Năm nay, trong bối cảnh kinh tế thế giới dự báo phục hồi chậm và tiềm ẩn nhiều rủi ro, liên kết kinh tế khu vực với nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới được đẩy mạnh, nền kinh tế nước ta sẽ tiếp tục hội nhập sâu rộng và phải cạnh tranh gay gắt hơn.
Bối cảnh quốc tế và tình hình trong nước tạo ra nhiều cơ hội, thuận lợi nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực phấn đấu cao nhất.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh: Chính phủ đang làm hết sức mình để đổi mới thể chế
Năm 2014, tôi đánh giá là một năm thành công. Và đạt được kết quả này, là một sự cố gắng lớn. Đối với năm 2015, mục tiêu GDP tăng trưởng 6,2%, đây là một mục tiêu rất khó khăn.
Trước tiên về cơ hội, tôi cho rằng Việt Nam đang có một nền tảng kinh tế vĩ mô với tăng trưởng ổn định trong nhiều năm. Bên cạnh đó, Chính phủ đang làm hết sức mình để đổi mới thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Nhờ đó, các doanh nghiệp FDI đã coi Việt Nam là nơi dừng chân rất tốt. Không những thế, đại sứ các nước Châu âu cũng cho biết, các doanh nghiệp đang chuyển hướng đầu tư vào Việt Nam.
Bên cạnh đó, việc ký kết các hiệp định thương mại với các nước đang mở ra cơ hội cho xuất khẩu, tạo ra nhiều việc làm, sản phẩm có giá trị cao hơn, thị trường mở với thuế suất bằng 0%… đem lại lợi ích cho người sản xuất và cho xã hội. Chúng ta đang mở rộng thị trường tốt với những cơ chế, chính sách ưu đãi trong sản xuất và xuất khẩu. Nếu thuận lợi thì mục tiêu 6,2% là dễ dàng đạt được và có thể vượt xa. Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần phải chuẩn bị thật tốt để chớp lấy cơ hội.
Còn về thách thức trong năm 2015, chúng ta đang phải đối mặt với những động lực cho tăng trưởng ngày càng giảm đi nếu theo phương thức cũ, như dựa vào khai thác khoáng sản, khai thác dầu khí nhưng hiện giá dầu thế giới giảm…
Hơn nữa, khi Việt Nam hội nhập, nhất là khi Cộng đồng kinh tế Asean được thành lập vào năm 2015, tự do luân chuyển hàng hóa và nhân lực kỹ thuật tự do trong 10 nước Asean, lúc đó, hàng hóa nước ngoài tràn ngập vào Việt Nam . Đối với người tiêu dùng thì vui vì mua được hàng giá rẻ chất lượng cao hơn, nhưng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất trong nước. Vì vậy, tôi cho rằng khi một nền kinh tế sản xuất không phát triển thì sẽ khó tồn tại. Kéo theo thất nghiệp sẽ gia tăng.
Bên cạnh việc ký kết các Hiệp định thương mại, chúng ta cũng cần mạnh mẽ tuyên truyền, lên kế hoạch của từng ngành, từng cấp, thậm chí từng doanh nghiệp .. cách làm phải thế nào, cần Nhà nước giúp đỡ cái gì. Đồng thời, khi mở cửa thị trường, chúng ta đã có đối sách gì, đào tạo như thế nào để cho người dân, doanh nghiệp biết và chủ động ứng phó, thậm chí với mỗi người dân.
Tôi không chỉ lo cho năm 2015 mà lo cho tương lai 2016-2020, nếu như những diễn biến này không được làm triệt để thì chúng ta sẽ khó khăn.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Từng bước cơ cấu nợ công theo hướng bền vững
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu dự toán Ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2015 đã được Quốc hội thông qua với tổng số thu cân đối là 911,1 nghìn tỷ đồng và tổng số chi là 1.147,1 nghìn tỷ đồng, mức bội chi NSNN là 226 nghìn tỷ đồng, tương đương 5% GDP, tôi cho rằng cần tiếp tục quản lý chi NSNN chặt chẽ và tiết kiệm. Bên cạnh đó, đảm bảo huy động vốn cho NSNN và cho đầu tư phát triển; từng bước cơ cấu nợ công theo hướng bền vững, đảm bảo khả năng trả nợ.
Như vậy trong năm 2015, ngành tài chính sẽ tập trung thực hiện tốt các Luật thuế sửa đổi, bổ sung và nhiệm vụ thu NSNN theo Nghị quyết của Quốc hội; Chỉ đạo chống thất thu, chống chuyển giá, kiểm soát, phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại, giảm nợ đọng thuế...
