ĐNĐT - Nổi lên như một hướng đi mới cho các nhà đầu tư, đặc biệt đối với các dự án bất động sản - du lịch, hoạt động giao dịch, mua bán và sáp nhập (gọi tắt là M&A), chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng dự án đầu tư đã diễn ra thành công tại nhiều nơi, trong đó có Đà Nẵng. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp, nhà đầu tư vẫn còn lúng túng, gặp nhiều vướng mắc trong quá trình đàm phán và tiến hành các thủ tục pháp lý với cơ quan quản lý nhà nước...
Đó là những vấn đề lớn được các nhà đầu tư, chuyên gia trong và ngoài nước mổ xẻ, làm rõ tại hội thảo "Cơ hội đầu tư vào Đà Nẵng thông qua hình thức mua, bán và sáp nhập (M&A)" do Trung tâm Xúc tiến đầu tư phối hợp với CLB Doanh nhân FDI Đà Nẵng tổ chức vào chiều 28-11 tại Đà Nẵng.
Bất động sản, căn hộ nghỉ dưỡng đang là mối quan tâm của nhiều nhà đầu tư khi nhắm đến Đà Nẵng. |
Khách sạn - bất động sản hút nhà đầu tư
Ông Matthew Powell, Giám đốc SAVILLS Hà Nội nhìn nhận: “Năm 2014 là năm khá khó khăn đối với các nhà đầu tư tại Đà Nẵng. Chúng tôi hy vọng sẽ tốt đẹp trong thời gian tới, thị trường mua bán và sáp nhập cũng sẽ khởi sắc hơn, nhất là thị trường khách sạn tại Đà Nẵng. Các khách sạn từ 3-5 sao tại Đà Nẵng tăng trưởng khá ổn, khoảng 12% so với 2013. Đà Nẵng phần lớn là khách sạn ven biển (48%) và những thị phần này sẽ tăng trong tương lai”.
Theo Trung tâm Xúc tiến đầu tư (XTĐT) thành phố, tính đến tháng 11-2014 Đà Nẵng có 305 dự án đầu tư FDI đổ vào với tổng vốn đăng ký 3,375 tỷ USD. Trong đó có 25 dự án đầu tư vào lĩnh vực bất động sản - du lịch với vốn đầu tư 1,85 tỷ USD, chiếm tỷ trọng khá lớn (xấp xỉ 54%) trong tổng vốn đầu tư FDI. Chính vì vậy, cơ quan XTĐT Đà Nẵng cho rằng “không chỉ các nhà đầu tư quan tâm sốt sắng mà các đơn vị tham mưu cho thành phố luôn chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp FDI nói chung và các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực bất động sản - du lịch nói riêng hết mức”.
Lưu ý về thị trường, ông Marc Townsend, Giám đốc điều hành CRRE Việt Nam, đưa ra cảnh báo: "Đà Nẵng có cơ sở hạ tầng, sân bay, cảng biển, những con đường tốt nhất và tất nhiên có giao dịch M&A cũng tốt nhất. Đà Nẵng cũng có trên bản đồ mua, bán và sáp nhập đối với thị trường bất động sản, chỉ có điều khiến chúng tôi băn khoăn là không có nhiều số liệu ổn định để chứng minh các tài sản của các doanh nghiệp rất hấp dẫn. Nếu quý vị không đưa ra những số liệu này thì các nhà đầu tư sẽ đi tìm nơi khác. Nếu không có được cái giá tốt nhất thì họ sẽ không dám vào đây. Vì thế, chúng ta cần công bố số liệu hằng tuần, hằng tháng, hằng quý để các nhà đầu tư ở nước ngoài có thể nắm bắt…".
Đột phá để khai thông thị trường
Theo đánh giá, hoạt động M&A trong thời gian tới sẽ sôi động hơn với việc tăng trưởng về giá trị và số lượng thương vụ trong bối cảnh nền kinh tế đang hồi phục, tái cơ cấu doanh nghiệp được đẩy mạnh, cải cách thể chế, các văn bản luật mới được thông qua và dòng vốn ngoại đang chảy vào Việt Nam.
