Cuối năm, một số trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị điện tử, điện máy đang đưa ra các chương trình khuyến mãi để thu hút người tiêu dùng.
Người tiêu dùng nên cẩn trọng để không bị “tiền mất tật mang” khi mua hàng khuyến mãi. (Ảnh mang tính minh họa) Ảnh: Nhật Hạ |
Nhưng, liệu đây có phải là dịp để một số đơn vị kinh doanh nhân cơ hội này “tống khứ” hàng cũ (thậm chí hàng kém chất lượng) ra thị trường thông qua danh nghĩa khuyến mãi rầm rộ dịp Tết?
Đâu dễ khuyến mãi hàng mới
Nắm bắt nhu cầu tiêu dùng gia tăng trong dịp Tết đến, xuân về, các siêu thị, cửa hàng điện máy, điện thoại… đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi để thu hút khách, đặc biệt là những sản phẩm điện máy như ti-vi, tủ lạnh, điện thoại…
Có nhiều chương trình đưa ra các giá như giảm 2.000.000 đồng cho ti-vi thông minh từ 55 inch trở lên khi thanh toán bằng thẻ Mastercard, trong mùa mua sắm Tết 2015; khi mua ti-vi… được tặng thêm bếp nướng điện, ổ cứng, bộ đĩa... Một số cửa hàng điện thoại, máy tính cùng với phần trăm giảm giá còn tặng kèm các sản phẩm như thẻ nhớ, túi xách, tai nghe, chuột…
Tâm lý chung của khách hàng, khuyến mãi bao giờ cũng có sức hấp dẫn nhất định, bởi ngoài việc sở hữu sản phẩm mình cần thì việc mua được mặt hàng có rẻ hơn. Tuy nhiên, không phải chương trình khuyến mãi nào áp dụng cũng đem lại những lợi ích cho người tiêu dùng mà đôi khi khách hàng “khổ” vì trót tin khuyến mãi. Theo ghi nhận, hầu hết những mặt hàng được khuyến mãi đều nằm ở những sản phẩm có kiểu cũ, rất hiếm có sản phẩm mới ra mắt được áp dụng khuyến mãi.
Số liệu từ Sở Công thương thành phố cho thấy, chương trình khuyến mãi những tháng cuối năm luôn sôi động, riêng trong tháng 1-2015 đã tiếp nhận và xác nhận 419 đợt khuyến mãi. Trong đó có 9 đợt do sở trực tiếp thực hiện thủ tục, 410 đợt tiếp nhận thông báo của Cục Xúc tiến thương mại và của doanh nghiệp. Con số này cho thấy, mật độ các chương trình khuyến mãi tương đối nhiều, nhưng chất lượng sản phẩm được khuyến mại lại khó kiểm soát.
Cẩn trọng không thừa
Anh Nguyễn Tấn Hùng (trú khối Đa Phước, Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) than thở: Vì ham giá rẻ trong chương trình khuyến mãi điện thoại di động N. mà anh phải rước “cục nợ vào thân”. Tháng nào chiếc máy cũng bị trục trặc, khi mang đến cửa hàng, nhân viên xem qua loa rồi viết giấy chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh thay linh kiện.
Suốt 2-3 tháng trời máy sửa chưa xong, anh thúc giục cửa hàng thì được nhận máy về dùng khoảng 2 tuần lại bị trục trặc. Tiếc số tiền hơn 7 triệu đã bỏ ra sắm máy, anh buộc phải đeo bám chuyện sửa chữa, nhưng cứ mãi trục trặc, lại tiếp tục sửa đến nay đã 5 lần.
Về phía cơ quan quản lý Nhà nước, ông Đoàn Ngọc Minh, Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Đà Nẵng khuyến cáo: Khách hàng phải hết sức cảnh giác với các mặt hàng khuyến mãi, đặc biệt là những chương trình không có thông báo với cơ quan chức năng.
Khi mua sản phẩm cần lựa chọn thật kỹ càng, tránh mua nhầm hàng kém chất lượng. Nhiều đơn vị tổ chức chương trình, đăng ký một đàng thực hiện một nẻo. Đây là lỗ hổng lớn, khó quản lý. Trong năm qua, Hội đã tiếp nhận, tư vấn và xử lý 39 vụ việc, chủ yếu liên quan đến khiếu nại thực hiện bảo hành hàng hóa. Qua đó, có không ít vụ khách hàng mua sản phẩm điện tử, điện lạnh, điện thoại bị trục trặc, không tìm được tiếng nói chung giữa bên mua và bên bán.
Đơn cử như vụ chị P.T.N.T (K379 Trần Cao Vân) khiếu nại Công ty CP máy tính H.L (Nguyễn Văn Linh) bảo hành máy tính tới hẹn vẫn chưa giao, hay vụ ông N.X.H (quận Thanh Khê) mua ti-vi tại một trung tâm điện máy sau 3 tháng bị hỏng nhưng vẫn còn hạn bảo hành.
Trường hợp ông L.V.T (đường Nguyễn Gia Trí) khi mua ti-vi của hãng Toshiba tại Trung tâm bảo hành Toshiba Đà Nẵng mới sử dụng được 10 ngày thì bị hỏng màn hình. Sau khi đổi lại cái mới được một thời gian thì mất luôn tiếng. Vụ bà T.T.T.N (đường Lý Thái Tổ) mua quạt nước L. tại cửa hàng gia dụng trên đường Lý Thái Tổ bị lỗi thì không được đổi lại tiền…
Những vụ việc trên chỉ là một số các vụ việc người tiêu dùng nhờ đến hội để giải quyết. Điều này đã nói lên thực trạng chất lượng hàng hóa hiện nay và mối quan hệ giữa người tiêu dùng và doanh nghiệp – người bán vẫn còn nhiều bất ổn.
HỒNG ANH - NHẬT HẠ