Các doanh nghiệp vận tải hành khách và taxi trên địa bàn thành phố Đà Nẵng cho biết giá cước bắt đầu giảm trong xu thế giá xăng dầu giảm sâu thời gian qua.
Từ ngày 1-1-2015, giá cước vận tải hành khách của các doanh nghiệp thành phố giảm 10%. |
Theo ông Nguyễn Thành Nhân, Chủ tịch Hiệp hội taxi thành phố, sau 13 lần liên tục giá xăng, dầu giảm trong năm 2014 và 1 lần vào đầu năm 2015, Hiệp hội đã thực hiện 2 lần giảm giá cước với mức tương đương khoảng 2.000 đồng/km. Đây có thể là mức giảm kỷ lục so với nhiều năm qua.
Cụ thể, đợt giảm đầu tiên, Hiệp hội thống nhất giảm trung bình từ 800 - 1.500 đồng/km và đợt giảm mới đây vào đầu năm 2015 trung bình từ 500 - 800 đồng/km. Như vậy, tính cả hai đợt đã giảm trên 1.500 đồng/km. Tuy nhiên, có hãng giảm khoảng 2.000 đồng/km đối với xe khai thác lâu năm của taxi Mai Linh.
Cũng theo ông Nhân, riêng đợt giảm giá xăng dầu đầu năm 2015, Hiệp hội đã tính toán giảm giá cước mang tính... đón đầu, vì với tình hình như hiện nay rất nhiều khả năng giá xăng, dầu sẽ giảm tiếp. Theo các thành viên của Hiệp hội taxi thành phố, việc giảm giá cước mang tính đón đầu như vậy là để tiết kiệm. Trên thực tế, mỗi lần giá xăng, dầu giảm phải giảm giá cước là rất tốn kém và mất thời gian, do vậy Hiệp hội đã thống nhất giảm “sâu” hơn so với mức 330 đồng/lít của đợt giảm đầu năm nay.
Trong khi đó, các thành viên của Hiệp hội Vận tải ô-tô hành khách thành phố cũng cho biết, cuối tháng 12-2014, đã tiến hành họp Hiệp hội và đã thống nhất từ ngày 1-1-2015 đồng loạt giảm giá cước vận tải hành khách với mức 10%.
Đây được xem là mức giảm phù hợp vì thời điểm cuối năm 2013 và đầu năm 2014 đã có vài lần giá xăng, dầu trên thị trường tăng nhưng các đơn vị vận tải của thành phố vẫn giữ nguyên mức giá cũ. Vì vậy, tính ra mức giảm 10% như đợt vừa rồi là tương đương giá xăng, dầu trên thị trường đã được điều chỉnh trong năm 2014 và đầu năm 2015 này.
Chia sẻ về mức giảm này, ông Đặng Từ, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ vận tải đường bộ Liên Chiểu cho rằng, đây là mức giảm được tính toán và cân nhắc rất kỹ. Bởi lẽ nếu xăng, dầu giảm mà các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn thành phố không giảm cước thì sẽ mất hết khách, ngược lại nếu giảm cước quá sâu sẽ lỗ. Thực tế, hiện nay là mùa thấp điểm nên lượng khách đi xe giảm mạnh, thậm chí đã có trường hợp nhà xe trả phiên chạy vì không bán được vé.
Hiện nay chỉ có tuyến đường dài như Đà Nẵng đi Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh và các tuyến đường ngắn như Đà Nẵng đi Huế, Quảng Ngãi là có lượng khách tương đối ổn định; còn lại các tuyến đường trung như Bình Định, Nha Trang, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh... lượng khách đang giảm mạnh. Vì vậy, với mức giảm 10% cũng là sự cố gắng của các doanh nghiệp vận tải trong giai đoạn “giáp hạt” để chờ đến mùa vận tải cuối năm có thể cân đối doanh thu cho doanh nghiệp.
Bài và ảnh: TRẦN LUÂN SƠN