Ông Lê Minh Phúc, Tổng giám đốc VinaCapital Đà Nẵng, khẳng định Đà Nẵng có lợi thế phát triển các dự án bất động sản nghỉ dưỡng, đây là lĩnh vực các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm. Nếu có chính sách cởi mở và cạnh tranh với các nước trong khu vực ASEAN thì sẽ tạo cơ hội lớn để các dự án bất động sản có thể triển khai thuận lợi, đáp ứng nhu cầu lớn của người nước ngoài. Do đó, cần có chính sách cởi mở với thủ tục nhanh chóng, thuận lợi hơn về M&A đối với dự án bất động sản.
Còn theo ông Johnathan Ooi, Phó Tổng giám đốc Pricewaterhouse Coopers Việt Nam, năm 2010 - 2012, do lãi suất vay cao và thị trường chứng khoản ảm đạm, hoạt động M&A diễn ra sôi nổi. Sau 2012, khi thị trường chứng khoán phục hồi trở lại và nguồn vốn dồi dào hơn, M&A không còn là lựa chọn số một của một số công ty trong việc tìm nguồn vốn.
Ngoài ra, hệ thống luật pháp phức tạp cùng cơ sở hạ tầng yếu kém cũng là trở ngại cho các nhà đầu tư nước ngoài khi cân nhắc đầu tư vào Việt Nam. Một lượng khá lớn các giao dịch bị thất bại do thiếu một kế hoạch sáp nhập hậu giao dịch. Các nhà đầu tư thất bại trong việc thu được giá trị từ giao dịch do thiếu kế hoạch và hiểu biết về doanh nghiệp.
Một số doanh nghiệp có nhu cầu thoái vốn và mời đầu tư bày tỏ quan điểm: Nền kinh tế đang dần phục hồi với GDP tăng trưởng đều và lạm phát luôn được giữ ở mức ổn định. Nỗ lực của Nhà nước trong việc cải thiện hệ thống ngân hàng và tư nhân hóa các công ty Nhà nước được dự đoán sẽ tạo cơ hội cho các hoạt động mua, bán và sáp nhập. Các nhà đầu tư trở nên cởi mở hơn đối với việc đầu tư vào Việt Nam nhờ sự ổn định về chính trị và kinh tế.
“Đà Nẵng cần tiếp tục cải cách hành chính, cải thiện kết cấu hạ tầng, đẩy nhanh tiến độ khu công nghệ cao, khu CNTT tập trung và phát triển thêm các cụm công nghiệp chuyên môn đặc thù để thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư, làm việc và sinh sống để từ đó cơ cấu dân số lao động, mức thu nhập sẽ tăng. Đây chính là yếu tố cốt lõi để thúc đẩy phát triển kinh tế Đà Nẵng nói chung và thị trường bất động sản Đà Nẵng nói riêng”, ông Park Hee Hong (nhà đầu tư chủ dự án Khu đô thị quốc tế Đa Phước Đà Nẵng) khuyến nghị.
“Những thông tin hữu ích về xu hướng và triển vọng của giao dịch M&A, những vướng mắc, khó khăn cần được tháo gỡ mang đến cho doanh nghiệp cơ hội đầu tư vào Đà Nẵng. Trên tinh thần đó, thành phố mời gọi đầu tư và tìm kiếm đối tác hợp tác trong các dự án của mình, là cầu nối để các doanh nghiệp và nhà đầu tư tiềm năng gặp gỡ và trao đổi, tìm sự phù hợp và tạo nên giá trị cộng hưởng cho hai bên. Chính quyền thành phố sẽ ghi nhận và tiếp thu các ý kiến đóng góp để trên cơ sở đó hoàn thiện chính sách quản lý, tạo dựng một môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng năng động và hiệu quả”. Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Phùng Tấn Viết |
Bài và ảnh: Duyên Anh