.

Cần tỉnh táo với dịch vụ cho vay tiêu dùng

.

Cuối năm, nắm bắt nhu cầu cần tiền của người dân, nhiều tổ chức kinh doanh tài chính rầm rộ quảng cáo cho vay tiêu dùng với các điều kiện vay rất dễ dãi.

Tại một số tuyến đường, khu dân cư, các tổ chức cho vay thường dán bảng quảng cáo cho vay tiêu dùng.
Tại một số tuyến đường, khu dân cư, các tổ chức cho vay thường dán bảng quảng cáo cho vay tiêu dùng.

Đổi lại, người vay phải chịu một khoản chi phí trả hằng tháng rất lớn, gấp đôi, thậm chí gấp ba lần khi vay tại ngân hàng.

Những ngày qua, tại nhiều ngã ba, ngã tư (nơi có đèn tín hiệu giao thông), người dân không khó để có được một tờ rơi quảng cáo dịch vụ cho vay tiêu dùng cuối năm. Các tờ rơi in quảng cáo với nội dung khá hấp dẫn: Cho vay tiêu dùng không cần thế chấp, thủ tục đơn giản, giải ngân nhanh, lương trên 3 triệu, hóa đơn tiền điện trên 300.000 đồng… và kèm theo câu “lãi suất hấp dẫn”.  Không chỉ có phát tờ rơi, trên một số tuyến đường, khu dân cư còn treo bảng quảng cáo cùng với các nội dung như trên.

Theo thông tin trên tờ rơi, chúng tôi liên hệ qua điện thoại một nhân viên tín dụng của một công ty bảo hiểm đóng trên địa bàn thành phố. Cô nhân viên tín dụng cho biết, thủ tục vay rất đơn giản, chỉ cần có hóa đơn thanh toán tiền điện trên 300.000 đồng, tuy nhiên, mức lãi suất tùy thuộc vào mức lương của người vay. Mức lương cao thì lãi suất sẽ ưu đãi thấp hơn, còn mức lương thấp thì lãi suất cao hơn. Bình quân lãi suất từ 1,6%-2,9%/tháng.

Theo thông tin từ một công ty quản lý tài chính của một ngân hàng thương mại, thủ tục vay chỉ cần giấy chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, sao kê bản lương... Mức lương 8 triệu đồng/tháng thì được vay 8 lần mức lương, lãi suất 1,66%/tháng; còn đối với mức lương 3 triệu đồng/tháng thì vay được 6 lần mức lương, lãi suất 2,17%/tháng và điều kiện là công ty phải hoạt động trên 3 năm.

Mặc dù lãi suất cao gấp đôi, thậm chí gấp ba lần so với ngân hàng, nhưng vì cần tiền tiêu dùng, nhất là trong dịp Tết, không ít người đã tìm đến các công ty này. Anh Phan Văn Hiệp (phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ) cho biết: Thưởng Tết của công ty năm nay quá thấp, không đủ tiền mua sắm nên phải vay thêm bên ngoài. “Do thủ tục đơn giản, hơn nữa vay số tiền cũng không quá lớn nên mình tìm đến họ, dù biết lãi suất cao”, anh Hiệp nói.

Ông Lê Diệp, một người có thâm niên hơn 30 năm trong ngành ngân hàng nhận xét: “Về mặt tích cực thì các tổ chức cho vay giải quyết được nhu cầu cần tiền của người vay để giải quyết vấn đề cấp bách trong cuộc sống. Tuy nhiên, về mặt tiêu cực thì người vay phải chịu khoản chi phí rất cao. Còn về mặt pháp lý, dễ dẫn đến tranh chấp phức tạp, nhiều khi người ta không xử lý theo luật và sẽ can thiệp bằng một thế lực nào đó”.

Ông Võ Minh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chi nhánh thành phố Đà Nẵng cho biết, về nguyên tắc, các tổ chức tín dụng cho vay với lãi suất như trên là không vi phạm các quy định, bởi theo Quyết định 1627 của Ngân hàng Nhà nước về ban hành cơ chế cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng thì lãi suất vay tiêu dùng có khác với các sản phẩm khác. Lãi suất cho vay tiêu dùng là sự thỏa thuận giữa bên cho vay và bên vay. Người vay có thể thỏa thuận với bên cho vay về lãi suất. Nếu khách hàng cảm thấy được thì chấp nhận trả với lãi suất đó.

Tuy nhiên, ông Minh khuyến cáo, vay tiêu dùng thường là món nhỏ lẻ, bên cho vay phải tốn nhiều chi phí để quản lý. Hơn nữa, vay tiêu dùng thường không có thế chấp, dễ phát sinh nhiều rủi ro cao. Việc chi phí lớn, chi phí rủi ro cao nên người cho vay phải cộng vào trong lãi suất. Hiện nay, cho vay tiêu dùng phía ngân hàng không còn thực hiện mà chuyển sang các tổ chức quản lý tài chính. Do đó, người vay phải tỉnh táo thương lượng với các tổ chức cho vay trước khi làm thủ tục vay.

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ

;
.
.
.
.
.