.

Tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp FDI

.

Các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) sẽ được tạo điều kiện thuận lợi nhất khi hoạt động tại thành phố Đà Nẵng. Lãnh đạo thành phố khẳng định như vậy tại buổi gặp mặt và đối thoại với 160 doanh nghiệp FDI do UBND thành phố tổ chức chiều 5-11 dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND thành phố Văn Hữu Chiến và Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố, Trưởng Ban chỉ đạo Năm Doanh nghiệp Đà Nẵng 2014 Võ Duy Khương. Buổi đối thoại nhằm cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường thu hút FDI vào thành phố.

Đại diện một doanh nghiệp FDI nêu ý kiến tại buổi đối thoại.
Đại diện một doanh nghiệp FDI nêu ý kiến tại buổi đối thoại.

DN quan tâm hạ tầng, đất đai

Theo ông Lâm Quang Minh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư thành phố, sau 2 đợt khảo sát vào tháng 4 và tháng 7-2014 đã nhận được 87 kiến nghị của các DN FDI trên địa bàn. Trong đó, nhà đầu tư quan tâm chủ yếu về cơ sở hạ tầng, chính sách đất đai, môi trường, thuế, hải quan, thủ tục hành chính, tài chính ngân hàng, hỗ trợ thị trường, kết nối DN, đào tạo nguồn nhân lực…

Tại buổi đối thoại, ông Huỳnh Tấn Vinh, Phó Tổng giám đốc Furama Resort,  kiến nghị xem xét về quy định mật độ xây dựng của thành phố và Bộ Xây dựng, DN đã bảo đảm các quy định chung nhưng khi trình phê duyệt lại yêu cầu điều chỉnh thấp hơn quy định gây khó khăn cho DN. Ngay lập tức, Chủ tịch UBND thành phố Văn Hữu Chiến chỉ đạo Sở Xây dựng khi cấp phép phải thực hiện đúng theo quy định của Bộ Xây dựng về quy định chi tiêu mật độ xây dựng.

Ở lĩnh vực hạ tầng, ông Shinichi Iwama, Chủ tịch Công ty TNHH Daiwa Việt Nam, nêu nghịch lý khi KCN Hòa Khánh hiện nay đang có nhiều diện tích đất trống nhưng DN FDI có nhu cầu sử dụng đất, đầu tư dự án lại không thể tiếp cận. 

Đại diện Hiệp hội DN Nhật Bản tại Đà Nẵng hiến kế về thu hút đầu tư theo hướng tốt nhất là thành phố nên làm hài lòng các DN đang đầu tư tại đây để chính họ sẽ tiếp tục quảng bá điểm đến Đà Nẵng cho các nhà đầu tư khác. Hiện nay, các nhà đầu tư cũng như du khách Nhật Bản đến Đà Nẵng ngày càng tăng cao, thành phố nên có bản đồ về khu mua sắm và khu ẩm thực dành cho người Nhật, xây dựng cửa hàng tiện lợi cho người Nhật…

Nội dung này được Phó Chủ tịch Thường trực UBND thànnh phố Võ Duy Khương cho biết, hiện các khu đất trống đã được rà soát, thu hồi và có sự điều chuyển bố trí mới cho DN khác. UBND thành phố đang chủ động tạo điều kiện cho DN FDI tiếp cận quỹ đất để đầu tư.

Thành phố Đà Nẵng cũng đang lập quy hoạch KCN dành riêng cho DN Nhật Bản, trong đó có việc khai thác thêm 10ha tại KCN Liên Chiểu. Hoạt động dịch vụ, thương mại của thành phố cũng chủ động khai thác các nguồn khách, các nhu cầu thiết thực của cộng đồng DN FDI đến từ các nước.

Đối với việc xây dựng nhà ở cho công nhân, UBND thành phố đã có chủ trương kêu gọi nhà đầu tư, kiến nghị Bộ Xây dựng bổ sung thêm các cơ chế chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư, cải thiện nhanh tình trạng bức xúc về nhà ở cho người lao động. Đối với hạ tầng giao thông, trong đó có phương tiện xe buýt có điểm đến kết nối với trung tâm thành phố và phục vụ nội tại từng KCN sẽ được triển khai, đưa vào khai thác từ năm 2015.

