Chi cục Thuế các quận, huyện cho biết, tình trạng doanh nghiệp (DN) nợ thuế rồi bỏ trốn hoặc tuyên bố giải thể nhưng thực tế lại chạy đến địa phương khác lập công ty mới… không hiếm, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác thu thuế của cơ quan chức năng.
Cần có giải pháp hiệu quả hơn trong quản lý doanh nghiệp để chống thất thoát trong thu thuế (Ảnh có tính minh họa). |
Doanh nghiệp ôm nợ, bỏ trốn…
Chi cục Thuế quận Liên Chiểu cho biết, Công ty CP Tư vấn kiểm định xây dựng Bách Khoa (quận Liên Chiểu) hiện là một trong những DN có số nợ thuế lớn nhất trên địa bàn quận với gần 9,7 tỷ đồng và nằm trong diện khó đòi.
Ông Ngô Tấn Nhĩ, Chi cục trưởng Chi cục Thuế quận Liên Chiểu cho hay, trước đây công ty này có trụ sở tại quận Thanh Khê, sau một thời gian kinh doanh thua lỗ với số tiền nợ thuế ban đầu lên đến gần 5 tỷ đồng đã qua địa bàn quận Liên Chiểu lập công ty mới.
Cùng với công ty này, một loạt các công ty khác trên địa bàn quận Liên Chiểu cũng trong tình trạng nợ thuế khó đòi như: Công ty TNHH MTV Hải Nam Long (nợ thuế hơn 4 tỷ đồng), Công ty CP Xây dựng và phát triển công nghệ sinh học Đông Hải (nợ thuế gần 1 tỷ), Công ty TNHH Thương mại và xây lắp điện công nghiệp Trung Hoa (nợ thuế 1,3 tỷ đồng)…
Theo báo cáo của Chi cục Thuế quận Liên Chiểu, tính đến tháng 10-2014, toàn quận có 250 đơn vị bỏ trốn mang theo số tiền nợ thuế hơn 24 tỷ đồng; nợ từ việc cưỡng chế hóa đơn là 27 tỷ đồng (với 139 DN); nợ cưỡng chế tài khoản ở ngân hàng 12,6 tỷ đồng (105 DN) và 5,4 tỷ đồng nợ thuế khác.
“Nói là nợ thuế khó đòi nhưng thực tế khả năng thu nợ thuế từ các DN này rất thấp. Nợ đọng trên toàn quận Liên Chiểu cao (69 tỷ đồng) phần lớn vì không thu được từ nguồn nợ thuế của các DN này”, ông Nhĩ nói.
Chi cục Thuế quận Sơn Trà cho biết, thống kê đến đầu tháng 11-2014, trên địa bàn quận có 601 đơn vị nợ thuế và bỏ trốn, có 67 đơn vị thuộc diện nợ thuế khó thu với số tiền hơn 11 tỷ đồng. Một số đơn vị nợ lớn như Xí nghiệp Bao bì sản xuất giống khép kín Đà Nẵng (nợ hơn 2,1 tỷ đồng), Công ty TNHH Quang Thọ (hơn 1,1 tỷ đồng).
Là địa phương làm tốt công tác thu thuế, thu ngân sách trong hai năm liên tiếp (2013 và 2014), nhưng trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn cũng không hiếm những DN nợ thuế và thuộc diện khó thu hồi nợ như trường hợp Công ty TNHH Hữu Kim chuyên kinh doanh sắt thép với số nợ gần 2 tỷ đồng…
Chi cục Thuế quận Ngũ Hành Sơn cho biết, trong năm 2014, toàn quận có 10 DN nợ thuế với gần 9 tỷ đồng và đã “bỏ chạy” như vậy.
Theo số liệu Cục Thuế thành phố cung cấp, hiện có trên 1.000 DN nợ thuế đã bỏ trốn; nợ đọng tính đến 31-10-2014 của toàn thành phố khoảng 800 tỷ đồng, trong đó có 170 tỷ đồng tiền phạt chậm nộp thuế; nợ khó đòi khoảng 300 tỷ đồng. Có doanh nghiệp bỏ trốn với nợ thuế hơn 5 tỷ đồng như Công ty ITG Phong Phú.
Khó quản lý doanh nghiệp
Ông Trần Văn Miên, Cục trưởng Cục Thuế thành phố cho rằng, sở dĩ có tình trạng DN nợ thuế rồi bỏ trốn hoặc chuyển sang địa bàn khác lập DN mới một phần do xuất phát từ kẽ hở trong việc thành lập DN quá dễ dàng nhưng quản lý còn lỏng lẻo; trong khi đó, lại chưa có chế tài đủ mạnh để xử lý khi họ vi phạm.
Ông Trần Văn Thành, Chủ tịch UBND phường Mỹ An (quận Ngũ Hành Sơn) chỉ rõ: “Hiện nay, một người chỉ cần có một ít vốn là có thể thành lập DN, trong khi năng lực tài chính, trình độ quản lý, địa chỉ đặt trụ sở… không ai kiểm tra, kiểm định. Trong thực tế, khi chúng tôi thành lập các đoàn đi khảo sát, kiểm tra thì phát hiện không ít DN có tên nhưng không có địa chỉ, không có hoạt động kinh doanh. Khi nợ thuế họ tự ý giải thể, bỏ trốn nên không thể làm được gì”.
Để xử lý tình trạng này, ông Trần Văn Miên cho biết, cơ quan Thuế thành phố đã triển khai nhiều biện pháp mạnh nhằm răn đe như cưỡng chế hóa đơn, phong tỏa tài khoản. Từ đầu năm đến nay, có 12.539 lượt DN bị phong tỏa tài khoản; 527 lượt DN bị cưỡng chế hóa đơn; ban hành 55.000 lượt thông báo nợ thuế hằng tháng; mời 9.740 lượt DN lên làm việc…
Ông Lê Hà, Chi cục trưởng Chi cục Thuế quận Ngũ Hành Sơn chia sẻ kinh nghiệm là ngay từ đầu năm đơn vị đã triển khai quyết liệt công tác khảo sát, kiểm soát và thu nợ đọng. Đến nay, Chi cục Thuế quận Ngũ Hành Sơn đã xử phạt gần 50 trường hợp DN không có bảng hiệu công ty, vi phạm pháp luật về hóa đơn; thành lập 5 đoàn công tác chống nợ thuế và giao chỉ tiêu mỗi tuần phải kiểm tra, rà soát được 12 DN, mỗi tháng từ 40 đến 50 DN. Năm 2013, nợ đọng toàn quận là 10 tỷ đồng, đến nay đã thu hồi được 8 tỷ đồng. Với việc làm sâu sát này, cơ quan Thuế kịp thời nắm bắt tình hình khó khăn, những vướng mắc và phản hồi cho DN nhằm có giải pháp hỗ trợ, hạn chế đến mức thấp nhất số DN trốn thuế, nợ thuế chây ỳ.
“Việc DN nợ thuế, bỏ trốn là thực trạng vẫn diễn ra lâu nay, có những DN cố tình vi phạm nhưng cũng có những đơn vị thực sự khó khăn. Với ngành chức năng chúng tôi, điều quan trọng là phải làm sao để kiểm soát, hoàn thành nhiệm vụ được giao nhưng vẫn tạo điều kiện để DN vượt qua khủng hoảng, ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh”, ông Miên nói.
Bài và ảnh: KHÁNH HÒA