Hành khách làm thủ tục lên chuyến bay. |
Cụ thể, các chuyến bay bị chậm trong tháng 12 là gần 2.400 chuyến với các nguyên nhân như quản lý bay, trang thiết bị và dịch vụ hàng không, do hãng hàng không, yếu tố thời tiết… Đặc biệt, do máy bay về muộn chiếm tỷ lệ hơn 72% (1.734 chuyến) trong số các chuyến bay bị chậm trong tháng này.
Dẫn đầu trong tỷ lệ chậm hủy chuyến của các hãng hàng không Việt Nam là Jetstar Pacific với 30,6% (497/1.625 chậm chuyến) và 1,9% hủy chuyến. Tiếp ngay sau đó là Vietjet Air với gần 19% (692/3.662 chuyến chậm); 0,7% hủy chuyến. Vietnam Airlines có tỷ lệ 12,4% chuyến chậm (1.202/9.672 chuyến bay) và hủy chuyến chiếm 0,2%.
So sánh với số liệu tháng 11 trước đó, các hãng hàng không có tỷ lệ chậm, hủy chuyến tăng nhẹ. Bên cạnh đó, báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam cũng nêu rõ, không có chuyến bay nào của các hãng hàng không hủy chuyến vì lý do thương mại.
Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh cho biết, năm 2014, tỷ lệ chậm, hủy chuyến của các hãng hàng không Việt Nam giảm mạnh vào cuối năm và chạm mốc 19,3% của cả năm (về bằng mức xấp xỉ năm 2013).
“Riêng sáu tháng cuối năm, sau nhiều nỗ lực, thực hiện Chỉ thị 15 của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, tỷ lệ chậm huỷ chuyến là 14,4%, giảm 9,4 điểm so với 6 tháng đầu năm và giảm 8,6 điểm so với năm 2013,” ông Thanh cho hay.
Báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam cho thấy, trong năm 2014, dù giữ vững thành tích không xảy ra tai nạn hàng không, tuy nhiên số sự cố lại tăng tới 177% so với năm 2013. Số vụ việc về an ninh hàng không và mất trật tự công cộng tại nhà ga, bến bãi cũng tăng 67%.
Vietnam+