.

Vượt qua khủng hoảng

.

Khi tình hình kinh tế thế giới suy thoái lan nhanh và tác động đến các doanh nghiệp (DN) trong nước từ 2008 đến nay, số DN trên địa bàn Đà Nẵng bị phá sản, giải thể không ngừng tăng lên. Để tồn tại và vượt qua khó khăn, hơn lúc nào hết, đội ngũ doanh nhân hiểu rằng không còn con đường nào khác phải tự lèo lái còn thuyền DN rời khỏi khu vực bão tố trước khi có “ứng cứu”.

Để vượt qua khủng hoảng, các doanh nhân cần có chiến lược rõ ràng.
Để vượt qua khủng hoảng, các doanh nhân cần có chiến lược rõ ràng.

Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo

Qua khảo sát của Viện Nghiên cứu và phát triển kinh tế - xã hội thành phố, có khoảng 74,84% DN gặp khó khăn về thị trường. Một khảo sát khác từ 232 DN cho biết, có tới 54,74% DN khó khăn về tiếp cận vốn khi lãi suất vay cao, 32,76% DN thiếu tài sản thế chấp. Nguyên nhân là do năng lực tài chính yếu, không bảo đảm tính minh bạch trong báo cáo tài chính, không có tài sản đảm bảo các khoản vay.

Ông Hà Giang, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Cơ khí Hà Giang - Phước Tường bộc bạch: Năm 2008 là năm khó khăn nhất của DN, nghĩ lại quãng thời gian đó chúng tôi không khỏi giật mình khi bị rơi vào vòng xoáy của những tác động kinh tế đến quá nhanh. Thiệt hại rất lớn và không thể phủ nhận đã có sự nản lòng. Có lúc tưởng chừng như sắp rơi vào bế tắc, thế nhưng là DN tư nhân nên chúng tôi không biết phải trông chờ vào đâu bằng việc tiên liệu trước mọi vấn đề có thể xảy ra.

Lúc đó, ban lãnh đạo đã thông báo với toàn thể cán bộ, công nhân viên của công ty để mọi người biết được hoàn cảnh thực tế cùng gánh vác trách nhiệm. Theo tôi, là người quyết định vận mệnh của DN cho nên phải hết sức bình tĩnh giải quyết mọi việc một cách ổn thỏa. Nếu nóng vội và không tỉnh táo rất dễ bị cuốn theo sự xáo trộn về hoạt động sản xuất, nhân sự, thông tin. Đây cũng là bài học mà cha ông thường nói: “Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo” là như vậy.

Cũng chọn cách chuẩn bị tâm lý cho người lao động, ông Lê Văn Hiểu, Tổng Giám đốc Công ty CP Máy và thiết bị phụ tùng (Seatech) chia sẻ: Khi dự báo được những khó khăn phải đối mặt, chúng tôi có đưa ra một số giải pháp. Thứ nhất, ban bố tình trạng báo động trong toàn doanh nghiệp. Việc này rất quan trọng nhằm chuẩn bị tâm lý cho người lao động, vì không có gì cản được khó khăn sẽ đến thì thà mình báo động trước. Rồi chúng tôi huy động được sự đóng góp vật chất từ mọi người và tiếp theo là thu xếp tài chính, tương trợ lẫn nhau để “giải hạn”, thậm chí là cầm cự cho qua hạn này rồi sẽ tính chuyện đầu tư tiếp.

Không ít DN lâm cảnh “đã nghèo còn gặp eo” do bị đối tác quỵt nợ với số tiền lớn, đôi lúc làm mất tinh thần. Bà Phạm Thị Minh Trang, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty CP Y tế Danameco trải lòng: “Trong 2 năm qua, chúng tôi đã mất hàng tỷ đồng chung quanh hợp đồng làm ăn với các đơn vị trên địa bàn. Dù họ được cấp phép hẳn hoi nhưng đến khi vỡ nợ thì biến đi đâu mất. Đó cũng là bài học không chỉ cho DN mà thành phố cũng phải suy nghĩ. Việc cấp phép cho DN hoạt động như một đề toán có sự sát hạch kỹ càng, trước khi cho người ta ra thương trường phải rõ người ta có biết “bơi” không. Điều đó sẽ hạn chế được những rủi ro lan truyền cho DN theo hiệu ứng domino”.

Sau nhiều thăng trầm, đến nay, trong số các DN nhỏ và vừa của thành phố (chiếm 98% tổng số DN của Đà Nẵng), đã có những DN tự vực dậy và đứng vững trong bối cảnh nền kinh tế còn khó khăn.

Cơ hội còn do chính mình tạo ra

Theo ông Hà Giang, trong khó khăn bao giờ cũng có cơ hội, cơ hội đó đều mở ra cho tất cả mọi người. Ông tâm sự: “Chúng tôi đã áp dụng chiến lược liên kết thay vì chỉ nghĩ đến cạnh tranh giữa các đơn vị trong cùng ngành nghề. Chính khi bắt tay với DN vừa là đối thủ lại vừa là bạn hàng mang đến những đơn hàng có thể giúp chúng tôi duy trì lực lượng lao động, nuôi sống công ty trong những ngày sóng gió. Ngược lại, khi có các hợp đồng, chúng tôi cũng nhường lại cho DN bạn để tồn tại bền vững. Mối quan hệ có qua có lại trong hoàn cảnh khó khăn mới thấy hết giá trị”.

Có thể nói, chưa bao giờ cụm từ khủng hoảng, phá sản, giải pháp… lại được nhắc nhiều như mấy năm gần đây. Khủng hoảng kinh tế không chừa bất cứ khu vực kinh tế nào, một lĩnh vực nào, chỉ có điều với cách làm, cách nghĩ hay nói đúng hơn là chiến lược kinh doanh sẽ giúp DN phát triển bền vững.

Nằm trong số gần 2% DN được xếp hạng lớn trên địa bàn, ông Nguyễn Đức Trị, Tổng Giám đốc Tổng công ty CP Dệt may Hòa Thọ đưa ra kinh nghiệm: “Để có được một Dệt may Hòa Thọ lớn mạnh như hôm nay, đơn vị cũng đã trải qua không ít sóng gió. Điều quan trọng, chúng ta phải biết điểm xuất phát ở đâu, đích đến ở đâu thì mới tới được nơi mình cần tới. Thời gian qua, nhiều DN than phiền ngân hàng làm khó trong việc cho vay, nhưng thực ra nếu chúng ta minh bạch về tài chính thì đâu ngại ngần gì. Cơ hội nằm ở chỗ làm sao đừng để trời nắng ngân hàng đưa ô cho DN còn trời mưa thì lại rút ô. Đó cũng là cách xây dựng thương hiệu uy tín cho DN…”.

Bài và ảnh: DUYÊN ANH

;
.
.
.
.
.