Sáng nay (ngày 3-11), Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến tháng 10-2014 tại 3 đầu cầu: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng.
Ảnh minh họa. |
Tăng trưởng công nghiệp: Ấn tượng từ các địa phương
Ông Nguyễn Tiến Vỵ - Vụ trưởng Vụ kế hoạch cho biết, tháng 10-2014, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 4,6% so với tháng 9-2014 và tăng 7,9% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,2%, ngành sản xuất, phân phối điện tăng 11,8% và ngành cung cấp nước và xử lý nước thải, rác thải tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2013.
Tính chung 10 tháng năm 2014, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,9% - mức tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2013 so với năm 2012 tăng 5,4%). Sự tăng trưởng của các ngành công nghiệp có sự đóng góp không nhỏ từ các địa phương trên cả nước.
Theo ông Lê Văn Khoa - Giám đốc Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh: Tháng 10, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,2% so với tháng 9 và tăng 8,7% so với tháng cùng kỳ năm 2013. Lũy kế 10 tháng đầu năm 2014, chỉ số này tăng 6,8% (cùng kỳ tăng 5,9%). “Nhìn chung, hoạt động sản xuất công nghiệp của doanh nghiệp trên địa bàn thành phố 10 tháng năm 2014 tiếp tục đà phục hồi tăng trưởng và cao hơn cùng kỳ”, ông Lê Văn Khoa nhấn mạnh.
Sản xuất công nghiệp TP. Hồ Chí Minh không chỉ khởi sắc về quy mô mà cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp cũng có sự chuyển biến tích cực. Trong đó, nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,7%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 6,3%; trong khi công nghiệp khai khoáng chỉ tăng 1,8% so cùng kỳ.
Thành công trên do Sở Công thương đã đề ra nhiều giải pháp thời gian quan như: Kết nối ngân hàng với doanh nghiệp (10 tháng đầu năm đã có hơn 37.000 tỷ đồng đã được đăng ký kết nối); tổ chức các hội nghị kết nói giữa thành phố và các tỉnh miền Đông Nam Bộ...
Từ đầu cầu Đà Nẵng, ông Lữ Bằng - Phó giám đốc Sở Công thương cho biết, sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng, trong đó chỉ số công nghiệp tháng 10 tăng khoảng 11% so với cùng kỳ; 10 tháng tăng ước 9% so với cùng kỳ. Các sản phẩm công nghiệp: Khoáng sản, giầy dép, gia dầy có bước tăng trưởng mạnh mẽ..
Còn ông Lâm Thanh Hùng - Phó giám đốc Sở Công thương Kiên Giang khẳng định: Đầu tư của các doanh nghiệp ngành Công thương trên địa bàn tỉnh đang đi theo chiều hướng tích cực, trong tương lai đóng góp không nhỏ vào hoạt động sản xuất công nghiệp địa phương. Ông Hùng dẫn chứng: Nhà máy dệt may do Vinatex đầu tư dự kiến đi vào hoạt động 30-4-2015 với vốn đầu tư 13,6 triệu USD đang ở trong giai đoạn hoàn thiện nước rút. Công ty bia Sài Gòn - Kiên Giang với tổng vốn đầu tư hơn 600 tỷ đồng, cũng sẵn sàng đi vào hoạt động từ quý II/2015; Nhà máy sản xuất giầy dép xuất khẩu TBS Kiên Giang, vốn đầu tư gần 300 tỷ đồng, giai đoạn 1 dự kiến di vào hoạt động từ quý II/2015.
Bác thông tin dùng vốn ODA xây dựng chợ
Theo ông Võ Văn Quyền - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội tháng 10-2014 ước đạt 251.195 tỷ đồng, tăng 1,6% so với tháng trước. Tính chung 10 tháng năm 2014, tổng mức bán lẻ ước đạt 2.399.480 tỷ đồng, tăng 11,1% so với cùng kỳ năm 2013, tăng thấp hơn so với mức tăng 12,6% của năm ngoái. Nếu loại trừ yếu tố tăng giá, tổng mức bán lẻ 10 tháng năm 2014 đạt mức tăng 6,4%. Đây là những con số thể hiện chất lượng tăng trưởng, sức mua của nền kinh tế được cải thiện. Bức tranh chung kinh tế vi mô đang ổn định.
Kể từ ngày 1-11-2014, Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu đã có hiệu lực, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 38/2014/TT-BCT quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 83; phối hợp cùng Bộ Tài chính ban hành Thông tư 39/2014/TTLT-BCT-BTC - thông tư liên tịch quy định về phương pháp tính giá cơ sở; cơ chế hình thành, quản lý, sử dụng Quỹ Bình ổn giá và điều hành giá xăng dầu theo quy định tại Nghị định số 83.
“Nghị định 83, Thông tư 38, 39 sẽ được phổ biến rộng rãi tại 3 miền Bắc, Trung, Nam trong thời gian tới đồng thời tiếp thu những ý kiến của doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối”, ông Võ Văn Quyền cho hay.
Cũng liên quan đến kinh doanh xăng dầu, ông Nguyễn Xuân Thủy - Giám đốc Sở Công thương Quảng Ngãi kiến nghị: 22 nghìn dân ở huyện đảo Lý Sơn, tàu đánh cá nhiều, nhu cầu xăng dầu khá lớn nhưng Bộ Công Thương, Tài chính chưa có văn bản hướng dẫn về giá xăng dầu. Thực tế, giá xăng dầu ở Lý Sơn cao hơn đất liền 1.000 - 1.500 đồng/lít do cước vận chuyển cao.
Giải đáp vấn đề này, ông Võ Văn Quyền cho biết, để đảm bảo xăng dầu cho vùng sâu, vùng xa, trong Thông tư 39 có quy định: “Đối với địa bàn xa cảng, xa kho đầu mối, xa cơ sở sản xuất xăng dầu có chi phí kinh doanh hợp lý, hợp lệ cao hơn mức quy định, thương nhân đầu mối được quyết định giá bán thực tế tại địa bàn đó để bù đắp chi phí kinh doanh hợp lý phát sinh nhưng giá bán không vượt quá 2% giá cơ sở công bố cùng thời điểm”.
Đặc biệt, ông Võ Văn Quyền cảnh báo: Gần đây tại một số địa phương như: Thanh Hóa, Đà Nẵng... xuất hiện thông tin Bộ Công Thương bố trí vốn cho xây dựng chợ từ nguồn vốn ngân sách, vốn ODA không qua đấu thầu.
Đây là thông tin không chính xác bởi theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ ngân sách cho địa phương giai đoạn 2014 - 2015, chợ là một trong các hạng mục trong phát triển vùng. Trên cơ sở cân đối, trung ương bố trí ngân sách chung cho địa phương, trong đó có kinh phí rất nhỏ hỗ trợ xây dựng chợ (chợ khó khăn, chợ vùng sâu, vùng xa). Do đó, các địa phương cần nắm rõ thông tin, cảnh báo cho doanh nghiệp, tránh tình trạng bị lừa đảo...
Báo Công Thương