Kinh tế

Người dân được hỗ trợ đầu thu truyền hình kỹ thuật số

07:35, 08/12/2014 (GMT+7)

Kể từ tháng 6-2015, 100% hộ gia đình, cơ quan, đơn vị ở thành phố Đà Nẵng khi sử dụng ti-vi đều phải sử dụng đầu thu kỹ thuật số, truyền hình cáp.

Đây là bước triển khai Chương trình số hóa truyền hình mặt đất của Chính phủ. Theo đó, Đà Nẵng hỗ trợ đầu thu kỹ thuật số cho trên 30.000 hộ gia đình. Đối tượng được hỗ trợ là hộ nghèo, hộ cận nghèo và gia đình chính sách.

Từ tháng 6-2015, Đà Nẵng chuyển phát sóng truyền hình mặt đất sang truyền hình kỹ thuật số.
Từ tháng 6-2015, Đà Nẵng chuyển phát sóng truyền hình mặt đất sang truyền hình kỹ thuật số.

Theo đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020, Đà Nẵng cùng với 4 thành phố trực thuộc Trung ương phải thực hiện việc dừng phát sóng truyền hình analog trước ngày 31-12-2015.

Riêng Đà Nẵng là địa phương thực hiện thí điểm số hóa truyền hình mặt đất và ngừng phát sóng truyền hình tương tự sớm hơn 6 tháng so với kế hoạch, tức vào tháng 6-2015. Các đài truyền hình tại Đà Nẵng cũng kết hợp phát sóng truyền hình số và ngừng phát sóng truyền hình analog cho địa bàn phía bắc tỉnh Quảng Nam.

Theo Sở Thông tin và Truyền thông, hiện trên địa bàn thành phố có 230.000 hộ dân, trong đó có 50% số hộ đang dùng các phương tiện truyền hình trả tiền (truyền hình cáp, kỹ thuật số vệ tinh, truyền hình Internet…) nhóm hộ gia đình này sẽ không bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi từ chương trình số hóa truyền hình. Trong khi đó, 50% số hộ dân còn lại sẽ chịu tác động trực tiếp việc thực hiện số hóa truyền hình, chủ yếu là ở vùng nông thôn và các quận vùng ven.

Chủ trương thực hiện số hóa truyền hình nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng băng tần và là xu hướng tất yếu được thực hiện ở nhiều nước trên thế giới. Với truyền hình analog hiện nay, một kênh tần số chỉ phát được một chương trình truyền hình.

Nếu dùng truyền hình số mặt đất theo công nghệ DVB-T2 (công nghệ dự kiến được sử dụng khi Việt Nam chuyển sang truyền hình số), một kênh tần số có thể phát được 20 chương trình. Tuy nhiên, việc chuyển đổi sang truyền hình số có những yêu cầu đặc thù riêng khi mỗi hộ đều bắt buộc phải mua đầu thu số mặt đất và 1 đầu thu chỉ được sử dụng cho 1 ti-vi với giá từ 500 - 600 ngàn đồng.

Với truyền hình số mặt đất, người dân chỉ được xem miễn phí các chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị, truyền hình quảng bá; đối với các kênh giải trí khác, các hộ dân muốn xem cần phải mua các gói dịch vụ do các Đài Truyền hình hoặc các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình phát hành. Số hóa truyền hình tác động đến hộ gia đình nghèo và các đối tượng chính sách nên cần có sự hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước để trang bị đầu thu kỹ thuật số.

Khi chuyển đổi sang truyền hình số, người xem truyền hình có 2 cách để xem các chương trình truyền hình. Thứ nhất, với các ti-vi thế hệ cũ thì phải mua đầu thu kỹ thuật số mặt đất với giá dao động từ 500.000 - 800.000 đồng và sau đó cắm ăng-ten vào để thu tín hiệu kỹ thuật số. Nếu hộ gia đình có trang bị ti-vi thế hệ mới trên thị trường đã được tích hợp sẵn b ộ thu sóng DVB-T2 (biểu tượng hình con mắt) thì không cần trang bị thêm đầu thu kỹ thuật số.

Hiện nay, tại Đà Nẵng có 2 đơn vị tổ chức sản xuất nội dung chương trình và phát sóng phục vụ truyền tải tình hình kinh tế, xã hội và nhiệm vụ chính trị gồm: Đài Phát thanh-Truyền hình Đà Nẵng (DRT) và Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng (VTV Đà Nẵng) và 7 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền gồm: VTC, Truyền hình Cáp Sông Thu, MyTV, SCTV, AVG, FPT, K+.

Đà Nẵng cũng có 5 đơn vị có văn phòng đại diện gồm: Hệ phát thanh có hình VOV, Truyền hình Thông tấn xã, Truyền hình Quân đội Nhân dân, Chương trình Truyền hình nhân đạo (VTV) và VTC (đang làm thủ tục). Trong 7 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền trên (trừ AVG) có tổng số 157.174 thuê bao, trong đó 33.790 thuê bao thu/phát ở dạng số và 123.384 thuê bao thu/phát ở dạng tương tự…

Theo Sở Thông tin và Truyền thông, nguồn kinh phí hỗ trợ đầu thu kỹ thuật số trên địa bàn thành phố ước thực hiện khoảng 15 tỷ đồng. Hiện việc phát sóng truyền hình kỹ thuật số đã được thử nghiệm. Theo đó, chương trình của Đài Phát thanh-Truyền hình Đà Nẵng (DRT) được phát sóng kỹ thuật số tại trạm phát sóng của VTV trên đỉnh Sơn Trà.

Nhân sự kỹ thuật của DRT cũng được tinh giảm, sắp xếp lại. Mốc thời gian số hóa truyền hình mặt đất chính thức thực hiện từ tháng 6-2015. Tuy nhiên, thời gian sau đó vẫn tiếp tục phát sóng mặt đất để đảm bảo số lượng 99% số hộ gia đình có sử dụng đầu thu kỹ thuật số hoặc dịch vụ truyền hình trả tiền sẽ ngưng hẳn việc phát sóng truyền hình mặt đất.

Bài và ảnh: TRIỆU TÙNG

.