.

Nhọc nhằn hoa Tết

.

Ở quận Hải Châu có nhiều người gắn bó với nghề trồng hoa Tết, nhất là hai phường Hòa Cường Bắc và Hòa Cường Nam. Để có những chậu hoa Tết, người nông dân phải trải qua bao nhọc nhằn.

Ông Nguyễn Văn Mỹ (trái) thuê 15 sinh viên lặt búp hoa cúc.
Ông Nguyễn Văn Mỹ (trái) thuê 15 sinh viên lặt búp hoa cúc.

Theo tiến trình phát triển đô thị, nông dân Hải Châu không còn đất canh tác. Hầu hết đã chuyển nghề mới nhưng gần 100 hộ vẫn miệt mài mưu sinh bằng nghề trồng hoa, chủ yếu tập trung vào vụ hoa Tết. Bà con tận dụng những thửa đất chưa xây dựng công trình để canh tác, biến nhiều khu cỏ cây hoang dại thành những vùng hoa tươi, nhiều nhất là hoa cúc.

Để trồng vụ hoa Tết, từ tháng 5 âm lịch, người trồng hoa đã lo đúc chậu, dọn đất, chuẩn bị phân bón các loại. Đầu tháng 7, bà con bắt đầu ươm giống cúc sau một tháng đưa cây giống vào trồng trong các chậu. Các loại hoa khác như ly ly, vạn thọ thì trồng sau hoa cúc từ 1-2 tháng.

Từ khi trồng đến khi có sản phẩm bán, người nông dân phải miệt mài, cần mẫn bên từng chậu hoa. Tưới nước, bón phân, phun thuốc, cắm cọc, quấn dây…, công đoạn nào cũng phải thật tỉ mỉ mới làm nên chậu hoa đẹp, có cành lá xanh đều từ gốc tới ngọn.

Tại khu đất cạnh đường Nguyễn Hữu Thọ thuộc phường Hòa Cường Bắc, ông Nguyễn Văn Mỹ trồng 1.500 chậu cúc các loại và đang thuê 15 sinh viên lặt búp. Theo ông Mỹ, lặt búp là công đoạn tốn nhiều chi phí nhất và ông phải thuê 15 sinh viên lặt búp suốt nửa tháng, mỗi công 100.000 đồng.

Người nông dân cả đời say mê với nghề trồng hoa cho biết, mỗi cây cúc có nhiều nhánh, phải cắt bỏ những nhánh xấu, để lại 8 nhánh khỏe và mỗi nhánh chỉ để 1 búp nở bông, còn phải lặt hết các búp khác để nhánh cúc tập trung dinh dưỡng “nuôi” một bông đã chọn thì bông mới to và đẹp.

Trên khu đất rộng góc đường 30-4 và Huỳnh Tấn Phát, ba anh em Nguyễn Quang Trường, Nguyễn Quang Trung và Nguyễn Quang Sơn hằng ngày tất bật chăm hoa suốt từ sáng sớm cho đến tối mịt.

Ông Nguyễn Quang Trung nhấn mạnh: Trồng cúc khó nhất là canh cho hoa nở đúng Tết, mà kỹ thuật canh ấy cũng chỉ bằng kinh nghiệm của từng người, thường “canh” bằng phương pháp chong điện ban đêm và điều chỉnh lượng phân bón, nước tưới để thúc hoa nở nhanh, hoặc hãm cho hoa nở chậm lại.

Hễ đến đầu tháng Chạp mà chậu hoa cứ xanh rờn, không nảy nụ, thì người trồng hoa xanh xám mặt mày. Còn mới giữa tháng Chạp mà hoa đã nở vàng thì người trồng hoa cũng vàng cả mắt!

Tại khu đất ven đường Lê Thanh Nghị, cạnh khu xử lý nước thải thành phố, bà con trồng nhiều loại hoa đẹp như: dạ uyên thảo, ly ly, dừa cạn, nhiều nhất vẫn là hoa cúc, để bán vào dịp Tết Ất Mùi. Nơi đây, nước bị nhiễm mặn, không thể dùng giếng bơm để tưới hoa, người trồng hoa phải sắm máy bơm, lấy nước từ sông Đò Xu, qua 2 lần tăng-bo mới đưa được nước về tưới hoa.

Ông Trần Văn Trọng, một “đại gia” ở vùng hoa này, làm trại tại chỗ để ở chăm hoa, mua 2 xe tải vận chuyển vật liệu, phân bón và sẵn sàng chở hoa Tết miễn phí đến tận nơi theo yêu cầu của người mua.

“Trồng hoa phải đầu tư lớn mà đầy phập phồng, may rủi, đổ mồ hôi sôi nước mắt mới làm ra được chậu hoa bán Tết, nhưng chúng tôi rất buồn vì có nhiều người cứ chờ đến sát giao thừa để mua hoa rẻ”, ông Trọng chia sẻ.     

Những người trồng hoa có nguyện vọng được cung cấp sản phẩm để trưng bày đường hoa Bạch Đằng trong mỗi dịp đón xuân mới. Họ cũng bộc bạch nỗi lo lắng về nguồn hoa Tết ở các nơi đổ về Đà Nẵng quá nhiều, nên hoa ở Đà Nẵng làm ra không tiêu thụ hết.

Bài và ảnh: LÊ VĂN THƠM

;
.
.
.
.
.