.

Hàng Việt tìm chỗ đứng trên sân nhà

.

Doanh nghiệp (DN) Đà Nẵng phải làm gì để chiến thắng ngay trên sân nhà khi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) chính thức ra đời vào cuối năm 2015. Đây là câu hỏi lớn đối với gần 15.000 DN đang hoạt động trên địa bàn thành phố.

Sản phẩm sản xuất trong nước được nhiều người dân mua dùng tại Ngày hội hàng Việt 2014.
Sản phẩm sản xuất trong nước được nhiều người dân mua dùng tại Ngày hội hàng Việt 2014.

“Đây là trận đấu mà chúng ta là cầu thủ”

Dạo quanh một vòng thị trường hàng hóa trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, bên cạnh nguồn hàng có xuất xứ từ Trung Quốc, vài năm trở lại đây, hàng hóa từ Thái Lan, Nhật Bản “đổ bộ” ngày càng nhiều và có sức hấp dẫn lớn đối với người tiêu dùng. Điều này khiến cho mức độ cạnh tranh giữa hàng Việt với hàng ngoại ngày càng khốc liệt, nhất là khi cánh cửa AEC chính thức mở ra vào cuối năm 2015.

Theo bà Dương Thị Thi, Giám đốc Trung tâm kinh doanh hàng thời trang Hòa Thọ (Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ), đây là một trận đấu và mỗi DN là một cầu thủ mà không ai có thể đá thay cho mình. Để đủ sức cạnh tranh, DN cần không ngừng cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm và giảm giá thành; đồng thời có chiến lược chăm sóc, khảo sát tâm lý khách hàng nhằm nắm vững thị trường trong nước.

Ngoài các vấn đề trên, để nâng tầm giá trị của sản phẩm, thời gian qua, Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ luôn nhanh nhạy trong việc cập nhật các xu hướng mới trong ngành thời trang thế giới, qua đó đã có những cải tiến quan trọng về chất liệu vải, kiểu dáng… nhằm đáp ứng thị hiếu ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước.

“Không chỉ sản xuất để đáp ứng nhu cầu nội địa mà chúng ta phải tính đến việc xâm nhập vào thị trường các nước bạn khi AEC chính thức mở cửa. Chủ động đón đầu và sẵn sàng trước thử thách là tâm thế của chúng tôi hiện nay”, bà Thi khẳng định.

Để nâng cao sức cạnh tranh của hàng Việt, bên cạnh nỗ lực tự thân, cộng đồng DN Đà Nẵng rất cần đến sự đồng hành của các cấp chính quyền; nhất là có các chính sách, giải pháp nhằm góp phần tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh.

Để làm được điều này, ông Trương Phước Ánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam đề xuất giải pháp các ngành chức năng cùng DN hợp tác với nhau để xây dựng mạng lưới cung cấp, phân phối hàng Việt Nam chặt chẽ, quy mô và gắn kết từ thành thị đến nông thôn nhằm đem hàng Việt đến tận tay người dân, tạo thói quen sử dụng hàng trong nước.

Về phía cơ quan quản lý Nhà nước, Giám đốc Sở Công thương thành phố Phan Văn Kha cho biết, trong thời gian tới, sở sẽ tham mưu lãnh đạo thành phố hỗ trợ DN về đất đai, mặt bằng sản xuất, đồng thời chủ động tổ chức các chuyến đi xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, đổi mới công nghệ, xử lý quyết liệt với hàng nhái, hàng nhập lậu, hàng không rõ xuất xứ…

Nâng cao ý thức dùng hàng Việt

Để hàng Việt có thể chiến thắng trên chính sân nhà, ngoài sự cố gắng của bản thân DN, chính quyền các cấp… thì chính người tiêu dùng là nhân tố quyết định đến hơn 50%. Điều này được minh chứng qua việc, sau 5 năm triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đến nay nhiều người dân thành phố đã chuyển dần sang sử dụng hàng trong nước.

Riêng tại chợ Hàn, một trung tâm mua bán lớn của thành phố, nguồn hàng có xuất xứ trong nước tăng lên rõ rệt, đặc biệt những mặt hàng như gia vị, thực phẩm hầu như 100% là sản phẩm Việt Nam. Đây là tín hiệu đáng mừng để cộng đồng DN Đà Nẵng tự tin, mạnh mẽ hơn trong việc tạo ra cho mình thế mạnh cạnh tranh trước hàng hóa nhập ngoại.

Là người nỗ lực không ngừng để xây dựng thương hiệu Giày B.Q nổi tiếng cả khu vực miền Trung, Giám đốc Công ty Giày B.Q Phan Hải trăn trở: “Người Việt còn nặng tâm lý sính đồ ngoại quá. Tuy nhiên, một phần lỗi cũng nằm ở các DN Việt Nam khi chưa chịu khó đầu tư công nghệ, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm chiếm được niềm tin của người tiêu dùng. Trong thời gian tới, chúng tôi mong muốn người dân hãy tiếp tục tin yêu và sử dụng nhiều hơn nữa những sản phẩm hàng hóa do DN Việt Nam sản xuất. Đây sẽ là phần thưởng quý báu đối với sự nỗ lực của DN thành phố”.

Ông Phan Văn Kha cũng nhắn nhủ, người dân hãy ưu ái và tin dùng hơn nữa đối với hàng Việt, xem đây là một hình thức để thể hiện tình yêu Tổ quốc; góp phần cổ vũ, khích lệ và tăng thêm sức mạnh cho DN nội trong cuộc cạnh tranh khốc liệt với hàng ngoại.

Bài và ảnh: HOÀNG LINH

;
.
.
.
.
.