Sau 6 tháng tàu ĐNa 90152 của bà Huỳnh Thị Như Hoa (phường Xuân Hà, quận Thanh Khê) bị tàu Trung Quốc đâm chìm khi đang hoạt động tại vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa nước ta, giờ đây, con tàu mới thay thế tàu cũ sắp sửa hoàn thành, tiếp tục sứ mệnh của con tàu lịch sử.
Công nhân khẩn trương hoàn thiện khâu cuối cùng trước khi cho tàu hạ thủy. |
Những ngày qua, công nhân Công ty Trục vớt, đóng, sửa chữa tàu thuyền Bắc Mỹ An (quận Sơn Trà) khẩn trương thực hiện những công đoạn cuối cùng của con tàu, dự kiến hơn một tuần nữa sẽ hoàn thành.
Anh Nguyễn Văn Dương, Trưởng bộ phận kỹ thuật cho biết, con tàu đóng mới theo mẫu của Thái Lan, có chiều dài 22m, rộng 6,2m, cao 3,5m, hai máy với tổng công suất khoảng 1.000 CV. Đây là loại tàu hiện đại thứ 3 được đóng tại Đà Nẵng.
Công nhân Nguyễn Văn Dũng chia sẻ: “Suốt 6 tháng qua, chúng tôi rất nỗ lực để con tàu hoàn thành đúng tiến độ. Bởi con tàu này sẽ thay thế cho con tàu ĐNa 90152 đã được chủ tàu hiến cho thành phố làm vật chứng lịch sử”.
Bà Như Hoa cho biết thêm, để đóng mới mẫu tàu này bà phải thuê một công ty thiết kế ở Vũng Tàu; đồng thời, các công nhân có kỹ thuật cao tại Vũng Tàu làm nhiệm vụ đóng, quản lý công nhân. Ngoài ra, một số công nhân kỹ thuật có tay nghề ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và một số lao động của tàu ĐNa 90152 cũng được huy động đến làm khi cần thiết.
“Trị giá con tàu khoảng 8 tỷ đồng, vốn tự có khoảng trên 3 tỷ đồng, còn lại vốn vay. Hiện tại, gia đình tôi đã làm hồ sơ xin vay dự án đóng mới tàu theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ và mong muốn được vay sớm để trang trải chi phí cho việc đóng mới tàu”, bà Như Hoa chia sẻ.
6 tháng kể từ khi tàu ĐNa 90152 bị chìm, công việc của các lao động trên tàu hết sức bấp bênh. Hầu hết các lao động đều ở nhà và cuộc sống gặp không ít khó khăn. Thuyền trưởng Đặng Văn Nhân cho biết, hơn ba tháng anh ở nhà vì không kiếm được việc làm, hiện làm thuê cho một tàu cá ở quận Sơn Trà. Mong muốn của anh cũng như những lao động khác của tàu ĐNa 90152 là có tàu lớn vươn khơi ngư trường Hoàng Sa để mưu sinh và bảo vệ chủ quyền.
Thuyền viên tàu ĐNa 90152 Lê Văn Hà cũng thất nghiệp suốt mấy tháng liền. Hơn một tháng nay anh mới đi lộng với một chủ tàu ở địa phương. Nhiều năm bám biển Hoàng Sa, vùng biển thiêng liêng ấy ăn sâu vào máu thịt của anh. “Tôi đang trông chờ tàu mới của bà Như Hoa hoàn thành và hạ thủy sớm để được vươn khơi, bám biển Hoàng Sa giữ chủ quyền, giữ ngư trường truyền thống mà cha ông ta để lại”, anh Hà tâm sự.
Tuy nhiên, bà Như Hoa hết sức lo lắng bởi sợ không vay kịp nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ thì sẽ không đủ tiền để mua các thiết bị máy móc, cũng như thanh toán mặt bằng, tiền công cho người lao động.
Bà Hoa thổ lộ: “Mong muốn của tôi là đầu tháng tới sẽ hạ thủy tàu để còn chuẩn bị lao động cho chuyến đi biển mới. Nếu ra khơi sớm, chúng tôi cũng kiếm được vài chuyến biển trang trải nợ nần”. Theo bà Hoa, cuối năm, các lao động của tàu cũng trông ngóng, muốn có việc làm cho sang năm. Vì vậy, nếu thiếu tiền, không mua sắm đầy đủ thiết bị thì khi hạ thủy cũng không thể vươn khơi được, các lao động sẽ bỏ tàu, chủ tàu cũng gặp rất nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Đỗ Tám, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT thành phố Đà Nẵng cho biết, tàu bà Huỳnh Thị Như Hoa đóng trước khi Nghị định 67 có hiệu lực (25-8) nên trước đó, phía lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho rằng phải xem xét lại. Tuy nhiên, Sở NN&PTNT và lãnh đạo thành phố đặc biệt quan tâm đến trường hợp này và sẽ xem xét, kiến nghị, tạo mọi điều kiện, ưu tiên cho bà Huỳnh Thị Như Hoa được vay theo Nghị định 67 của Chính phủ.
Bài và ảnh: NGỌC PHÚ