu tư ở nhiều nơi, tôi thấy thủ tục hành chính của Đà Nẵng là nhanh và thuận lợi nhất”. Thành phố Đà Nẵng đã chủ động xây dựng các chương trình hỗ trợ cụ thể, thiết thực làm “chỗ dựa” cho DN mau chóng vượt qua những khó khăn. Cục trưởng Cục Thuế thành phố  Trần Văn Miên chỉ ra những việc đã làm được của ngành Thuế, nhưng vẫn có sự phản ánh chưa khách quan của DN.

Cụ thể, Cục Thuế thành phố đã nỗ lực mở nhiều lớp tập huấn cho DN nhưng trong số đó nhiều đơn vị không tham gia ngay cả khi có giấy mời đến 2-3 lần. Việc kê khai thuế tiến hành qua mạng từng bước thay thế cho kê khai bằng bản giấy sẽ giúp giảm bớt thời gian và sự phiền hà khi DN đến trực tiếp.

Cần những giải pháp đột phá

Góp ý cho đề án “Phát triển DN Đà Nẵng đến năm 2020”, ở góc độ cơ quan soạn thảo đề án, bà Đồng Thị Bích Chính, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho rằng: Các giải pháp đưa ra chưa đột phá, vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra hằng năm. Vai trò của Nhà nước chỉ là chất xúc tác, cái chính vẫn là sự vận động từ phía DN. Trong 3-5 năm tới, việc thực hiện tốt 7 nhóm giải pháp là tốt rồi, còn những giải pháp đột phá cần suy nghĩ thêm.

Bà Phạm Thị Minh Trang, đại diện Hiệp hội Doanh nhân nữ chia sẻ: “Mỗi hội, hiệp hội phải tự khảo sát hằng năm để đánh giá lại xem còn bao nhiêu “DN sống”, bao nhiêu “DN chết” để sàng lọc DN. Đây cũng là một cuộc chơi công bằng, sòng phẳng theo đúng quy luật”.

Đối với Đề án xây dựng “Vườn ươm DN”, nhiều ý kiến đưa ra như: Vườn ươm nên mở rộng đến nhiều đối tượng DN chứ không nhất thiết phải là DN khoa học công nghệ; vì đầu tư cho một DN trong lĩnh vực này phải mất từ 5-7 năm mới cho ra sản phẩm hiệu quả, còn các DN khác thì có kết quả ngay. Với mong muốn hỗ trợ được nhiều cho DN, ông Võ Minh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Đà Nẵng đề cập: DN muốn vay vốn phải qua sự đánh giá của ngân hàng về ứng dụng máy móc công nghệ cao, nếu tốt mới cho vay. Thành phố có thể đưa ra một chuẩn riêng để tạo điều kiện cho DN vay vốn dễ dàng hơn.

Đóng góp ý kiến thiết thực trong vai trò cơ quan tuyên truyền được giao trách nhiệm cùng tổ giúp việc bình chọn 100 DN tiêu biểu của thành phố, Tổng Biên tập Báo Đà Nẵng Mai Đức Lộc gợi mở vấn đề: Thành phố cần quan tâm hơn nữa đến môi trường đầu tư. Vì sao các nhà đầu tư lớn không vào Đà Nẵng?

Nguyên nhân phải được tìm hiểu là do mình hay vì lý do nào khác? Hay tại sao không xây dựng Đà Nẵng trở thành nơi mua sắm rẻ nhất nước… Muốn vậy phải giải quyết những nhược điểm và đi vào những cái có thể làm được trong tầm tay. Mục tiêu, kế hoạch đặt ra rồi cần phải phân biệt việc nào thành phố làm, việc nào DN làm…

Ghi nhận những ý kiến đóng góp của các thành viên trong Ban Chỉ đạo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Võ Duy Khương thống nhất chọn năm 2015 tiếp tục triển khai hoạt động “Năm Doanh nghiệp Đà Nẵng”; đồng thời lưu ý tổ giúp việc Chương trình “Năm Doanh nghiệp Đà Nẵng 2014” phải nhanh chóng rà soát, tổng hợp để lãnh đạo thành phố trả lời cho DN. Các báo cáo về Đề án phát triển doanh nghiệp sớm được bổ sung và hoàn thiện trước ngày 5-11-2014, để ban hành rộng rãi và kịp thời.

Bài và ảnh: DUYÊN ANH

;
.
.
.
.
.
.