Từ phiên đàm phán chính thức thứ 19 diễn ra tại Brunei tháng 8-2013 đến nay, các nước tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) tiến hành rất nhiều cuộc họp bên lề cấp bộ trưởng, trưởng đoàn đàm phán và các nhóm đàm phán về từng lĩnh vực cụ thể, dưới cả hình thức đa phương lẫn song phương, để giải quyết các vấn đề tồn đọng. Những cuộc họp gần đây có thể làm thay đổi rất nhiều những mục tiêu đặt ra từ ban đầu của hiệp định.
Nhiều nước sẽ không xóa bỏ toàn bộ thuế quan
Điểm nhấn quan trọng, thu hút các nước tham gia TPP là sẽ xóa bỏ thuế quan (thuế suất bằng 0%) như dự thảo ban đầu, có thể sẽ không được thực hiện. Nguyên nhân của vấn đề này là do mỗi nước vẫn muốn giữ lại một số dòng thuế cho riêng mình. Nguy cơ này càng thể hiện rõ hơn sau khi TPP có sự tham gia của Nhật Bản, khi quốc gia này kiên quyết không xóa bỏ thuế quan đối với 5 mặt hàng nông nghiệp.
Mâu thuẫn này lên đến đỉnh điểm giữa Nhật Bản và Mỹ khi Nhật Bản không muốn mở cửa thị trường cho 5 sản phẩm nông sản nhạy cảm là thịt, sữa, đường, gạo và lúa mì cho Mỹ. Phía Mỹ cũng từ chối xóa bỏ thuế quan cho ô-tô của Nhật Bản vào Mỹ. Nếu mâu thuẫn giữa Mỹ và Nhật Bản không được giải quyết thì TPP sẽ chưa thể kết thúc.
Quy tắc xuất xứ trong dệt may (từ sợi trở đi) sẽ có thay đổi
Liên quan đến quy tắc xuất xứ trong dệt may (từ sợi trở đi) có thể sẽ được thay đổi bằng việc áp dụng theo quy tắc (cắt và may). Đây là điều mà ngành dệt may Việt Nam và một số nước trong khu vực Đông Nam Á rất mong đợi. Nếu quy tắc này được áp dụng thì ngành dệt may của Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội tăng trưởng vì sẽ dễ dàng hơn khi vào các nước trong hiệp định.
Phía Mỹ lại đưa ra bản chào thuế quan mới đối với hàng dệt may của Việt Nam với các lộ trình mở cửa khác nhau, trong đó có việc bảo hộ hầu hết các sản phẩm nhạy cảm - cũng là các sản phẩm mà Việt Nam quan tâm nhất vì xuất khẩu nhiều nhất. Song quy tắc (cắt và may) do Việt Nam đưa ra cũng đang được các nước như Mỹ, Mexico xem xét, theo các chuyên gia thì quy tắc (cắt và may) của Việt Nam không được chấp nhận toàn bộ thì sẽ có lộ trình chấp nhận với thời gian ít nhất là 10 năm.
Thêm vào đó, hầu hết các nước cũng đã thống nhất được về việc áp dụng quy tắc cộng gộp cho tất cả các hàng hóa, kể cả các hàng hóa nhạy cảm nhất. Theo quy tắc này, một nước thành viên TPP có thể sử dụng các nguyên liệu đầu vào từ các nước TPP khác trong sản phẩm cuối cùng mà vẫn được coi là đáp ứng yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ, bao gồm cả trường hợp một sản phẩm từ một nước TPP được gia công hoặc chế biến thêm ở một nước thứ hai, thứ ba… trong TPP. Do đó, lĩnh vực dệt may, về cơ bản đã hoàn tất.
Căng thẳng trong lĩnh vực doanh nghiệp Nhà nước và dịch vụ
Tất cả các nước tham gia TPP đều có doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), nhưng DNNN chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực tài chính, viễn thông, y tế, giáo dục, phân phối, chuyển phát.... trong thị trường nội địa. Tại hội nghị Bộ trưởng các nước TPP năm 2014 ở Singapore, các nước đã thống nhất thu hẹp phạm vi áp dụng các quy tắc đối với doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) chỉ ở lĩnh vực hàng hóa mà không áp dụng đối với lĩnh vực dịch vụ.
Theo đó, chính phủ các nước TPP sẽ không bị hạn chế trong việc hỗ trợ cho các DNNN khi DNNN đó cung ứng dịch vụ tại thị trường nội địa. Nếu cam kết này vẫn không đổi thì các doanh nghiệp Mỹ sẽ không mặn mà với TPP. Tuy nhiên, vấn đề này lại được đa số các nước đồng tình. Đặc biệt là với Malaysia, một trong những nước phản đối kịch liệt chương DNNN ngay từ khi Mỹ đề xuất.
Vì nếu cam kết lớn về DNNN trong TPP, họ sẽ phải sửa Hiến pháp - điều vốn không dễ thực hiện. Hơn nữa, dường như các nhà đàm phán Malaysia cũng sợ phải đối mặt với thực tế: đổi mới DNNN sẽ đụng tới một mảng lớn của kinh tế nước này, vì hiện quốc gia này có tới 68% doanh nghiệp đang niêm yết trên thị trường chứng khoán là DNNN.
Việt Nam có lợi nhất khi tham gia TPP
Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam qua các nước tham gia TPP chủ yếu là hàng tiêu dùng và hàng sơ chế như: các sản phẩm của ngành dệt may, giày dép, sản phẩm chế biến hải sản… Hiện thuế suất của các mặt hàng này vào các nước TPP, đặc biệt là Nhật Bản và Mỹ từ 12 đến 17%.
Nếu TPP được ký kết thì chỉ riêng 3 mặt hàng chủ lực này đã đem lại lợi nhuận gia tăng cho Việt Nam từ 7 đến 10 tỷ USD mỗi năm, với thuế suất bằng 0 (không). Khi TPP được ký kết sẽ tạo điều kiện để Việt Nam tiến thêm một bước theo hướng tăng tốc mở cửa với thế giới, thiết lập một nền kinh tế thị trường theo đúng nghĩa, tạo dựng một nền kinh tế có sức cạnh tranh, để phát triển cùng thời đại.
Các doanh nghiệp Việt Nam hy vọng rằng, đàm phán càng sâu càng kỹ thì kết quả đạt được càng tốt càng có lợi. Nếu hiệp định được ký kết, sẽ mở ra cánh cửa vào 11 thị trường xuất nhập khẩu tiềm năng cho Việt Nam và để Việt Nam không phải trông chờ vào cánh cửa của một vài thị trường cũ, hạn hẹp và bất ổn...
ĐỨC THỊNH tổng hợp