.

Thu nhập cao nhờ biển

.

Năm 2014, ngư dân Đà Nẵng gặp nhiều khó khăn vì Biển Đông “dậy sóng” cũng như giá cả lên xuống thất thường, song tàu câu mực ĐNa 90567 của ngư dân Trần Văn Mười (phường Mân Thái, quận Sơn Trà) lại làm ăn hiệu quả, đem lại thu nhập cao.

Anh là một trong 2 cá nhân xuất sắc của thành phố Đà Nẵng được tặng danh hiệu “Chất lượng thủy sản vàng Việt Nam năm 2014”.

Tàu ĐNa 90567 đang lên đà sửa chữa để cho chuyến biển đầu năm Ất Mùi.
Tàu ĐNa 90567 đang lên đà sửa chữa để cho chuyến biển đầu năm Ất Mùi.

Ngày đầu tuần tháng 1, sau chuyến đi biển cuối năm gặp trục trặc về máy móc, tàu câu mực lớn nhất Đà Nẵng ĐNa 90567 được ngư dân Trần Văn Mười cho lên đà bảo dưỡng. Phút rảnh rỗi, Trần Văn Mười tâm sự: “Tuy năm nay mất mùa mực, song giá mực cao hơn năm ngoái khoảng 25.000 đồng/kg, nên thu nhập cũng khá cao so với các nghề khác.

4 chuyến biển năm 2014, tàu cho doanh thu 10 tỷ đồng. Trừ chi phí cho các chuyến đi, tàu lãi 1,2 tỷ đồng; các lao động có thu nhập khoảng 110 triệu đồng”. Tuy nhiên, so với những năm trước thì doanh thu đạt thấp hơn khoảng 2 tỷ đồng. Bởi năm 2014, tàu Trung Quốc liên tục gây khó, thường xuyên xua đuổi, đâm va tàu của ngư dân Việt Nam khi đánh bắt tại vùng biển thuộc chủ quyền của mình.

Tàu câu mực của Trần Văn Mười có công suất 950CV, thuộc loại tàu câu mực lớn và hiện đại nhất thành phố Đà Nẵng (hiện Đà Nẵng có 4 chiếc) đóng mới từ năm 2011. Trong các năm từ 2011 đến 2013, tàu ĐNa 90567 cho thu nhập mỗi năm khoảng 1,5 tỷ đồng, các lao động có thu nhập từ 130-150 triệu đồng, cuộc sống ai nấy khấm khá.

Thuyền viên Trương Công Tám (45 tuổi, quê xã Bình Dương, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) sau 3 năm theo tàu câu mực của ngư dân Trần Văn Mười, giờ đây cuộc sống ổn định, nhà cửa được xây mới khang trang. “Dù mỗi chuyến biển xa nhà dài ngày, nhớ vợ nhớ con, nhưng đổi lại cho thu nhập cao hơn những ngành nghề khác trên biển. Chính nhờ sự ổn định đó nên anh em quyết tâm bám tàu, bám biển”, anh Tám chia sẻ.

Thuyền viên Nguyễn Văn Sơn (25 tuổi, quê xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) cũng theo tàu câu mực anh Mười từ năm 2011. Sau ba năm, Sơn đã cưới vợ, có con và xây dựng được ngôi nhà khang trang tại xã Bình Minh.  “45 lao động đi trên tàu đều có cuộc sống ổn định. Năm 2014, tôi vinh dự được nhận giải thưởng “Chất lượng vàng thủy sản Việt Nam” của Hội Nghề cá Việt Nam trao tặng. Đây không chỉ là thành tích của bản thân mình, mà còn do sự miệt mài lao động của các thuyền viên”, anh Trần Văn Mười chia sẻ.

Tuy nhiên, để làm ăn hiệu quả hơn nữa, bảo đảm an toàn trên biển và hiện diện thường xuyên trên vùng biển Việt Nam, góp phần làm “cột mốc sống” bảo vệ chủ quyền, hiện anh Trần Văn Mười đã thay mới máy cho tàu 90567 có công suất 1.200CV. Với công suất này, hiện tại tàu câu mực của Trần Văn Mười thuộc loại tàu câu mực lớn nhất miền Trung. “Tôi đang cho tàu lên đà để bảo dưỡng. Đến ngày mồng 6 Tết Ất Mùi sẽ cho tàu ra khơi chuyến biển đầu năm với hy vọng sẽ gặp nhiều may mắn”, anh Trần Văn Mười cho biết.

Đánh giá về ông Trần Văn Mười, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Nguyễn Đỗ Tám cho biết, đây là một ngư dân tiêu biểu của thành phố Đà Nẵng. Với việc mạnh dạn đầu tư, biết tính toán làm ăn nên tàu câu mực của anh Mười luôn đem lại kinh tế cao không chỉ cho anh mà còn cho các lao động. Những năm qua, tàu câu mực của anh đóng góp tích cực cho ngành thủy sản thành phố, cũng như tham gia tích cực trong công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ

;
.
.
.
.
.