Sẽ thêm nhiều ưu đãi

Tại buổi đối thoại, lãnh đạo UBND thành phố khẳng định luôn tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn của DN FDI khi đầu tư và triển khai dự án tại thành phố; đồng thời đề nghị các DN nước ngoài, đặc biệt là DN Nhật Bản cùng với Sở Ngoại vụ, Ban quản lý các KCN và CX, Trung tâm Xúc tiến đầu tư chủ động kết nối để hỗ trợ thông tin cho DN.

Theo đánh giá của lãnh đạo thành phố, trong 10 tháng đầu năm 2014 Đà Nẵng thu hút được khoảng 153 triệu USD với 22 dự án đăng ký cấp mới và 14 dự án tăng vốn. So với tổng vốn cấp mới và tăng thêm của cả nước, lượng vốn vào Đà Nẵng trong năm nay còn rất khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng của thành phố. Vì vậy, chính quyền thành phố sẽ ghi nhận và tiếp thu các ý kiến đóng góp, trên cơ sở đó hoàn thiện chính sách quản lý, tạo dựng một môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng năng động và hiệu quả.

Theo Chủ tịch UBND thành phố Văn Hữu Chiến, các ngành liên quan của thành phố sẽ tiếp tục triển khai công tác đối ngoại, xúc tiến đầu tư có hiệu quả, tiếp cận chủ trương chính sách từ Trung ương và thành phố để hỗ trợ DN FDI kịp thời nắm bắt thông tin, nhận được sự thuận lợi tốt nhất khi đầu tư vào Đà Nẵng. Chính quyền thành phố cũng nghiên cứu chính sách của Trung ương, đề xuất thêm những ưu đãi riêng đối với DN FDI khi Đà Nẵng xây dựng chính quyền đô thị, chính quyền điện tử.

Về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đơn giản hóa thủ tục hành chính, xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường… mà việc giải quyết ngoài thẩm quyền giải quyết của thành phố, sẽ kiến nghị đến các bộ ngành Trung ương để có giải pháp tháo gỡ.

“Cộng đồng các DN FDI hoạt động trên địa bàn thành phố đã có những đóng góp hết sức quan trọng cho sự phát triển toàn diện của thành phố Đà Nẵng. Các dự án FDI đã mang đến những mô hình quản lý tiên tiến, phương thức kinh doanh hiện đại và có tác động lan tỏa đến các DN trong nước trong việc đổi mới công nghệ và nâng cao chất lượng sản phẩm, góp phần không nhỏ làm thay đổi diện mạo và môi trường đầu tư của thành phố.

Mặc dù những đóng góp của các DN FDI vào sự phát triển của thành phố là rất đáng kể nhưng việc thu hút vốn FDI vào Đà Nẵng vẫn còn nhiều hạn chế và làm thế nào để tăng sức hấp dẫn của thành phố đối với các nhà đầu tư nước ngoài vẫn là một điều trăn trở của chính quyền thành phố”.

Chủ tịch UBND thành phố Văn Hữu Chiến

Đà Nẵng hiện có 304 dự án của 36 quốc gia, vùng lãnh thổ với tổng mức đầu tư 3,37 tỷ USD. Tính đến hết quý 3-2014, các doanh nghiệp FDI nộp ngân sách hơn 70 triệu USD. Tính riêng trong 6 tháng đầu năm, sản xuất công nghiệp của các DN FDI đạt 356 triệu USD, xuất khẩu hàng hóa đạt gần 300 triệu USD, tăng 17,3% và 13,9% so với cùng kỳ năm trước.

Các dự án FDI giải quyết việc làm cho hơn 43.600 lao động với mức lương bình quân 3,3 triệu/tháng, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển thị trường trong nước và các hoạt động dịch vụ khác. Trong đó, Nhật Bản là một trong những quốc gia có số lượng dự án đầu tư nhiều nhất tại Đà Nẵng với 78 dự án đầu tư trực tiếp và 37 văn phòng đại diện, tổng số vốn đầu tư khoảng 371 triệu USD, chiếm 11% trong tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Đà Nẵng.

Nguồn: Trung tâm Xúc tiến đầu tư thành phố Đà Nẵng

Bài và ảnh: DUYÊN ANH

;
.
.
.
.
.
.