ĐNĐT - Hôm nay mồng 3 Tết Nguyên Đán, các chợ trên địa bàn thành phố đã bắt đầu mở hàng bán trở lại. Chợ đầu năm bán nhiều nhất là rau xanh, trái cây và các loại đồ cúng. Giá cả nhiều mặt hàng tương đối ổn định, thậm chí rẻ hơn so với thời điểm trước Tết.
Nhiều người đi chợ để lấy may đầu năm theo kiểu “thuận mua vừa bán”. |
Đồ cúng đắt hàng
Theo tục lệ của người Việt, cứ đến ngày mồng 3 Tết, nhiều gia đình làm mâm cơm cúng để tiễn ông bà về với tổ tiên. Vì vậy, nhu cầu mua trái cây, hoa cúng, trầu cau… vào ngày đầu năm tăng cao.
Dạo quanh một số chợ trên địa bàn thành phố như chợ Hàn, chợ Cồn, chợ Đống Đa, chợ bên cạnh Siêu thị Nguyễn Kim…, mặt hàng được bày bán nhiều nhất là rau xanh. So với thời điểm trước Tết, giá các loại rau xanh tương đối ổn định. Một vài loại rau giảm nhẹ từ 2.000 - 3.000 đồng so với trước Tết như súp lơ, xà lách, cải, mồng tơi...
Cụ thể: xà lách Đà Lạt có giá 20.000 đồng/kg, cà chua 18.000 đồng/kg, khổ qua 20.000 đồng/kg, mồng tơi 5.000 đồng/bó, hành tây 12.000 đồng/kg…
“Năm nay thời tiết thuận lợi nên rau xanh được mùa. Giá cũng không tăng bao nhiêu so với thời điểm trước Tết”, một người bán rau tại chợ Hàn cho biết. Nguồn cung dồi dào, trong khi sức mua chưa tăng nên nhiều người chọn ngày mồng 3 bày soạn vài thúng rau nhỏ bán chừng buổi sáng để lấy ngày giờ mở hàng cho may mắn.
So với thời điểm trước Tết, giá các loại đồ cúng như hoa cúng, trầu cau giảm mạnh. Nếu thời điểm trước Tết, một bó lay ơn có giá từ 80.000-100.000 đồng thì những ngày sau Tết có giá 30.000-40.000 đồng/bó. Cúc, vạn thọ có giá 5.000 đồng/cây, giảm 2.000-3.000 đồng/cây so với thời điểm trước Tết.
Trầu cau trước Tết tăng mạnh gấp 5 lần so với ngày thường có giá 25.000 đồng/dĩa thì sau Tết chỉ còn 5.000 đồng/dĩa. Riêng mặt hàng trái cây đa số vẫn giữ nguyên mức giá so với thời điểm trước Tết, một vài loại giảm giá từ 10.000-15.000 đồng/kg. Cụ thể, xoài có giá 40.000-50.000 đồng/kg, bưởi da xanh 80.000 đồng/kg, quýt 50.000-60.000 đồng/kg, mãng cầu 80.000 đồng/kg…
Theo Ban Quản lý chợ Cồn cho biết, ngay trong ngày mồng 1 Tết đã có một vài tiểu thương mở hàng buôn bán để lấy may đầu năm, đến mồng 6 Tết chợ mới bắt đầu đông trở lại. Riêng các mặt hàng như thịt heo và chả bò, do người dân đã chuẩn bị sẵn thời điểm trước Tết nên sức mua yếu.
Nhiều tiểu thương bán thịt heo phải chờ đến khoảng mồng 5 hoặc mồng 6 khi đó các nhà hàng, quán ăn đặt thịt trở lại, mới mở hàng bán đầu năm. Giá các loại thịt heo vẫn giữ mức ổn định như trước Tết. Cụ thể, thịt mông có giá 110.000 đồng/kg, vai 100.000 đồng/kg, cốt lếch 90.000 đồng/kg, sườn non 120.000 đồng/kg, giò 75.000 đồng/kg, chả bò 280.000-300.000 đồng/kg…
Đến thời điểm này các siêu thị như Co.opmart Đà Nẵng, Big C… cũng đã bắt đầu mở cửa trở lại phục vụ người dân và khách du lịch. Để đảm bảo nguồn cung, ngay trong dịp Tết, các siêu thị đã lên kế hoạch dự trữ hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân sau Tết. Trong đó, các nhóm mặt hàng rau củ quả, thực phẩm tươi sống... được người dân chọn mua nhiều nhất. Ghi nhận thực tế cho thấy, thời điểm này giá cả các loại hàng hóa tại siêu thị ổn định, lượng người đi mua sắm vẫn chưa đông.
Hàng ăn, quán cà phê đông khách
Đã qua mấy ngày Tết, người dân bắt đầu “ngán” món ăn truyền thống nên tìm đến các quán ăn ở ngoài để thay đổi khẩu vị. Vì thế, dù chỉ mới bán mở hàng nhưng các quán ăn trên đường Hùng Vương, Nguyễn Chí Thanh, Lý Thái Tổ… luôn đông khách vào ra.
Bà Bé, chủ tiệm ăn trên đường Hùng Vương cho biết, quán mở cửa từ mồng 2, chỉ bán từ sáng đến trưa nhưng lúc nào cũng đông. "Nếu ngày thường bán khoảng 100 tô thì ngày Tết lượng người đã tăng lên gấp rưỡi", chủ quán này cho hay.
Theo các chủ quán ăn, những ngày Tết phải tăng giá bán mỗi tô thêm 3.000-5.000 đồng vì để trả thêm thù lao cho người làm.
Không chỉ quán ăn sáng, các tiệm cà phê cũng nhộn nhịp khách đến mở hàng. Nhiều quán cà phê không nghỉ Tết để phục vụ nhu cầu tăng cao của người dân. Với nhiều người, ngoài vui chơi và đi du lịch trong mấy ngày Tết thì phần lớn tìm đến quán cà phê để hàn huyên bên gia đình, bạn bè.
Bài và ảnh: HOÀNG HÂN