Mấy năm gần đây, tại thôn 5 xã Hòa Ninh (huyện Hòa Vang), nuôi thỏ là nghề được nhiều hộ triển khai. Không dừng lại ở quy mô nhỏ lẻ vài ba chục con/hộ, nhiều người mạnh dạn đầu tư nuôi gia trại, tổng đàn hơn 1.000 con/trại.
Nói thôn miền núi này là làng nuôi thỏ không ngoa, bởi ít nhất 6 gia trại đang ăn nên làm ra từ thỏ. Vài ba năm trở lại đây, tổ hợp tác nuôi thỏ ra đời, hoạt động kinh tế này có cơ hội phát triển hơn bao giờ hết.
Anh Nguyễn Văn Cương tại trại thỏ của mình. |
Người tiên phong lập trại nuôi thỏ tại Hòa Ninh là anh Nguyễn Văn Cương, trú tại phường Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu). Cách đây 4 năm, trong một lần ngược núi thăm người thân, anh nhận thấy thôn 5 rất giàu tiềm năng phát triển kinh tế gia trại. Về phố, chia tay công việc đang làm, anh mạnh dạn mua đất đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi thỏ giống nhập từ New Zealand đã thuần chủng. Từ gần 100 con giống bố mẹ ngày khởi sự, đến nay tổng đàn trên 1.000 con. Đó là chưa kể hàng nghìn con đã xuất bán trong mấy năm qua.
Dẫn chúng tôi tham quan khu vực nuôi thỏ, anh Cương cho biết: Thỏ là loài vật dễ nuôi và mắn đẻ. Thỏ mẹ, mỗi năm đẻ 7-8 lứa, mỗi lứa 6-8 con. Chỉ 4 tháng từ khi lọt lòng là thỏ đã làm mẹ. Với tổng đàn như hiện nay, ngày nào cũng có cả chục thỏ mẹ “ở cữ”. Khoảng 2 tháng rưỡi thỏ đực có thể xuất chuồng bán thịt. Khi đó mỗi con có trọng lượng cỡ 2,5-3kg.
Với giá 90-100 nghìn đồng như lâu nay, ngày nào cũng thu tiền triệu từ bán thỏ. Với thỏ giống, chỉ tháng rưỡi là xuất bán cho khách hàng. Trung bình mỗi tháng xuất trại khoảng 700-800kg thỏ giống, thỏ thịt, thu hơn 100 triệu đồng, trừ chi phí lãi ròng cỡ 40 - 50 triệu đồng/tháng.
Anh Dương Văn Chính, kỹ sư cơ khí trẻ đang có việc làm ổn định tại một doanh nghiệp ở Đà Nẵng cũng sớm nhận ra hoạt động kinh tế hái ra tiền này, mạnh dạn bỏ nghề, ngược núi lập trại nuôi thỏ. Sau hơn 3 năm triển khai, đến nay chàng thanh niên quê Hiệp Đức, Quảng Nam này tự tin khẳng định, hướng đi của mình rất đúng.
Hiện tại, trại thỏ của anh nuôi gần 1.000 con. Vừa qua, tổ hợp tác nuôi thỏ đã sản xuất thành công cám viên, loại thức ăn tinh cho thỏ và viết thành sách kỹ thuật nuôi loài vật này, mà vai trò chính là chàng kỹ sư cơ khí trẻ Dương Văn Chính. Từ thành công bước đầu khá lạc quan, tháng 10-2013 vừa qua, anh Dương Văn Chính được Trung ương Hội khoa học phát triển nguồn nhân lực- nhân tài Việt Nam tặng bằng khen.
Nói về làng nuôi thỏ tại địa phương, ông Nguyễn Văn Tân, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Ninh, cho biết: nuôi thỏ quy mô gia trại đang là hoạt động kinh tế rất hiệu quả tại Hòa Ninh. Ngoài 2 trại Như Ý, Quốc Cường của anh Cương và anh Chính, mỗi trại khoảng 1.000 con, 4-5 trại khác cũng đang nuôi từ 300-500 con/trại.
Từ hiệu quả rất lạc quan và tiềm năng rất lớn ở vùng này, hội chủ trương sẽ phát triển mạnh hơn nữa trong thời gian tới. Về thị trường tiêu thụ, không dừng lại ở Đà Nẵng, các gia trại đang mở rộng ra các địa phương khác. Hiện tại một số trại đã bán hàng qua mạng. Ai có nhu cầu chỉ cần lên mạng gõ: traithonhuy.com, hoặc traithoquoccuong.com, chủ trại sẽ đáp ứng đầy đủ và kịp thời.
Bài và ảnh: NGUYỄN CẦU