Ngày 14-11, đoàn công tác Cục Đăng kiểm (Bộ GTVT) phối hợp Sở GTVT Đà Nẵng tổ chức đối thoại, giải đáp, thắc mắc kiến nghị của hơn mười doanh nghiệp vận tải trên địa bàn Đà Nẵng.
Đoàn công tác lắng nghe ý kiến các doanh nghiệp vận tải Đà Nẵng. |
Trước đó, 6 doanh nghiệp vận tải, chủ xe đại diện cho tập thể chủ phương tiện và doanh nghiệp vận tải bằng ô tô tải thùng (xe liền thân) có đơn kiến nghị (thay lời kêu cứu) đến Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng về việc điều chỉnh tăng trọng lượng toàn bộ cho phép tham gia giao thông.
Phát biểu tại buổi đối thoại, ông Bùi Ngọc Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Sơn Lâm (Đà Nẵng) khẳng định ủng hộ chủ trương siết chặt quản lý tải trọng. Các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn rất hoan nghênh, vì vừa đảm bảo an toàn vừa bảo vệ cầu đường, tuy nhiên, cách tính tải trọng hiện nay còn nhiều bất cập, ông Dũng nói.
Ông Lê Văn Ba, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Vân Ba (Hải Châu, Đà Nẵng) thẳng thắn: các doanh nghiệp chủ xe tải thùng liền thân đang đứng trước bờ vực phá sản về việc siết tải trọng hiện nay, không theo Thông tư 07/2010/TT-BGTVT.
Theo ông Ba, tải trọng thiết kế của nhà sản xuất xe ô tô nhập khẩu nguyên chiếc bán đi các nước là theo tiêu chuẩn quốc tế. Việc nhà sản xuất ra xe 3 trục có trọng tải thiết kế là 15 tấn, trọng lượng toàn bộ là 24 tấn, phù hợp với cầu đường Việt Nam. Nhưng về Việt Nam, trọng tải cho phép tham gia giao thông chỉ còn 8,8 tấn, trọng lương toàn bộ 18 tấn, khiến nhiều doanh nghiệp không thể hoạt động.
Anh Huỳnh Ngọc Tùng (Thanh Khê, Đà Nẵng) chủ 2 xe tải Vinaxuki tính toán: Với giá cước 1 triệu đồng/tấn hành trình từ Đà Nẵng-Hà Nội, xe tải chỉ cho phép chở 7,8 tấn. Cả hai chiều đi về hơn 15 triệu đồng, không thể bù chi phí.
Theo ông Dũng, xe ben Trung Quốc nhập khẩu nguyên chiếc hoặc lắp ráp tại Việt Nam có giá khoảng 40.000 USD/xe, riêng tại Đà Nẵng có gần 100 xe với tổng giá trị lên đến cả triệu USD. Với những xe này, doanh nghiệp phải khai thác cả chục năm mới thu hồi vốn được. Nhưng đến giờ, đành phải ngưng hoạt động, kể cả xe còn mới 100%, lãng phí vô cùng. Nợ xấu phát sinh.
Các doanh nghiệp đề nghị Bộ GTVT cho phép điều chỉnh lại trọng tải cho phép tham gia giao thông hoặc đúng với trọng tải thiết kế của nhà sản xuất hoặc đúng với Thông tư số 07 của Bộ GTVT theo hướng có lợi cho doanh nghiệp; cải tạo kết cấu xe…
Chia sẻ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, tuy nhiên, Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm VN Nguyễn Hữu Trí cho rằng, các doanh nghiệp đang hiểu nhầm về tinh thần văn bản 3195. Thực ra đây là văn bản giải thích rõ hơn về cách thức kiểm tra cân đo, xử phạt hành vi quá tải trên tinh thần Thông tư 03, 07 trước đó.
Hoạt động vận tải từ năm 2001 đến nay đã có nhiều mốc thời điểm tăng cường công tác quản lý. Trong đó từ năm 2001-2011 siết quản lý thùng, kích thước xe; giai đoạn từ 2011 đến nay, siết tải trọng. Việc tính tải trọng xe trên cơ sở tải trọng thiết kế cầu đường nội địa.
“Nhà sản xuất có giới hạn an toàn cho việc tải trọng xe, nhưng ở mỗi nước, quốc gia có quy định cụ thể về việc phương tiện chở tải bao nhiêu là phụ hợp với đường xá, độ an toàn”, ông Trí nói.
Cũng theo ông Trí, kiến nghị về việc cải tạo thùng xe, kết cấu xe của các đơn vị vận tải không được chấp nhận. Bởi Bộ trưởng đã có văn bản nghiêm cấm hành vi này.
Đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam dẫn chứng loạt các xe cụ thể được nêu trong đơn kiến nghị để giải đáp thắc mắc. Theo đó, xe 43C-02761 (Dongfeng), có tổng tải trọng 18 tấn, cho phép trở gần 10 tấn. Kết quả tính lại của Bộ cũng tương ứng. Nhưng nếu nâng tải lên 24 tấn, tải trọng trục sau lên đến hơn 14 tấn vượt quá tải trọng cho phép
Xe tải 43S-8896, thiết kế nhà sản xuất có tải trọng trục sau chẵn 10 tấn. Nếu nâng 24 tấn, tải trọng phân bố trục sau lên 14 tấn, gấp 1,4 lần tải trọng cho phép. Tương tự, xe nhập khẩu 43S-7052 (Faw), cũng có tải trọng trục sau sấp xỉ 10 tấn… nên nếu nâng tải sẽ vi phạm.
Ông Ba cho rằng: Tại Thông tư 07 của Bộ GTVT quy định rõ về tải trọng trục xe, đối với cụm trục ba (ba trục xe) tải trọng này phục thuộc vào khoảng cách của hai tâm trục liền kề. Trường hợp khoảng cách trên 1,3 mét, tải trọng cụm trục xe tối đa đến 24 tấn. Với các dòng xe ben Trung Quốc tại các doanh nghiệp vận tải Đà Nẵng, khoảng cách thực tế giữ hai tâm trục liền kề lên đến 1,7mét.
Nhiều doanh nghiệp kiến nghị: Công ty Trường Hải (Quảng Nam) vừa xuất xưởng và chào bán nhiều xe có cùng kích thước, thiết kế như dòng xe ben Trung Quốc nhưng vẫn có tổng tải trọng 24 tấn. Tuy nhiên, đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam cho rằng: chúng tôi vừa bốc máy gọi và phía Trường Hải nói đã ngưng xuất xưởng dòng xe này. Nếu có các bằng chứng, số xe cụ thể, các doanh nghiệp gửi Cục Đăng kiểm để kiểm tra, trả lời cụ thể bằng văn bản.
Tại buổi đối thoại với doanh nghiệp, ông Nguyễn Xuân Ba, Phó giám đốc Sở GTVT Đà Nẵng khẳng định trước khi Bộ có những điều chỉnh, đề nghị các doanh nghiệp vận tải thực hiện đúng các quy định chung của pháp luật.
Ông Ba đề nghị đoàn công tác Cục Đăng kiểm VN sớm có giải đáp cụ thể hơn đến các doanh nghiệp đồng thời chuyển kiến nghị của các doanh nghiệp lên Bộ trưởng. Phía Sở GTVT Đà Nẵng cũng sẽ tiếp tục có buổi làm việc với Hiệp hội vận tải hàng hóa, doanh nghiệp vận tải để có kiến nghị lên Bộ xem xét, giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho vận tải hàng hoá tại địa phương.
Theo Giao thông vận tải