Hơn một tháng nữa, thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ mở cửa hoàn toàn theo cam kết khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Tới thời điểm đó sẽ có hơn 10.000 loại hàng hóa của các nước thành viên trong khu vực ASEAN được dỡ bỏ hàng rào thuế quan. Điều này ít nhiều gây sức ép đối với hàng hóa trong nước và kế hoạch phân phối của các nhà bán lẻ.
Không ngại cạnh tranh với các nhà đầu tư mới, nhưng các nhà bán lẻ trong nước phải tính tới bài toán giữ vững thị trường. |
Thị trường hấp dẫn
Đà Nẵng được đánh giá là thị trường khá triển vọng đối với nhiều nhà bán lẻ trong và ngoài nước. Nhất là gần đây, nhiều “ông lớn” nước ngoài có kế hoạch nhăm nhe vào “miếng bánh” thị trường màu mỡ nhưng cũng đang đứng trước nguy cơ bị chia nhỏ thị phần.
Theo báo cáo mới nhất của Công ty TNHH CB Richard Ellis Việt Nam (CBRE), thị trường bán lẻ Việt Nam đứng thứ hai trong số 10 thị trường hấp dẫn nhất châu Á năm 2014. Hà Nội, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh nằm trong nhóm 10 thành phố có thị trường bán lẻ sôi động nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Số liệu Sở Công thương thành phố cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ hằng năm của Đà Nẵng đều tăng. 10 tháng đầu năm 2014 ước đạt 65.580 tỷ đồng, bằng 91,4% kế hoạch, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2013.
Ông Hồ Quốc Nguyên, Giám đốc Đối ngoại và quan hệ công chúng BigC Việt Nam nhìn nhận: Thị trường bán lẻ hiện đại tại Đà Nẵng khá cạnh tranh với sự có mặt của hầu hết các doanh nghiệp lớn trong ngành bán lẻ, có cả các siêu thị tổng hợp và siêu thị chuyên doanh. Tiềm năng phát triển của thị trường bán lẻ Đà Nẵng hiện nay vẫn rất cao vì ngoài người tiêu dùng địa phương và các vùng lân cận, hằng năm, Đà Nẵng còn đón hàng triệu lượt khách du lịch, tham quan và mua sắm.
Việc các nhà bán lẻ nước ngoài như BJC Thái Lan, Central Thái Lan, BigC Pháp, Lotte Hàn Quốc, Aeon Mall Nhật… đầu tư vào Việt Nam đã tạo sự cạnh tranh rất lớn cho các nhà bán lẻ trong nước. Đến tháng 1-2015, khi thị trường bán lẻ Việt Nam hoàn toàn mở cửa và thuế suất nhập khẩu bằng 0% sẽ là áp lực rất lớn cho các nhà bán lẻ và các nhà sản xuất trong nước.
Phân tích điều này, bà Phan Như Yến, Giám đốc Công ty CP Intimex Đà Nẵng cho rằng: Nhà bán lẻ nước ngoài là những tập đoàn lớn xuyên quốc gia, tiềm lực tài chính lớn, sức đầu tư cho kênh bán lẻ hiện đại mạnh. Trong khi đó, các nhà bán lẻ Việt Nam lại riêng lẻ, sức yếu. Các nhà bán lẻ nước ngoài sẽ ưu tiên hỗ trợ hàng xuất xứ nước họ, thường các nhà sản xuất nước ngoài trợ giá cho các nhà bán lẻ của nước họ.
Các nhà sản xuất nước ngoài thông qua kênh các nhà bán lẻ của họ tại Việt Nam dễ dàng đưa hàng nước họ vào bán với rất nhiều lợi thế cạnh tranh mà chi phí bỏ ra thấp hơn so với trước đây vì họ giảm được các chi phí tổ chức kênh bán hàng, marketing, lưu kho bãi..., tạo ra sức cạnh tranh khốc liệt hơn với hàng Việt Nam và các nhà bán lẻ Việt Nam.
Tính toán lại hướng đi
Anh Nguyễn Bá Danh, quản lý kinh doanh ngành hàng điện máy một công ty tại thành phố Đà Nẵng than thở: Tình hình tiêu dùng của thị trường đang rất khó khăn, sức mua giảm xuống. Riêng đối với người dân Đà Nẵng - khu vực miền Trung vốn bản tính tiết kiệm thì càng thắt chặt chi tiêu trong giai đoạn khủng hoảng này. Vì vậy, dù các doanh nghiệp rất cố gắng làm nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá nhưng sức mua cũng không được khả quan lắm; nhất là các mặt hàng cao cấp, hàng phi thực phẩm, hàng không thiết yếu. Trước áp lực cạnh tranh, các đơn vị kinh doanh trên địa bàn đang tính tới những hướng đi thích hợp để trụ vững trong khó khăn.
“Chúng tôi cũng không ngại cạnh tranh mà xem đó là một động lực thúc đẩy nhằm tiếp tục mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm có chất lượng cao, mức giá tốt và phục vụ tận tâm hơn nữa. Dù ở bối cảnh nào, chúng tôi cũng luôn chuẩn bị sẵn sàng để tiếp tục khẳng định và giữ vững vị trí của mình bằng việc lấy sự hài lòng của khách hàng làm trung tâm, không ngừng cải tiến nâng cao chất lượng dịch vụ…”, ông Hồ Quốc Nguyên bày tỏ.
Để giữ vững thị phần của mình, lãnh đạo Intimex Đà Nẵng cho biết, vẫn tiếp tục với tiêu chí nâng cao chất lượng dịch vụ, chính sách bán hàng linh hoạt, nâng cao sự tiện ích cho khách hàng. Sắp đến, Intimex Đà Nẵng sẽ mở thêm siêu thị trên địa bàn Đà Nẵng tạo thành chuỗi hệ thống bán lẻ mang thương hiệu của mình.
Nhưng hiện nay, một trong những khó khăn của doanh nghiệp là giá cả mặt bằng đắt đỏ. Nhà nước không hỗ trợ chính sách cho thuê đất đối với đơn vị trong nước, trong khi đó đối với đơn vị nước ngoài, tiềm lực lớn mạnh thì lại được thuê đất sử dụng kinh doanh. Công ty rất mong nhận được sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương, vì doanh nghiệp đang gặp khó khăn về mặt bằng kho bãi để mở rộng kinh doanh.
Bài và ảnh: DUYÊN ANH