Trong khi cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) chỉ còn một năm nữa sẽ chính thức ra đời thì vẫn có đến hơn 80% doanh nghiệp (DN), người kinh doanh, sản xuất chưa thực sự quan tâm đến điều này. Trong tình hình đó, vai trò của các hiệp hội, hội DN sẽ như thế nào?
Các hiệp hội, hội doanh nghiệp cần chủ động tuyên truyền, tìm hướng đi thích hợp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp khi cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) ra đời vào ngày 31-12-2015. |
Doanh nghiệp thiếu thông tin
Đại diện Công ty TNHH Sản xuất - Xây dựng - Thương mại Khải Phát bày tỏ rằng DN tại Đà Nẵng đang thiếu thông tin về pháp lý, thị trường nước ngoài, các dịch vụ kinh doanh…, đồng thời cho biết: “Vừa rồi công ty chúng tôi có đơn hàng xuất khẩu ra nước ngoài nhưng do thiếu thông tin về những quy định của nước bạn nên gặp một số rắc rối trong hồ sơ, thủ tục. Chúng tôi đã nhờ đến Phòng thương mại và công nghiệp - Chi nhánh Đà Nẵng và các cơ quan ngoại giao nhưng vẫn không thể giải quyết được khiến công ty tổn thất cả mấy tỷ đồng. Tôi mong muốn các ngành chức năng đẩy mạnh hơn nữa việc giới thiệu, thông tin để DN có cơ hội tiếp cận hơn nữa”.
Ở một khía cạnh khác, bà Trần Thị Tố Mai, Phó Tổng giám đốc Công ty Dacotex Đà Nẵng cho rằng, thành phố cần có sự quan tâm, đầu tư mạnh hơn nữa cho ngành công nghiệp phụ trợ, bởi lẽ DN Đà Nẵng chủ yếu hoạt động sản xuất, kinh doanh ở lĩnh vực này.
“Hiện nay ngành công nghiệp phụ trợ của thành phố còn quá yếu và thiếu thốn trăm bề, ảnh hưởng không nhỏ đến DN cũng như hạn chế phần nào khả năng thu hút đầu tư vào Đà Nẵng. Tôi lấy ví dụ, công ty chúng tôi hoạt động ở lĩnh vực may mặc, một chiếc áo làm ra có hàng chục chi tiết nhưng chỉ có 2 chi tiết có thể mua tại Đà Nẵng là bao bì thùng carton và nhãn mác, còn lại phải lấy hàng từ Nha Trang, TP. Hồ Chí Minh… rất tốn kém và mất thời gian, công sức. Nếu không có định hướng cụ thể để phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, tôi e rằng khi AEC ra đời, chúng ta chỉ là thị trường cho các nước bạn mà thôi”, bà Mai bày tỏ.
Cộng đồng kinh tế AEC ra đời tạo ra một thị trường đơn nhất, với những cơ hội lớn nhưng cũng đặt ra không ít thách thức đối với cộng đồng DN Việt Nam nói chung, Đà Nẵng nói riêng. Trong đó, mối lo ngại về việc hàng hóa do Việt Nam sản xuất sẽ lép vế trước hàng hóa từ Thái Lan, Singapore... Về điều này, bà Trần Thị Tố Mai nhìn nhận, việc tuyên truyền người Việt Nam dùng hàng Việt Nam nên làm quyết liệt và cụ thể hơn nữa, trong đó lãnh đạo các cấp phải là người gương mẫu thực hiện trước hết.
Cần chỉ ra hướng đi cụ thể
Trên thực tế, đến nay hoạt động của các hiệp hội, hội DN trên địa bàn thành phố vẫn còn nhiều hạn chế về hoạt động hỗ trợ, tư vấn pháp luật, chính sách… nên khi DN cần thì chưa giúp đỡ được, vẫn còn đơn thương độc mã trong các cuộc tranh chấp thương mại quốc tế; hoạt động xúc tiến thương mại hay tỷ lệ cung cấp thông tin cho hội viên về kinh doanh quốc tế, cạnh tranh với đối thủ nước ngoài cũng còn khiêm tốn; khả năng thích ứng và dự báo của các hiệp hội DN trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế còn quá chậm chạp…
Theo ông Hà Giang, Chủ tịch Hội DN quận Cẩm Lệ, thành phố nên đề ra những nhiệm vụ cụ thể, định hướng từng việc cần làm để DN phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của mình.
Nhìn nhận về AEC, ông Nguyễn Diễn, Phó giám đốc Phòng thương mại và công nghiệp – Chi nhánh Đà Nẵng (VCCI) nhấn mạnh: “Bây giờ mới quan tâm đến AEC đã chậm rồi, nhưng có còn hơn không. Các DN có hoạt động kinh doanh hợp tác với nước ngoài (nhất là trong khối ASEAN) nên chủ động, nhanh chóng tìm hiểu thông tin cũng như đầu tư lập văn phòng đại diện tại nước sở tại nhằm tìm kiếm sự hỗ trợ khi cần đến.
Bên cạnh đó, các hiệp hội, hội DN cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về AEC đến các hội viên; mạnh dạn tìm kiếm sự hỗ trợ từ các cơ quan ngoại giao hay Phòng thương mại và công nghiệp - Chi nhánh Đà Nẵng. Đặc biệt, nên chủ động tổ chức các chuyến đi sang nước bạn để tìm hiểu về thị trường, tìm kiếm cơ hội hợp tác làm ăn. Với thành phố Đà Nẵng, các chuyên gia kinh tế khuyên chúng ta nên tập trung vào thị trường ở các nước Lào, Campuchia, Myanmar và Đông Bắc Thái Lan”.
Trong vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích cho các doanh nghiệp trong nước, mỗi hiệp hội cần phải xây dựng cho mình chiến lược phát triển có tầm nhìn dài hạn, phù hợp bối cảnh.
Bài và ảnh: KHÁNH HÒA