Bên cạnh việc thúc đẩy cải cách, đơn giản các thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan, ngành cũng đẩy mạnh việc thực hiện đăng ký thuế, kê khai nộp thuế, cung cấp dịch vụ cho người nộp thuế qua mạng điện tử, rút ngắn thời gian thông quan... để phấn đấu giảm số giờ nộp thuế xuống mức trung bình trong khu vực ASEAN. Đồng thời, không đề xuất, ban hành các chính sách mới làm giảm thu NSNN, trừ trường hợp cắt giảm thuế để thực hiện các cam kết quốc tế.
Bên cạnh đó, ngành triệt để tiết kiệm chi NSNN, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong cả chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển. Ngành cũng phối hợp với các bộ, ngành để rà soát tổng thể các chính sách an sinh xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án đã triển khai giai đoạn 2011-2015 để cắt giảm, lồng ghép các chính sách, xây dựng lộ trình, quy mô phù hợp đối với từng nhóm chính sách thực hiện cho giai đoạn 2016-2020. Ngành chỉ ban hành các chính sách làm tăng chi NSNN khi thật sự cần thiết và có nguồn kinh phí đảm bảo.
Ngành còn phối hợp với các bộ, ngành tiếp tục điều hành quyết liệt giá điện, giá xăng dầu, giá than cho sản xuất điện, giá khí và giá dịch vụ công thiết yếu để có bước chuyển biến rõ rệt theo cơ chế thị trường, có sự điều tiết của Nhà nước theo lộ trình và mức độ phù hợp, bảo đảm yêu cầu kiểm soát lạm phát. Mặt khác, ngành thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý nợ công, nhất là quản lý sử dụng có hiệu quả vốn vay, quản lý tốt nợ trung hạn và quỹ tích lũy trả nợ, quản lý và xử lý kịp thời rủi ro; kiểm soát chặt chẽ việc cấp bảo lãnh Chính phủ... đảm bảo kiểm soát mức dư nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn an toàn. Có biện pháp cơ cấu lại các khoản vay ngay trong năm 2015 và xây dựng lộ trình cụ thể cho giai đoạn tiếp theo để tăng cường huy động các khoản vay với kỳ hạn dài, giảm thiểu các khoản vay với kỳ hạn ngắn, giảm phát hành đảo nợ.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng : Tập trung nâng cao trách nhiệm, hiệu quả hoạt động của các chủ thể tham gia dự án
Trong năm 2015, Bộ Giao thông vận tải sẽ t iếp tục r à soát, đề xuất điều chỉnh các cơ chế, chính sách phù hợp với thực tế để khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông. Bên cạnh đó, tập trung nâng cao trách nhiệm, hiệu quả hoạt động của các chủ thể tham gia dự án; đặc biệt là đối với các Ban quản lý dự án trong việc thực hiện nhiệm vụ do chủ đầu tư giao và quyền hạn do chủ đầu tư ủy quyền. Hoàn thành và tổ chức triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường năng lực quản lý, tổ chức và chất lượng hoạt động của tư vấn giám sát xây dựng công trình giao thông”, Đề án thành lập Trung tâm kiểm định chất lượng công trình giao thông.
Bộ cũng xử lý kịp thời những tồn tại về chất lượng, sự cố công trình; nghiêm khắc xử lý trách nhiệm của những tập thể, cá nhân có liên quan. Mặt khác, chỉ đạo chủ đầu tư, Ban quản lý dự án rà soát về năng lực các nhà thầu thi công chậm tiến độ, đề xuất cắt chuyển khối lượng hoặc thay thế các nhà thầu yếu kém.
Chúng tôi sẽ tập trung chỉ đạo các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân các dự án đã có nguồn vốn, phấn đấu hoàn thành 95 dự án trong năm 2015; trong đó có các dự án trọng điểm như đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Cầu Việt Trì, Cầu Mỹ Lợi, Cầu Cổ Chiên, Kênh Chợ Gạo (giai đoạn 1), Cảng hàng không quốc tế Cát Bi, mở rộng Nhà ga hành khách - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất ...
Cơ bản hoàn thành vào cuối năm 2015 dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua khu vực Tây Nguyên. Đẩy nhanh tiến độ các dự án: đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Cảng cửa ngõ Hải Phòng (Lạch Huyện), đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện...
Bộ Giao thông vận tải cũng tập trung hoàn thành công tác chuẩn bị, khởi công xây dựng 26 dự án; trong đó có các dự án quan trọng như đường cao tốc Ninh Bình - Thanh Hóa, Biên Hòa - Vũng Tàu, Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, Cầu Hưng Hà và đường dẫn hai đầu cầu...
Ngoài ra, Bộ Giao thông vận tải còn chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020. Tập trung hoàn thành đưa vào khai thác 188 cầu treo dân sinh tại 28 tỉnh miền núi và trung du phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên.
TTXVN