.
Phát triển logistics

Đào tạo nhân lực là khâu đột phá

.

Tại hội thảo “Phát triển logistics khu vực miền Trung thông qua việc xây dựng cluster” do Trung tâm Xúc tiến thương mại thành phố Đà Nẵng phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và phát triển logistics Đà Nẵng tổ chức sáng 26-11, Giáo sư J Marchal, Đại học Liege, Vương quốc Bỉ, khẳng định: Đà Nẵng có đủ điều kiện để phát triển mạnh logistics cluster cho cả khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

“Tuy nhiên, điều cần bây giờ là thành phố không được nóng vội mà cần có những bước đi hợp lý, trong đó khâu đột phá và được ưu tiên là đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực này”, Giáo sư J Marchal, một trong những người có công đầu trong việc xây dựng logistics cluster (hợp tác giữa các doanh nghiệp logictics với các doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ có sự tương tác hỗ trợ từ hạ tầng giao thông) ở vùng Wallonia  của Bỉ, nói.

Xuất phát từ nhận thức này, hơn 4 năm qua, Đại học Liege ký kết hợp tác hỗ trợ với Đại học Đà Nẵng mà kết quả đầu tiên là đã đào tạo cho thành phố Đà Nẵng 3 khóa thạc sĩ chuyên ngành về logistics, tiếp tục đào tạo thêm những chuyên gia giỏi cho Đà Nẵng và khu vực miền Trung trong thời gian đến.

Bên cạnh đó, năm 2013, Đại học Liege đã phối hợp với thành phố Đà Nẵng thành lập Trung tâm Chuyển giao công nghệ logistics, đây là nền tảng quan trọng để giúp Đà Nẵng trong việc xây dựng dịch vụ logistics cluster phát triển trong tương lai. Đặc biệt, các hoạt động này là rất thuận lợi vì nằm trong Chương trình hợp tác giữa hai Chính phủ Việt Nam và Vương quốc Bỉ, trong đó công tác xây dựng và phát triển logistics được xem như là nội dung mang tính ưu tiên.

Theo ông B Piette, Giám đốc Trung tâm logistics cluster Wallonia, một trong những trung tâm được đánh giá thành công nhất của Bỉ hoạt động trên lĩnh vực này, vị thế của Đà Nẵng hiện nay khá giống với vùng Wallonia, Bỉ cách đây khoảng 15 năm.

Trước đây, mặc dù có lợi thế về hạ tầng giao thông là nằm trên tuyến giao thông của đường thủy, bộ, hàng không... nhưng dịch vụ logistics vùng Wallonia kém phát triển; tuy nhiên nhờ mạnh dạn xây dựng dịch vụ logistics cluster mà giờ đây kinh tế Wallonia đã phát triển mạnh, trở thành động lực phát triển cho cả vùng. Vì vậy, ông B Piette khuyên Đà Nẵng nên mạnh dạn đầu tư phát triển logistics cluster nhằm phát huy hết tiềm năng và lợi thế của mình.

Theo Trung tâm Nghiên cứu và phát triển logistics Đà Nẵng, Việt Nam nói chung và khu vực miền Trung nói riêng, dịch vụ logistics vẫn chưa phát triển đúng với tiềm năng và lợi thế của mình. Đã vậy dịch vụ logistics còn có sự mất cân đối khá lớn, trong khi dịch vụ xuất khẩu vận tải mỗi năm chỉ đạt có 2,07 tỷ USD thì dịch vụ nhập khẩu vận tải lại chiếm đến 8,71 tỷ USD.

Điều này phản ánh khá trung thực thực tế là hiện nay cả nước có khoảng 1.000 doanh nghiệp logistics trong nước nhưng chỉ chiếm được khoảng từ 20-30% thị phần dịch vụ logistics; ngược lại chỉ có khoảng 25 doanh nghiệp nước ngoài nhưng lại chiếm đến 70-80% thị phần. Nguyên nhân chính ở chỗ chi phí logistics của Việt Nam quá cao, chiếm trên 20% dịch vụ, trong khi đó ở các nước có ngành logistics phát triển chỉ ở mức trên 10%.

Riêng khu vực miền Trung, ngoài chi phí dịch vụ cao hơn mặt bằng chung cả nước, tồn tại nhiều vấn đề khác như thời gian giao nhận hàng chậm, phí cao, các thủ tục hành chính rườm rà mất nhiều thời gian, các doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực logistics chưa có tiếng nói chung dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, hoạt động manh mún, nguồn nhân lực phục vụ cho logistics vừa thiếu vừa yếu.

Mặc dù vậy, riêng Đà Nẵng có những lợi thế nhất định, đặc biệt là có nhiều thuận lợi để xây dựng mô hình logistics cluster. Đó là hạ tầng giao thông ngày một hoàn thiện, với hệ thống đường sắt, đường bộ, đường thủy, đường hàng không, có cảng biển quốc tế, và đặc biệt là điểm cuối của tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây. Về tiềm năng xuất khẩu, các mặt hàng được đánh giá có tiềm năng lớn như cao su, cà phê, gỗ, nông sản, thủy sản, dệt may... đều tập trung chủ yếu trên địa bàn miền Trung và Tây Nguyên.

T.S

;
.
.
.
.
.