Ngày 6-9-2011, Cảng Đà Nẵng khai trương tuyến vận tải container thủy nội địa Cảng Sài Gòn - Tiên Sa - Hải Phòng.
Đây được xem là hướng đi mang tính đón đầu của Cảng Đà Nẵng trong việc tìm thị phần trước tại khu vực miền Trung cũng như khớp nối hoàn chỉnh tuyến đường thủy thành phố Hồ Chí Minh - Đà Nẵng - Hải Phòng.
Mặc dù đã có sự chuẩn bị kỹ từ trước đó cả chục năm, như tập trung đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho vận tải container, nghiên cứu tiếp thị thị trường, thế nhưng sau một thời gian ngắn đi vào hoạt động, tuyến vận tải container thủy nội địa này đành phải tạm dừng vì lý do là thiếu hãng tàu cập Cảng Tiên Sa.
Hãng tàu container nội địa Hưng Đạo đang bốc xếp hàng hóa tại cảng Tiên Sa. |
Đây là điều đáng tiếc cho Cảng Đà Nẵng cũng như khách hàng vì vận tải container bằng đường thủy giá cước luôn thấp hơn vận tải đường bộ. Cụ thể, nếu với các tuyến đường thủy có cự ly dao động trên dưới 1.000km thì giá cước sẽ thấp hơn đường bộ khoảng 20-30%.
Ví dụ, một container loại 40 feet từ thành phố Hồ Chí Minh đi Đà Nẵng bằng đường bộ trước đây có giá khoảng 14 triệu đồng, nhưng đi bằng đường thủy chỉ dưới 10 triệu đồng. Đây là điều mà khách hàng luôn hướng tới, nhất là đối với những khách hàng có lượng hàng hóa lớn. Thế nhưng, Cảng Đà Nẵng đã rơi vào vòng lẩn quẩn là thiếu hãng tàu nên thiếu khách hàng và thiếu khách hàng nên các hãng tàu không thể cập Cảng Tiên Sa.
Xác định được hạn chế này, thời gian qua, Cảng Đà Nẵng tập trung tiếp thị thu hút nhiều hãng tàu lẫn khách hàng có nhu cầu vận chuyển hàng hóa đường thủy trên tuyến Bắc-Nam. Trong đó, Cảng Đà Nẵng mạnh dạn áp dụng chính sách giá ưu đãi đặc biệt cho các hãng tàu lẫn khách hàng, luôn bảo đảm chất lượng dịch vụ.
Theo ông Nguyễn Thu, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Cảng Đà Nẵng, nhờ những “liều thuốc” đặc hiệu này, nay tuyến vận tải container thủy nội địa đã đi vào hoạt động trở lại. Đặc biệt, trong năm 2014 đã có thêm 2 hãng tàu khai trương tuyến vận tải container thủy nội địa, nâng tổng số có 5 hãng tàu hoạt động.
Cả 5 hãng tàu này đều là những hãng tàu lớn có tiềm lực mạnh như Vinalines, Biển Đông, Vinafco, Gamadept và mới đây nhất là hãng tàu Hưng Đạo. Những hãng tàu này không hoạt động đơn thuần bằng đường thủy mà còn có cả hệ thống vận tải bằng đường bộ hỗ trợ tích cực trong việc tập kết hàng khắp nơi trên cả nước về 3 cảng lớn ở thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Hải Phòng. Hiện nay, trong số 15 chuyến tàu đến-đi từ Cảng Tiên Sa có khoảng 1/3 là các tuyến thủy nội địa, vì vậy gần như tất cả yêu cầu của khách hàng về thời gian đều có thể đáp ứng được.
Năm 2014 tiếp tục được xem là năm thành công của Cảng Đà Nẵng, với khoảng trên 5,8 triệu tấn hàng hóa thông qua cảng, vượt 4% so với kế hoạch và vượt 16,2% so với năm 2013. Điều đáng mừng là lượng hàng hóa container thông qua cảng đã đạt 228.581 TEUs, tăng 35,6% so với năm 2013.
Cũng theo ông Nguyễn Thu, có được kết quả này là nhờ Cảng Đà Nẵng cùng lúc đầu tư cho mặt hàng chiến lược vận tải container quốc tế lẫn tuyến nội địa. Đặc biệt, gần đây các hãng tàu đều cam kết là sẽ duy trì ít nhất 1 chuyến/tuần cập Cảng Tiên Sa, như vậy gần như ngày nào cũng có tuyến nội địa đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Bên cạnh việc sử dụng lượng lớn thùng container để vận chuyển các mặt hàng thô như nông sản, vật liệu xây dựng... các hãng tàu cũng đều nâng tỷ lệ loại container chất lượng cao để có thể vận chuyển những mặt hàng “khó tính” như điện máy, điện tử, giày da, thực phẩm, mỹ phẩm... Đây có thể là yếu tố rất tốt để mở rộng và giữ chân các khách hàng lớn, tiềm năng của cảng là các siêu thị ở Đà Nẵng cũng như khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
Tuyến vận tải container thủy nội địa của Cảng Đà Nẵng hồi sinh hứa hẹn sẽ là đối thủ cạnh tranh mạnh mẽ với vận tải hàng hóa đường bộ và đường sắt trong thời gian đến.
Bài và ảnh: TRẦN LUÂN SƠN