Cách đây không lâu, họ là những nông dân bình thường chuyên sạ lúa, trồng khoai, thu nhập thất thường; thế mà nay là chủ cơ sở sản xuất hoa, nuôi gia súc, gia cầm quy mô lớn. Nhạy bén mở ra hướng đi mới, mạnh dạn đầu tư, họ đã tạo bước đột phá trong sản xuất, thu nhập gấp hàng chục lần so với trước.
Anh Nguyễn Xuân Hùng tại vườn phong lan Mokara của mình. |
Từ trồng phong lan cắt cành...
Ở huyện Hòa Vang, anh Nguyễn Xuân Hùng, thôn Dương Sơn, xã Hòa Châu là người tiên phong đưa loài phong lan Mokara có nguồn gốc Thái Lan về trồng. Cách đây 4 năm, trong chuyến vào thành phố Hồ Chí Minh, anh tận mắt chứng kiến nhiều người “hái ra tiền” từ loài phong lan cắt cành có tên Mokara này. Trở về Đà Nẵng, từ giã việc cày cấy tại mấy sào lúa nước và nghề cơ khí đang làm, anh mạnh dạn chuyển hướng sang trồng hoa.
Kinh phí đầu tư 400 triệu đồng, chẳng bao lâu sau chuyến hành trình về phương Nam ấy, tại vườn nhà anh hình thành nhà lưới phủ kín lô đất rộng 200m2 và gần 2.000 cây phong lan trồng trên nền vỏ đậu phụng. 15 tháng kể từ ngày đưa giống về trồng, loài phong lan Mokara nở những bông đầu tiên rất đẹp. Từ đó trở đi, đều đều mỗi cây nở 2 nhành/tháng.
“Hồi mới đưa về trồng cũng lo lắm. Sợ nhất là cây không cho hoa đúng như mong muốn bởi khí hậu ở Đà Nẵng không giống như thành phố Hồ Chí Minh. Thật may, sau 15 tháng kiên trì chăm bón, cây trổ những bông đầu tiên. Có thể nói, khi đó niềm vui không thể nào tả nổi. Nay thì ổn rồi. Tại khu trồng 2.000 cây, tháng nào cũng cắt bán 3.500 bông, với giá 12- 15 nghìn đồng/bông như hiện nay, thu về 45 triệu đồng. Không dừng lại ở đó, khi thấy cây phát triển tốt, mặc dù chưa cho thu hoạch, nhưng tôi vẫn mạnh dạn đầu tư trồng thêm 2.000 cây nữa. Tính ra, mỗi tháng cắt khoảng 7.000 bông, trị giá gần 100 triệu đồng”, anh Hùng phấn khởi cho biết.
Chưa hài lòng với nguồn thu gần trăm triệu đồng/tháng, cách đây nửa năm, anh Hùng đầu tư 2,1 tỷ đồng xây dựng vườn phong lan cắt cành này tại vùng trồng hoa Dương Sơn. Từ thành công bước đầu của anh, huyện Hòa Vang đã nhân rộng mô hình bằng cách hỗ trợ anh Hùng phát triển quy mô lớn hơn và ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất hoa tươi. Địa phương giao anh quản lý, sử dụng khu đất rộng 1.100m2 trong 50 năm.
Trong số 2,1 tỷ đồng có 300 triệu đồng từ nguồn hỗ trợ của thành phố. Hiện nay tại khu đất đó cơ sở hạ tầng đã hoàn thiện với vốn đầu tư 1,04 tỷ đồng. Đầu năm 2015 sẽ đưa 10 nghìn cây phong lan Mokara giống, trị giá hơn 1 tỷ đồng về trồng.
Nói về dự án đang triển khai, anh Hùng cho biết: Khoảng giữa năm 2016 sẽ cho thu hoạch. Khi đó, với 10 nghìn cây, mỗi tháng chí ít cắt 18 nghìn bông. Với giá 15 nghìn đồng/bông, sẽ cho nguồn thu 270 triệu đồng và tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động.
... đến nuôi bò thịt có một không hai
Nói có một không hai, bởi hiện tại ở Đà Nẵng, trại của ông Lê Ngọc Anh, ở thôn Phò Nam, xã Hòa Bắc là nơi duy nhất nuôi bò thịt giống Thái Lan, mỗi con có trọng lượng cỡ 600-700kg. Ông Anh đầu tư hơn 1 tỷ đồng xây trại trên diện tích 0,5ha, mua 30 con bò từ Công ty Xuất nhập khẩu Quảng Trị về nuôi gần 2 năm nay. Để chủ động thức ăn cho bò, ông trồng 1,5ha cỏ VA06. Ngoài đàn bò thịt giống nhập ngoại, trại còn nuôi 1.500 cặp bồ câu Pháp và nhiều gà, vịt, heo.
Ông Anh cho biết: Khi mua về, mỗi con bò trên 20 triệu đồng. Sau 1 năm nuôi, bò có giá 37-40 triệu đồng/con. Trừ chi phí, thu lãi khoảng 13 triệu đồng/con. Đó là chưa kể bò sinh sản. Bò con sau 12 tháng có giá trên 20 triệu đồng/con.
Ở Hòa Bắc, nuôi bò thịt nhốt chuồng rất lợi, bởi nơi đây nông dân trồng rất nhiều mía. Đến mùa thu hoạch, chỉ việc lấy ngọn mía đủ cho bò ăn mấy tháng. Còn bồ câu Pháp, nguồn lợi cũng khá hấp dẫn. Đây là loài vật sinh sản rất nhanh, cứ 45 ngày/lứa. Với 1.500 cặp, ngày nào cũng xuất bán 10-15 cặp chim non, thu cỡ 1 triệu đồng, trừ chi phí, lãi ròng khoảng 500 nghìn đồng.
Hỏi về dự tính trong tương lai, ông Anh cho biết sẽ đầu tư nâng tổng đàn bò lên 100 con. Trước mắt, đầu tư trồng 2.000 cây chuối chát, 3-5ha cỏ làm thức ăn. Chắc chắn hướng đầu tư này sẽ thành công, bởi thức ăn dồi dào, đầu ra sản phẩm thuận lợi…
Bài và ảnh: NGUYỄN CẦU