Kinh tế

Đà Nẵng phát triển đô thị bền vững

07:29, 23/12/2014 (GMT+7)

* Triển khai 2 dự án đầu tư PPP

Ngày 22-12, UBND thành phố Đà Nẵng phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và thành phố Yokohama (Nhật Bản) tổ chức Diễn đàn phát triển đô thị lần thứ nhất.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn và các ông Hidetoshi Igrigakhi, Tổng Giám đốc JICA khu vực Đông Nam Á; Tetsuya Nakajima, Giám đốc Trung tâm Hợp tác thúc đẩy và sáng kiến, Cục Chính sách thành phố Yokohama tham dự diễn đàn.

Phát triển đô thị tích hợp là mục tiêu để Đà Nẵng phát triển bền vững.
Phát triển đô thị tích hợp là mục tiêu để Đà Nẵng phát triển bền vững.

Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ chương trình hợp tác 3 bên giữa UBND thành phố Đà Nẵng cùng  JICA và thành phố Yokohama về phát triển bền vững. Diễn đàn là bước tiếp cận mới cho vấn đề nâng cao năng lực quản lý và đầu tư phát triển đô thị Đà Nẵng.

Ông Tetsuya Nakajima cho biết, hợp tác phát triển đô thị với Đà Nẵng là sự mong muốn của chính quyền địa phương để qua đây lãnh đạo hai thành phố và các đơn vị liên quan, các doanh nghiệp hai nước trực tiếp trao đổi những vấn đề phát triển đô thị, tiếp cận các ý tưởng kiến thiết đô thị và trao đổi kinh nghiệm. Phía thành phố Yokohama cũng xây dựng chương trình, kế hoạch hành động để hỗ trợ Đà Nẵng về việc tiếp cận nguồn vốn, hỗ trợ kỹ thuật.

Thành phố Yokohama được chính quyền Trung ương công nhận hệ thống chính quyền đô thị, từ đây thành phố đã có sự hợp tác với JICA và Ngân hàng châu Á. Từ một thành phố đứng trước nhiều thách thức trong phát triển đô thị, nay thành phố Yokohama với trung tâm hành chính tại thành phố Cebu đã phát triển mạnh mẽ và là đô thị phát triển của châu Á.

JICA cũng nhận định đô thị Đà Nẵng đang đặt ra nhiều thách thức mới trong phát triển khi tốc độ đô thị hóa quá nóng; dịch vụ đô thị chưa hoàn thiện và nhất là khả năng chống chịu thiên tai. Đoàn công tác nghiên cứu đô thị của JICA đề xuất kế hoạch ngắn và dài hạn cho Đà Nẵng nhưng ngay trong năm 2015 phải rà soát quy hoạch dự án đô thị, chiến lược phát triển; đa mục tiêu trong kế hoạch sử dụng quỹ đất.

Theo ông Trần Văn Sơn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố, Đà Nẵng đang đặt ra 4 vấn đề giải quyết về đô thị: quản lý quy hoạch, hạ tầng giao thông, các tiện ích đô thị và tài chính cho đô thị. Ông Sơn đề xuất các chương trình phối hợp và hợp tác ở diễn đàn là thực hiện mục tiêu tái cấu trúc đô thị, cải thiện thể chế quy hoạch đô thị; cải thiện hạ tầng đô thị và tăng cường chức năng cảng biển. Tầm nhìn tương lai của Đà Nẵng bền vững về kinh tế, xã hội, môi trường và đây cũng là mục tiêu trong hợp tác toàn diện với thành phố Yohohama, Nhật Bản.

Đại diện Sở Tài chính thành phố cho biết, nhu cầu đầu tư phát triển đô thị Đà Nẵng hằng năm cần 10.000 tỷ đồng, nhưng nguồn kinh phí cấp cho đầu tư xây dựng cơ bản chỉ đạt 1.000 tỷ đồng, làm hạn chế năng lực đầu tư phát triển đô thị và bảo đảm tính bền vững.

Tạo nguồn lực tài chính cho thành phố phát triển là nhiệm vụ đang gặp nhiều khó khăn, vì vậy Sở Tài chính kiến nghị JICA và thành phố Yokohama hỗ trợ nhiều nội dung xử lý chính sách tài chính đô thị, trong đó có việc xây dựng cơ chế đầu tư và thực hiện hợp tác đầu tư công-tư (PPP). Theo ông Phạm Cư, Phó Giám đốc Sở Tài chính, việc mở rộng quan hệ hợp tác PPP là giải pháp hữu hiệu để xây dựng hạ tầng cho Đà Nẵng.

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, diễn đàn phát triển đô thị Đà Nẵng thực sự là cách tiếp cận mới về quản lý và đầu tư phát triển cho thành phố khi mở rộng hợp tác quốc tế, thu hút vốn FDI, ODA và hợp tác PPP. Ngoài nắm bắt ý tưởng thì nội dung của sự hợp tác phát triển đô thị bền vững của thành phố Đà Nẵng với JICA và thành phố Yohama sẽ đi vào thực chất để phát triển đô thị Đà Nẵng.

Các nội dung được quan tâm là vấn đề phát triển đô thị tích hợp, quản lý tài chính và triển khai hợp tác PPP. Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị thành phố Yokohama quan tâm chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ tài chính, kỹ thuật để giúp Đà Nẵng phát triển bền vững, vươn lên trở thành đô thị hạt nhân trong mạng lưới đô thị thông minh ở châu Á.

Triển khai 2 dự án đầu tư PPP

Ông Kozo Bando, Kỹ sư Giám sát cấp cao Tập đoàn Kaijima, Nhật Bản: Thành phố Yokohama đưa ra sáng kiến hợp tác PPP đối với dự án Nhà máy Cấp nước Hòa Liên, công suất 240.000m3 với mục tiêu đưa vào vận hành khai thác vào năm 2019. Đây là dự án cụ thể hóa chương trình hợp tác của thành phố Đà Nẵng và thành phố Yokohama. Dự án có sự tham vấn hỗ trợ tài chính từ JICA và ADB. Với phương thức đầu tư PPP đã lấp khoảng trống về tài chính đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng đô thị; sử dụng tối ưu các công nghệ mới, năng lực quản lý ở doanh nghiệp tư nhân và tăng cường hợp tác giữa khu vực Nhà nước với tư nhân.

Ông Gen Takahashi, Phó phòng Phát triển thị trường châu Á - Thái Bình Dương, Tập đoàn JFE: Đầu tư nhà máy đốt rác thải thành điện năng là đề xuất của Tập đoàn kỹ thuật JFE (Nhật Bản). JFE  ký kết thỏa thuận đối tác toàn diện với thành phố Yokohama. Theo đó, JFE có thể đầu tư PPP vào Đà Nẵng với nhà máy đốt rác thải để sản xuất điện với mức đầu tư từ 122 triệu USD đến 272 triệu USD.

Bài và ảnh: TRIỆU TÙNG

.