.

Vui buồn chuyện thưởng Tết

.

Chuyện thưởng Tết bắt đầu nóng lên khi chỉ còn hơn một tháng nữa đến Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015. Đến thời điểm này, theo công bố của các doanh nghiệp, mức thưởng Tết cao nhất 300 triệu đồng, thấp nhất 300.000 đồng, chênh lệch đến 1.000 lần.

Lao động gắn bó với doanh nghiệp hơn nếu có mức lương, thưởng cao. TRONG ẢNH: Công nhân Công ty TNHH Điện tử Foster Đà Nẵng đang làm việc.
Lao động gắn bó với doanh nghiệp hơn nếu có mức lương, thưởng cao. TRONG ẢNH: Công nhân Công ty TNHH Điện tử Foster Đà Nẵng đang làm việc.

Chờ tiền thưởng

Khi được hỏi về mức thưởng Tết, anh Lê Trung Kiên (35 tuổi, quê Thanh Hóa), công nhân một công ty chuyên sản xuất lưới sợi ở quận Cẩm Lệ thở dài: “Lương mấy tháng nay còn chưa được nhận, nói đến chuyện thưởng Tết thấy xa vời quá”. Anh Kiên cho biết, mức lương công nhân của anh trung bình khoảng 3 triệu đồng/tháng, trừ tiền thuê nhà và các chi phí điện, nước, sinh hoạt… thì chẳng còn lại bao nhiêu.

Anh Kiên cũng như nhiều lao động khác mong có tiền thưởng Tết để tính chuyện về quê. “Tôi chuẩn bị về quê trước Tết, nhưng đến giờ chưa có tiền nên không biết tính thế nào. Về quê tốn kém lắm. Không chỉ có tiền tàu xe mà còn tiền quà bánh, tiền biếu bố mẹ, họ hàng…”, anh nói.

Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng cho biết, theo thống kê chưa đầy đủ, hiện có 6 doanh nghiệp nợ lương người lao động. Những doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh thuộc những ngành nghề: chế biến thủy sản, dịch vụ ăn uống, sản xuất lưới sợi, đồ chơi trẻ em… Ước tính có khoảng hơn 800 lao động đang chờ tiền lương, tiền thưởng để trang trải chi tiêu dịp Tết.

Hầu hết doanh nghiệp này là doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp doanh và doanh nghiệp FDI. Đà Nẵng hiện có trên 65.000 công nhân sống và làm việc tại 6 khu công nghiệp ở các quận Liên Chiểu, Sơn Trà, Cẩm Lệ và huyện Hòa Vang, trong đó lao động ngoại tỉnh chiếm phần lớn. Vì vậy, việc có khoản tiền thưởng kha khá để lo tàu xe về quê luôn là nỗi mong mỏi của nhiều công nhân tại đây.

Hiểu được điều đó, nhiều doanh nghiệp đang lên kế hoạch thưởng Tết sớm cho người lao động. Ông Lê Duy Lương, Giám đốc nhân sự Công ty TNHH Điện tử Foster Đà Nẵng, cho biết công ty hiện có 8.000 công nhân, hầu hết là lao động ngoại tỉnh. “Năm nay, công ty đã lên kế hoạch thưởng Tết cho người lao động mức 1,5 tháng lương và một suất quà Tết trị giá khoảng 250.000 đồng”, ông Lương cho biết.

Cũng theo ông Lương, lo Tết cho người lao động là nghĩa vụ của doanh nghiệp và cũng để tạo thêm sự gắn kết giữa hai bên. Đồng quan điểm này, ông Hồ Minh Tùng, kế toán trưởng Công ty giày Hữu Nghị, cho biết đơn vị đang lo cho người lao động một cái Tết vui tươi, ấm áp, đầy đủ. “Mức thưởng Tết năm nay của chúng tôi dự định ít nhất phải bằng hoặc cao hơn năm ngoái”, ông Tùng tiết lộ.

So với nhiều ngành nghề khác, mức thưởng của ngành ngân hàng vẫn được coi là khá. Tuy nhiên, chị Nguyễn Thị Vy Vy (33 tuổi, nhân viên một ngân hàng đóng ở quận Sơn Trà) cho biết, mức thưởng Tết năm nay có thể chỉ bằng hoặc kém hơn năm ngoái (năm ngoái, chị nhận khoảng 5 triệu đồng).

Nhìn chung năm nay, trừ những đơn vị quá khó khăn, mức thưởng mặt bằng chung vẫn như năm ngoái, ngay cả những đơn vị “ăn nên làm ra” vẫn duy trì mức thưởng như cũ hoặc có tăng thêm nhưng không nhiều.

Thưởng Tết chênh lệch đến 1.000 lần

398 doanh nghiệp đã công bố mức thưởng Tết năm nay cho thấy sự chênh lệch giữa các mức thưởng Tết ngày càng lớn hơn. Năm ngoái, mức thưởng cao nhất là 172 triệu đồng/người, thấp nhất 500.000 đồng/người. Năm nay, mức thưởng cao nhất là 300 triệu đồng/người, thấp nhất chỉ 300.000 đồng, chênh lệch đến 1.000 lần.

Như vậy, mức thưởng Tết Nguyên đán năm nay cao gần gấp đôi năm ngoái. Mức chênh lệch ngày càng lớn cho thấy sự phân hóa ngày càng rõ rệt. Mức thưởng cao chủ yếu thuộc về  bộ phận quản lý, lãnh đạo trong doanh nghiệp.

Một tín hiệu đáng mừng, năm ngoái, mức thưởng cao nhất thuộc về một doanh nghiệp FDI (doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài). Năm nay, mức thưởng cao nhất lại thuộc về doanh nghiệp cổ phần vốn góp của Nhà nước. Như vậy, doanh nghiệp Việt đang dần vươn lên bứt phá và tự khẳng định mình trên “sân nhà”.

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được triển khai trên cả nước nhiều năm qua đã có hiệu quả tích cực. Hàng Việt đã có chỗ đứng trong thị trường trong nước cũng như trên thế giới.

“Tiền thưởng Tết thực chất chỉ là một khoản tiền thêm vào lương, nhưng với người Việt thì có ý nghĩa rất lớn. Vì vậy, dù làm ăn hiệu quả hay còn nhiều khó khăn, doanh nghiệp cũng nên chú trọng đến việc thưởng Tết cho người lao động. Đó là cách tốt nhất để tăng năng suất và giữ chân người lao động sau Tết”, giám đốc một công ty may mặc tại khu công nghiệp Hòa Khánh nhìn nhận.

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ

;
.
.
.
.
.
.