Hỗ trợ doanh nghiệp (DN) dễ dàng hơn trong việc tiếp cận các quy định là mục đích chính được triển khai trong Đề án “Nâng cao năng lực của doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) trong việc tiếp cận thông tin về đất đai, xây dựng, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh” do Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và Hiệp hội DNNVV thành phố Đà Nẵng thực hiện.
Ông Trịnh Bằng Có, Chủ tịch HĐQT Công ty Phương Đông Việt mong muốn đề án sẽ hỗ trợ doanh nghiệp trong việc thực hiện nhanh, gọn các TTHC. |
Nói không với chi phí không chính thức
Trao đổi tại buổi công bố đề án sáng 13-11, ông Trịnh Bằng Có, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty Phương Đông Việt đánh giá cao tính táo bạo và kịp thời của đề án khi đề cập đến một trong những vướng mắc lớn của DN hiện nay, đó là thiếu kiến thức, kỹ năng, sự hỗ trợ trong quá trình tiếp cận, thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC).
Ông Có thẳng thắn: “TTHC còn quá nhiêu khê, DN đến liên hệ làm việc chỉ biết đầu vào mà không biết đầu ra ở đâu. Vừa qua, công ty tôi có mua một lô đất nhằm mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh, tôi xuống làm việc tại bộ phận một cửa ở Trung tâm Hành chính, nhưng đợi hơn tháng rưỡi vẫn không thấy trả lời. Bản thân tôi cũng không biết hỏi ai, cuối cùng phải nhờ một người quen ở Sở Xây dựng hỏi giùm mới biết hồ sơ của mình đã được duyệt nhưng mãi vẫn chưa nhận được. Thủ tục làm lâu trong khi DN cần gấp nên phát sinh ra chuyện này nọ là điều dễ hiểu”.
Đồng quan điểm với ông Trịnh Bằng Có, ông Nguyễn Minh Hoàng, Giám đốc Công ty CP Chăm sóc và làm đẹp Nhà Đà Nẵng cho rằng, đề án nên tính đến việc tham mưu lên cấp trên thành lập ra một bộ phận chuyên tiếp nhận mọi vướng mắc, khó khăn của DN, nhất là về TTHC, nhằm tạo địa chỉ tin cậy giúp DN được giải quyết nhanh, tránh đi lòng vòng như hiện nay.
Theo ông Nguyễn Văn Lý, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DNNVV thành phố Đà Nẵng, thời gian qua, thành phố đã thực hiện nhiều giải pháp tích cực và đạt những kết quả cao trong cải cách TTHC. Tuy nhiên, đâu đó vẫn còn tình trạng nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà trong việc thực hiện TTHC.
Không ít DN phản ánh thường phải chi thêm các khoản “phí không chính thức” hay phải nhờ các bộ phận “trung gian” để thực hiện TTHC, nhất là các thủ tục liên quan đến đất đai, xây dựng, lập DN, kinh doanh có điều kiện. Việc này không chỉ gây bức xúc trong người dân, DN mà còn làm sụt giảm niềm tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Từ thực tế được các DN phản ánh như trên, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao Lê Đức Viên cho biết: Đề án này được thực hiện nhằm tiếp tục góp phần vào chuỗi các chương trình hành động hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc cho cộng đồng DN thành phố, theo đúng với tinh thần “Năm Doanh nghiệp Đà Nẵng 2014”.
Đề án được triển khai trong vòng một năm, từ tháng 10-2014 đến tháng 10-2015, tập trung vào 3 mục tiêu chính: Hỗ trợ DNNVV kỹ năng tiếp cận thông tin trên các lĩnh vực đất đai, xây dựng, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh; nâng cao năng lực của DN trong việc chủ động đưa ra yêu cầu được thông tin và nói không với chi phí chính thức; xây dựng mối quan hệ gắn kết, thân thiện giữa DN với cơ quan công quyền, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận thông tin và giải quyết các TTHC liên quan.
Trong đó, trọng tâm của đề án hướng đến việc góp phần cải cách TTHC, xây dựng bộ quy tắc ứng xử liêm chính, minh bạch trong kinh doanh, tạo thói quen, nếp văn hóa của DN trong việc hạn chế chi phí không chính thức, tác nhân gây ra tham nhũng và môi trường kinh doanh không lành mạnh.
Góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh
Đánh giá cao về ý tưởng của đề án, ông Nguyễn Văn Lý cho rằng: “Đề án ra đời là cần thiết bởi không chỉ hỗ trợ DN mà còn góp phần cải thiện các chỉ số thành phần, hướng đến tính bền vững cho chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Đà Nẵng”.
Ông Lý cũng chỉ ra thực tế, trong kết quả điều tra xã hội học năm 2013 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), mặc dù Đà Nẵng đứng đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh nhưng xét kết quả điều tra chi tiết ở các chỉ số thành phần như chỉ số chi phí không chính thức lại đứng ở thứ 25/63 tỉnh, thành phố; chỉ số tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất năm 2012 tụt 11 hạng so với năm 2011 (từ 6,11 điểm xuống còn 5,67 điểm) và trong năm 2013 vẫn tiếp tục giảm.
Dự kiến, sẽ có từ 200 - 300 DN được lựa chọn tham gia vào đề án và mục tiêu được đề ra là 70% DN sau khi tham gia nắm rõ cách thức khai thác thông tin, các dịch vụ hỗ trợ DN; quy trình, thủ tục trên các lĩnh vực đất đai, xây dựng, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh cho DN; 10-20% DN sẽ tiến hành xây dựng và thực hiện bộ quy tắc cho DN; hình thành mạng lưới gồm các cán bộ phụ trách chính trên các lĩnh vực của ngành nhằm hỗ trợ và cung cấp thông tin cho DN.
Phát biểu tại buổi công bố, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn mong muốn các DN chủ động, tích cực tham gia nhằm giúp đề án được hoàn thiện; đồng thời nhấn mạnh, đây là một trong những hoạt động tích cực, nhằm hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc của DN trên địa bàn thành phố, góp phần vào công tác cải cách TTHC, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và đúng với tinh thần “Năm Doanh nghiệp Đà Nẵng 2014”.
Đề án “Nâng cao năng lực của doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) trong việc tiếp cận thông tin về đất đai, xây dựng, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh” là 1 trong 19 đề án xuất sắc nhất, đoạt giải Chương trình sáng kiến phòng chống tham nhũng Việt Nam 2014 với chủ đề “Tăng cường minh bạch, liêm chính và trách nhiệm giải trình” do Ngân hàng Thế giới (WB) và Thanh tra Chính phủ đồng tổ chức. |
Bài và ảnh: KHÁNH HÒA