.

Cần hỗ trợ thủ tục bảo vệ người tiêu dùng

.

Sáng 3-2, tại Đà Nẵng, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) và cơ quan Bảo vệ người tiêu dùng Hàn Quốc (KCA) phối hợp với Sở Công thương thành phố tổ chức hội thảo “Tăng cường trách nhiệm của doanh nghiệp trong công tác bảo vệ người tiêu dùng: Thực tiễn Việt Nam và kinh nghiệm Hàn Quốc”.

Đại diện Cục QLCT cho biết: Năm 2014 số lượng khiếu nại của người tiêu dùng trong nước tăng gấp 4 lần năm 2013 (hơn 1.000 khiếu nại), trong đó 85-90% hình thức khiếu nại gửi qua tổng đài. Các khiếu nại chủ yếu về viễn thông, bất động sản, máy tính, mạng internet, hàng hóa tiêu dùng hằng ngày, dịch vụ vận tải….

Tại Đà Nẵng, năm qua, Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng đã tiếp nhận, tư vấn thành công 39 vụ, giải quyết kịp thời những thắc mắc, bức xúc của người tiêu dùng địa phương.

Ông Lee Jung Sung, Giám đốc giáo dục truyền thông, thuộc cơ quan bảo vệ người tiêu dùng Hàn Quốc đánh giá: “Hiện nay ở Việt Nam, chúng tôi thấy rằng khi xảy ra các vụ việc khiếu nại người tiêu dùng khó tiếp cận với các kênh thông tin, dù các cơ quan chức năng có nhiều biện pháp đưa ra.

Như vậy, để loại bỏ những rào cản trên, người tiêu dùng cần được hỗ trợ nhanh chóng về thủ tục, cũng như cần triển khai quyết liệt các văn bản hướng dẫn hơn nữa. Đồng thời, trong tương lai, Việt Nam cần mở rộng đối tượng áp dụng bảo vệ quyền lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài, như kinh nghiệm của Hàn Quốc.

● Chiều cùng ngày, hội thảo “Tập huấn về đăng ký hợp đồng theo mẫu và điều kiện giao dịch chung” (HĐTM và ĐKGDC) diễn ra với sự chia sẻ kinh nghiệm của các đại biểu đến từ Hàn Quốc và công tác kiểm soát HĐTM và ĐKGDC năm 2014 của Việt Nam; quy trình và kinh nghiệm kiểm soát hợp đồng theo mẫu và điều kiện giao dịch chung ở các lĩnh vực; kiểm soát HĐTM và ĐKGDC tại địa phương như kinh nghiệm xử lý hồ sơ và thanh kiểm tra trên địa bàn.

DUYÊN ANH

;
.
.
.
.
.