.

Ngành cơ khí mỏi mắt tìm người

.

Thiếu nguồn nhân lực có tay nghề cao khiến nhiều doanh nghiệp (DN) trong ngành cơ khí phải tốn một khoản chi phí không nhỏ để đào tạo lại, thậm chí phải tuyển lao động từ một số trường nghề ở các địa phương lân cận.

Nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn luôn là bài toán nan giải đối với các doanh nghiệp cơ khí. (Ảnh chụp tại Công ty CP Cơ điện miền Trung).
Nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn luôn là bài toán nan giải đối với các doanh nghiệp cơ khí. (Ảnh chụp tại Công ty CP Cơ điện miền Trung).

Cung chưa đáp ứng cầu

Hội Cơ khí thành phố cho biết, trên địa bàn Đà Nẵng hiện có gần 1.000 DN, cơ sở sản xuất cơ khí lớn, nhỏ; sản xuất ra nhiều loại sản phẩm phục vụ cho tất cả các ngành nông-lâm-ngư nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, du lịch, phục vụ nhu cầu trong nước và bước đầu vươn ra thị trường nước ngoài. Trong đó, có những đơn vị lớn, hoạt động hiệu quả như Công ty CP Cơ điện miền Trung, Công ty CP Khí công nghiệp và hóa chất Đà Nẵng, Công ty TNHH Cơ khí và xây dựng Hiệp Tiến, Công ty CP Cơ khí Hà Giang Phước Tường…

Tuy nhiên, theo ông Võ Văn Nhựt, Tổng Thư ký Hội Cơ khí thành phố Đà Nẵng, các ngành cơ khí Đà Nẵng quy mô sản xuất còn nhỏ bé, thiếu quy hoạch, sản xuất khép kín, thiếu chuyên môn hóa cũng như sự liên kết, hợp tác trong sản xuất. Các đơn vị trong ngành này hiện gặp rất nhiều khó khăn về vốn, công nghệ, nhất là nguồn nhân lực có chất lượng cao. Trình độ công nhân bậc 3-4/7 chiếm phần lớn, bậc 5-7/7 còn khá ít và phải trải qua quá trình đào tạo của công ty.   

Với số lượng các trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề có đào tạo ngành cơ khí đông như hiện nay thì không thể nói Đà Nẵng thiếu nguồn nhân lực cho ngành cơ khí. Tuy nhiên, vấn đề là chất lượng của nguồn nhân lực này thật sự chưa đáp ứng được yêu cầu của DN trong quá trình tuyển dụng.

Với thâm niên gần 20 năm hoạt động trong ngành cơ khí, ông Hà Giang, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Cơ khí Hà Giang Phước Tường cho hay, công ty hiện có hơn 80 công nhân, trong đó 90% sau khi được tuyển dụng đều phải đào tạo lại mới đáp ứng được yêu cầu công việc. “Không ít bạn trẻ khi nộp hồ sơ xin việc đều tốt nghiệp loại giỏi, nhưng khi được kiểm tra trên thực tế đã bộc lộ sự lúng túng. Nguyên nhân là các bạn thiếu cơ hội để thực hành trong quá trình học tập tại nhà trường”, ông Giang nói.

Gắn nhà trường với cơ sở sản xuất

Một trong những nguyên nhân dẫn đến chất lượng nguồn nhân lực ngành cơ khí còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng của DN là việc đào tạo còn thiên về lý thuyết, người học thiếu cơ hội thực hành ở thực tế.

Là một kỹ sư cơ khí, được đào tạo bài bản tại Trường Đại học Bách khoa (ĐH Đà Nẵng), anh Đỗ Mạnh Cường ở Công ty CP Cơ điện miền Trung bày tỏ: Thời gian đầu, bản thân gặp rất nhiều khó khăn để làm quen và nắm bắt được công việc vì những gì được học trong nhà trường khác quá nhiều so với thực tiễn. Mang tiếng là kỹ sư, tốt nghiệp đại học, nhưng lúc đó tay nghề, trình độ và sự am hiểu của mình không thể sánh được với một công nhân có thâm niên vài năm trong nghề. Để đảm nhận được công việc, anh phải tìm tòi và học hỏi từ chính những người đi trước.

Để giải quyết vấn đề khó khăn trong việc tìm kiếm nhân lực, ông Hoàng Minh Châu, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Cơ điện miền Trung cho biết, công ty đã chủ động liên kết với một số trường đại học, trung cấp nghề trên địa bàn thành phố để đào tạo công nhân có tay nghề kỹ thuật cao, đồng thời sớm tạo điều kiện cho họ tiếp cận với công việc, sử dụng máy móc trên thực tế.

Công ty cũng thường xuyên gửi công nhân đi học tập, đào tạo nâng cao tay nghề ở một số tỉnh, thành phố lớn trong cả nước. Chính vì chủ động, mạnh dạn đầu tư cho yếu tố con người như vậy nên trong cơn khủng hoảng kinh tế hiện nay, công ty vẫn duy trì và mở rộng sản xuất, kinh doanh, đội ngũ lao động gắn bó với công ty.

Nhà trường cùng liên kết với DN trong vấn đề đào tạo nguồn lao động đáp ứng được nhu cầu cũng là đề xuất chung của nhiều DN cơ khí trên địa bàn thành phố. Ngoài ra, theo ông Võ Văn Nhựt, để ngành cơ khí ngày càng phát triển, thành phố cần xây dựng chính sách, chương trình hỗ trợ phát triển ngành cơ khí; trong đó chú trọng cơ khí hỗ trợ, cơ khí lưỡng dụng vừa phục vụ được trong thời bình để phát triển kinh tế nhưng vừa phục vụ được trong thời chiến.

Đồng thời có chính sách hỗ trợ về mặt bằng, thuê đất; đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ DN trong đổi mới công nghệ, xúc tiến thương mại, hội nhập, tìm kiếm thị trường, mở rộng liên danh, liên kết, gia công, sản xuất những sản phẩm cơ khí cung cấp cho những tập đoàn sản xuất trong nước và quốc tế. Đồng thời, thành phố tạo điều kiện cho các DN có cơ hội tham gia thực hiện một số công trình, hạng mục công trình, dự án do thành phố làm chủ đầu tư…

Bài và ảnh: KHÁNH HÒA

;
.
.
.
.
.