.

Thúc đẩy phát triển tổ hợp tác trong nông nghiệp

.

Trong báo cáo nghiên cứu của Ủy ban Kinh tế Quốc hội về phát triển kinh tế tập thể đề cập vai trò quan trọng của việc phát triển tổ hợp tác (THT) trong nông nghiệp, nông thôn như sau:

Sản xuất nấm tại HTX Sản xuất kinh doanh Nấm Hòa Tiến, xã Hòa Tiến (Hòa Vang). Ảnh: NGUYỄN CẦU
Sản xuất nấm tại HTX Sản xuất kinh doanh Nấm Hòa Tiến, xã Hòa Tiến (Hòa Vang). Ảnh: NGUYỄN CẦU

“THT và các nhóm liên kết kinh doanh trong nông nghiệp, nông thôn là những hình thức phổ biến trong thành phần kinh tế tập thể. Nó phù hợp với yêu cầu của sản xuất kinh doanh, phù hợp với đường lối của Đảng về phát triển kinh tế nhiều thành phần với sự sở hữu khác nhau. Đây là sản phẩm tất yếu của nền sản xuất hàng hóa. Sản xuất hàng hóa càng phát triển, sự cạnh tranh trong kinh tế thị trường càng gay gắt thì những người lao động riêng lẻ, các hộ cá thể càng có yêu cầu phải liên kết hợp tác với nhau, nếu không khó có thể tồn tại và phát triển.

Các THT, các nhóm liên kết, các nhóm sở thích đóng vai trò rất quan trọng vào việc giải quyết giữa sản xuất nhỏ, manh mún với sản xuất hàng hóa lớn, đáp ứng được yêu cầu của công nghiệp hóa-hiện đại hóa; là cơ sở nền tảng để hình thành các hợp tác xã (HTX), liên hiệp HTX, các doanh nghiệp, các hiệp hội trong nông nghiệp, nông thôn. Ngay trong lòng các HTX kiểu mới thì các THT cũng tồn tại và là những “vệ tinh” quan trọng làm cho sự sinh sống của HTX ngày càng lớn mạnh”.

Mặt mạnh của THT ở chỗ tổ chức kinh tế gọn nhẹ, phù hợp với trình độ phát triển kinh tế hộ ở vùng miền núi, nông thôn; là phương thức mưu sinh bền vững cho người nông dân, ai cũng có thể tham gia và cùng tựa vào nhau tìm kế sinh nhai; mang lại lợi ích trực tiếp cho tổ viên trong tổ, đặc biệt đối với các thành viên thiếu nguồn lực hoặc thiếu vốn.

Thủ tục gọn nhẹ nên việc thành lập THT dễ dàng, chỉ cần các hộ thống nhất sau đó thông qua chính quyền cấp xã; các thành viên trong tổ hầu hết là những người chung ngành nghề, chung sở thích nên khi sát nhập với nhau sẽ tăng thêm kinh nghiệm, tăng nguồn vốn, tăng mạnh sản phẩm có chất lượng, đồng thời cũng cùng chịu trách nhiệm; thuận tiện trao đổi thông tin về khoa học kỹ thuật, thị trường, giá cả…

Tại thành phố Đà Nẵng, trong thời gian qua, THT đã thu hút được sự chú ý của nhiều hộ nông dân; phù hợp với yêu cầu phát triển đa dạng ngành nghề trong nông nghiệp, nông thôn, với từng cây trồng vật nuôi, từng ngành nghề và sản phẩm, thực sự khuyến khích cuộc chạy đua tìm phương kế sinh nhai cho người nông dân trong điều kiện quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, chuyển dịch cơ cấu… Đã xuất hiện một số mô hình THT sản xuất kinh doanh hiệu quả như THT Nuôi trồng thủy sản ở Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu), Hòa Khương, Hòa Phong (huyện Hòa Vang); các THT Nuôi tôm ở Trường Định, Trồng hoa ở Vân Dương, Hòa Phước (huyện Hòa Vang); THT Hậu cần nghề cá Hải Châu; các THT Nuôi trồng nấm ăn và nấm dược liệu… giải quyết việc làm ổn định và nguồn thu nhập khá cho các hộ gia đình…

Một số THT đã phát triển thành HTX như HTX Trồng hoa cây cảnh, HTX Nuôi trồng thủy sản, các HTX trồng nấm... Tính đến nay, theo thống kê của Liên minh HTX thành phố năm 2013, toàn thành phố Đà Nẵng có 180 THT với 1.627 thành viên. Trong đó  có 10 tổ sản xuất tiểu thủ công nghiệp, 83 tổ sản xuất các ngành nghề khác và 87 tổ khai thác hải sản trên biển.

Tuy nhiên, hoạt động của các THT chưa được các ngành, các cấp quan tâm chỉ đạo, kiểm tra hỗ trợ thường xuyên, nhất là chính quyền các xã, phường. Trong khi đó, trình độ và năng lực quản lý của cán bộ THT còn hạn chế; quy mô sản xuất manh mún, nhỏ lẻ; thiếu động lực để tạo sự liên kết chặt chẽ giữa các thành viên THT nhằm mở rộng quy mô sản xuất, phát triển bền vững.

Ðể các THT nông nghiệp hoạt động có hiệu quả, trước hết các địa phương cần rà soát, đánh giá lại hiện trạng các THT và các mô hình liên kết đang hoạt động trên địa bàn để từ đó tổng kết rút kinh nghiệm, xây dựng mô hình; tham mưu, đề xuất với cơ quan chức năng các cơ chế, chính sách phù hợp. Tổ chức hướng dẫn và đăng ký lại cho tất cả các THT đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp chuyển sang hoạt động theo Nghị định 151/NĐ-CP ngày 10-10-2007 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của THT, Thông tư số 04/2008/TT-BKH ngày 9-7-2008 hướng dẫn một số quy định tại Nghị định số 151. Củng cố, kiện toàn và nâng cao năng lực quản lý nghiệp vụ, chuyên môn cho đội ngũ cán bộ quản lý Nhà nước về kinh tế hợp tác, tổ trưởng THT, thành viên các hình thức tổ chức đại diện cho nông dân. Hoàn thiện cơ bản hệ thống cơ chế, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy phát triển các loại hình kinh tế hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp.

HỒ NHƯ HẢI

;
.
.
.
.
.