Chỉ còn một tháng nữa đến Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015, nhiều làng nghề truyền thống trên địa bàn thành phố như làng bánh tráng Túy Loan (huyện Hòa Vang), làng bánh khô mè (quận Cẩm Lệ), làng nước mắm Nam Ô (quận Liên Chiểu)… đã rộn ràng bước vào vụ sản xuất quan trọng nhất trong năm.
Không khí hối hả tại nhiều làng nghề truyền thống khi Tết Nguyên đán Ất Mùi sắp đến. (Ảnh chụp tại cơ sở sản xuất bánh khô mè, khô nổ “Bà Liễu mẹ” ở phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ). |
Hối hả tăng tốc
Ở làng bánh tráng Túy Loan (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang), dọc con đường nhỏ đi vào thôn Túy Loan Đông 2 đã thoang thoảng mùi thơm của gừng và nước mắm cùng phảng phất chút hăng hắc mùi khói củi. Bà Đặng Thị Tùng, ở tuổi 74 vẫn xốc vác nhào bột, thức khuya, dậy sớm để tráng từng mẻ bánh cho kịp giao hàng.
Không khí rộn ràng kéo dài từ dãy nhà chính sang đến căn bếp - nơi đặt hai lò làm bánh to, than cháy đỏ hồng. Năm người con của bà gồm dâu, rể, con trai, con gái thoăn thoắt giã gừng, tỏi, khuấy bột. Trong căn bếp cũ, bà Tùng nhanh tay lật từng chiếc bánh tráng đã ngả sang màu vàng nhạt. Tranh thủ nghỉ tay, chỉ về phía những chồng bánh cao ngất được đặt trong gian phòng khách, bà cho biết: “Đến thời điểm ni tui không nhận đặt hàng nữa.
Từ nay đến hết đêm 30 Tết cả nhà phải tăng tốc, có khi phải thức trắng đêm mới kịp để giao hàng. Năm nay, ngoài các bạn hàng quen thuộc ở các chợ Túy Loan, Cẩm Lệ, một số chợ ở Quảng Nam, chúng tôi còn có thêm một số đơn hàng từ các nhà hàng ở Đà Nẵng”.
Lò bánh tráng của bà Tùng là một trong những địa chỉ nổi tiếng nhất ở xã Hòa Phong với chất lượng bánh ngon, bảo quản được lâu (gần 2 tháng). Một mùa Tết cả nhà bà Tùng làm từ 1,2 - 1,5 tấn gạo, trừ tất cả chi phí, tiền lời khoảng từ 13-18 triệu đồng.
Bánh tráng Túy Loan nổi tiếng gần xa bởi vị beo béo của mè, thêm chút ngọt của đường và cay thơm của gừng. Đặc biệt, bánh tráng ở đây có độ giòn rất riêng biệt so với nhiều loại bánh tráng khác bày bán ở các chợ.
Phường Hòa Thọ Đông (quận Cẩm Lệ) nổi tiếng với đặc sản bánh khô mè, khô nổ. Rẽ vào con đường nhỏ nằm sát dưới chân cầu Cẩm Lệ, lò bánh khô mè nổi tiếng “Bà Liễu mẹ” do ông Huỳnh Đức Khiển (60 tuổi, ở 200/1 Ông Ích Đường), con trai út của bà Liễu làm chủ tấp nập người ra, kẻ vào.
Vừa khuấy nồi nước đường đang nấu dở trên bếp, ông Khiển vui vẻ cho biết, so với ngày thường chỉ làm khoảng 50 cân (gồm bánh khô mè, khô nổ) vụ Tết Nguyên đán (từ đầu tháng 11 âm lịch) trung bình cơ sở của ông sản xuất từ 200 đến 250 cân bánh thành phẩm. Những ngày này, cơ sở của ông vừa có tin vui nhận đơn đặt hàng lớn từ Hà Nội.
Không tăng giá dịp Tết
Ông Khiển cho hay, mặc dù là thời điểm sản xuất quan trọng nhất trong năm nhưng mức giá bán ra từ cơ sở của ông không tăng. Hiện, giá bánh xuất xưởng bán ra 60.000 đồng/kg với các hình thức bán theo kg và đóng gói trong hộp với trọng lượng 500gr, 400gr và 250gr. Tương tự, mức giá bán ra tại lò bánh của bà Tùng các năm qua cũng chưa lúc nào đẩy lên cao dù đơn hàng có thể tăng.
Ngoài số lượng bánh bỏ sỉ cho các mối ở chợ với giá từ 65.000- 70.000 đồng/chục (10 chiếc), lò bánh của bà Tùng chủ yếu nhận làm bánh theo yêu cầu của khách với mức giá tùy chọn như 100.000 đồng, 120.000 đồng, 150.000 đồng/chục. “Sản phẩm của mình là hàng truyền thống, mong người dân sử dụng để cái Tết thêm phần đậm đà, ấm cúng, vì thế bánh nhà mình làm ra không tăng giá”, ông Khiển bộc bạch.
Đại diện Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Hòa Vang cho biết, làng bánh tráng Túy Loan nổi tiếng từ lâu. Hiện nay, xã Hòa Phong có hơn 10 lò làm bánh cung cấp cho chợ Túy Loan và các địa phương lân cận như Cẩm Lệ, Liên Chiểu, chợ Cồn... Để giữ nghề và góp phần nâng cao chất lượng, quảng bá hình ảnh đặc sản của vùng, HTX Hòa Phong cũng đã triển khai kế hoạch xây dựng thương hiệu bánh tráng Túy Loan.
Bài và ảnh: KHÁNH HÒA