Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” sau nhiều năm tuyên truyền sâu rộng ở khắp thành thị và khu vực nông thôn, đến nay nhiều doanh nghiệp không chỉ được vận động mà đã chủ động đưa hàng Việt về nông thôn khi thấy cơ hội đã mở…
Phiên chợ hàng Việt về nông thôn luôn nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân. |
Với nhiều phiên chợ về các xã Hòa Liên, Hòa Phú, Hòa Bắc, Hòa Nhơn, Hòa Tiến (huyện Hòa Vang) do Trung tâm Xúc tiến thương mại (XTTM) Đà Nẵng tổ chức, sự phục vụ nhiệt tình của các doanh nghiệp đã không phụ tình cảm của người dân vùng quê.
Bằng chứng là, qua các phiên, doanh thu đưa lại dù không thể so bì khi bán hàng ở thành phố, nhưng cũng là kết quả khả quan.
Bà Nguyễn Thị Thanh Xuân, Phó Giám đốc Trung tâm XTTM thành phố nhìn nhận: “Các chương trình XTTM và các kỳ tổ chức phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn tại Đà Nẵng đều đọng lại những dư âm khá tốt. Đợt khảo sát mới đây cho thấy, nhu cầu của người tiêu dùng đối với hàng Việt khá lớn, người dân ngày càng chuộng hàng Việt.
Qua 3 phiên chợ diễn ra hồi tháng 12-2014 đã thu về cho các doanh nghiệp hơn 360 triệu đồng. Con số tuy còn khiêm tốn nhưng trên cả là nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của người dân. Những hôm trời mưa to nhưng người dân vẫn kéo đến rất đông để mua sắm. Điều này kích thích doanh nghiệp hăm hở khi tham gia bán hàng”.
Nhờ tham gia các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, các doanh nghiệp nhỏ và vừa (vốn ít được khách hàng chú ý đến) tìm được thị trường mới và quảng bá sản phẩm rộng rãi. Một số doanh nghiệp từng đưa hàng đi thường xuyên như Công ty May veston Nhật Nam, Công ty Nước giải khát Dona Newtower đã chiếm được cảm tình của người dân.
Không chỉ tham gia cùng với Trung tâm XTTM thành phố, các đơn vị này còn xây dựng kế hoạch với Phòng Công thương huyện Hòa Vang xin địa điểm phù hợp để tham gia tổ chức cụm bán hàng riêng lẻ theo lĩnh vực kinh doanh.
Nói về các đợt đưa hàng về vùng quê, ông Nguyễn Văn Hạnh, Giám đốc Công ty May veston Nhật Nam phấn khởi: “Những chuyến đi gần đây đến các xã, chúng tôi chủ động tìm kiếm thêm một số đơn vị sản xuất, kinh doanh hàng Việt Nam được người dân tin dùng sản phẩm như ví da, thắt lưng, chăn ga, gối nệm…
Dù đi bán hàng với tư cách cá nhân doanh nghiệp, đơn vị, nhưng chúng tôi cũng xin giấy phép của các cấp. Bên cạnh đó, việc tổ chức chương trình có quy mô như thuê đội văn nghệ biểu diễn ca nhạc, bài chòi dân gian phục vụ bà con, chứ không vì kinh phí khó khăn mà làm lèm nhèm. Việc doanh nghiệp tự đưa hàng đi, có lúc kiêm luôn công tác từ thiện, trao tặng các suất quà cho người nghèo”.
Tiềm năng ở thị trường nông thôn còn rất lớn với sức mua ngày càng tăng cao nhờ tâm lý “chịu chi” hơn trước của bà con vùng sâu, vùng xa. Do vậy, chính quyền các xã rất quan tâm và ủng hộ doanh nghiệp Việt đưa hàng có chất lượng phục vụ người dân.
Ông Nguyễn Lực, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Hòa Phú cho hay: “Người dân hiện nay rất ngại hàng Trung Quốc. Vì thế, nếu các doanh nghiệp thực sự muốn đưa hàng Việt lên đây, chúng tôi sẵn sàng tạo điều kiện về mặt bằng, an ninh trật tự, công tác vận động tiêu dùng. Người dân miền núi rất cần các sản phẩm có chất lượng, nhưng giá thành phải phù hợp với túi tiền, đặc biệt dịp Tết nhu cầu mua sắm tăng cao”.
Bài và ảnh: DUYÊN ANH