Đó là khẳng định của ông Nguyễn Xuân Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ (Bộ Giao thông vận tải) tại Hội nghị triển khai ký cam kết không xếp hàng hóa lên phương tiện vượt quá tải trọng cho phép được tổ chức tại Đà Nẵng sáng 10-11.
Các doanh nghiệp ký cam kết không vi phạm xếp hàng quá tải trọng trước sự chứng kiến của lãnh đạo thành phố và Bộ GTVT. |
Cần quyết liệt từ khâu xếp hàng hóa
Theo ông Cường, trước vấn nạn xe quá tải gây ra quá nhiều hệ lụy cho xã hội như: hạ tầng giao thông xuống cấp nhanh, tai nạn giao thông (TNGT) gia tăng, thị trường cước vận tải rối rắm..., việc Bộ Giao thông vận tải (GTVT) phối hợp với ngành Công an và các địa phương triển khai cân tải trọng trên toàn quốc đã đem lại kết quả rất khả quan: giảm hơn 55% xe quá tải.
Thành công này được đúc kết từ 6 giải pháp căn bản mà Bộ GTVT đưa ra. Đó là kiểm soát chặt hồ sơ kỹ thuật phương tiện ngay từ khâu nhập khẩu; siết chặt công tác đăng kiểm; triển khai việc kiểm tra phương tiện giữa hai kỳ đăng kiểm; lập các trạm cân lưu động trên quốc lộ; điều chỉnh hệ thống các văn bản về vận tải để bảo đảm tăng tính kiểm soát cho các cơ quan Nhà nước trên lĩnh vực vận tải; kiểm soát tải trọng ngay từ khâu xếp hàng hóa lên các phương tiện vận tải. Mặc dù được đánh giá là hiệu quả nhất, nhưng thời gian qua, biện pháp kiểm soát tải trọng ngay từ khâu xếp hàng hóa lên các phương tiện vận tải chưa được các địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ.
Vì vậy, Bộ GTVT quyết tâm triển khai đến tất cả các doanh nghiệp vận tải, các đầu mối hàng hóa phải ký cam kết thực hiện nghiêm túc việc “Ký cam kết kiểm soát tải trọng từ các đầu mối xếp hàng hóa” trên cả nước và sẽ hoàn thành trước ngày 30-12-2014.
Thành phố Đà Nẵng thời gian qua đã triển khai rất quyết liệt hoạt động giám sát tải trọng xe thông qua việc duy trì trạm cân lưu động làm việc 24/24 giờ mỗi ngày; tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát tải trọng phương tiện bằng đội kiểm tra di động trên đường. Kết quả hoạt động từ ngày 1-4-2014 đến nay, trên địa bàn thành phố đã tiến hành kiểm tra 5.031 phương tiện, lập biên bản xử phạt 1.178 trường hợp vi phạm chở quá tải trọng với số tiền xử phạt gần 3,2 tỷ đồng, tước giấy phép lái xe 967 trường hợp.
Mặc dù vậy, theo đánh giá của Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn, kết quả này chỉ mới đến từ việc giám sát tải trọng trên các trục đường của thành phố; mới xử lý tài xế và chủ phương tiện vi phạm, nhưng lại “bỏ sót” mắt xích quan trọng là tại các đầu mối xếp hàng hóa trên địa bàn. Vì vậy, thời gian đến, thành phố sẽ quyết liệt triển khai công tác này, trong đó quan trọng nhất vẫn là khâu tuyên truyền để các doanh nghiệp ý thức và thực hiện đúng việc chở đúng tải trọng.
Bên cạnh đó, sẽ tăng cường công tác quản lý, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm việc xếp hàng hóa lên phương tiện. Ngành giao thông vận tải thành phố phải bảo đảm 100% doanh nghiệp ở thành phố trên lĩnh vực này phải ký cam kết không vi phạm về tải trọng.
Doanh nghiệp vận tải ủng hộ
Gần 40 đơn vị đại diện cho các doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực kho vận trên địa bàn tham gia hội nghị cũng bày tỏ sự ủng hộ tuyệt đối chủ trương của Chính phủ trong việc quản lý tải trọng, nhất là từ khâu xếp hàng hóa lên phương tiện. Theo ông Nguyễn Bắc Bình, Giám đốc Công ty CP Bình Vinh, đơn vị có tới 260 đầu xe tải và trên 15.000m2 kho bãi cho rằng, việc siết chặt quản lý tải trọng của Chính phủ là một giải pháp tốt đem đến rất nhiều lợi ích cho xã hội và doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực kho vận. Mặc dù vậy, theo ông Bình, để thực hiện điều này là bước đi vô cùng gian khó trong việc thương thảo hợp đồng với các nhà sản xuất, kinh doanh vì bao giờ họ cũng muốn kéo giảm giá cước.
Thực tế thời gian qua, để thuyết phục khách hàng, doanh nghiệp này phải đem những tờ biên lai bị xử phạt vì lỗi chở quá tải ra cho khách hàng xem thì họ mới chấp nhận phương án xây dựng giá cước trên cơ sở chở... đúng tải. Ông Bình kiến nghị phải bảo đảm các bàn cân hoạt động luôn chính xác, tránh tình trạng mỗi lần cân là một kết quả khác nhau, gây khó khăn cho các nhà vận tải. Đặc biệt, Bộ GTVT phải sớm khảo sát và cắm biển tải trọng cầu trên toàn quốc; vì hiện nay tồn tại một nghịch lý là hầu hết cầu trên quốc lộ cắm biển tính tải chung cả xe chứ không tính tải trọng trục.
Điều này khiến những phương tiện có nhiều trục xe gần như bị rơi vào tình trạng quá tải, oan cho doanh nghiệp. Còn ông Lê Nam Hùng, Phó Giám đốc Công ty CP Portesrco cho rằng, để việc giám sát tải trọng có kết quả như mong muốn thì việc duy trì các trạm cân lưu động và đội cân di động phải thường xuyên, lâu dài, có như vậy mới tạo được “sân chơi” bình đẳng cho các đơn vị vận tải, cũng như trả giá cước vận tải về với giá trị thực chứ không phải ảo như lâu nay.
Trả lời những băn khoăn này của các doanh nghiệp, ông Nguyễn Xuân Cường cho biết, Bộ GTVT đang nỗ lực hết mình và theo đuổi đến cùng để giải quyết triệt để vấn nạn xe quá tải. Về việc cắm biển tải trọng, Bộ GTVT cũng vừa tiến hành xong theo hình thức tính tải trọng theo trục; nhưng do điều kiện kinh phí chưa thể thay toàn bộ biển báo nên Bộ GTVT chỉ lắp biển phụ bên dưới các biển tải trọng cầu trước đây. Về hoạt động các trạm cân lưu động, không những sẽ được duy trì hoạt động lâu dài, mà sắp tới, tại các trạm thu phí cũng sẽ được trang bị thêm thiết bị cân tải xe. Vì vậy, các doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc hoàn toàn yên tâm.
Bài và ảnh: TRẦN LUÂN SƠN