.

Giá cước vận tải khách tăng

.

Không có chuyện giảm giá cước như dư luận quan tâm trước việc giá xăng, dầu trên thị trường liên tục giảm trong thời gian qua. Ngược lại, giá cước của các nhà xe được niêm yết tại Bến xe Trung tâm thành phố trong dịp Tết Ất Mùi 2015 đều được điều chỉnh theo hướng tăng từ 5-40%.

Các quầy vé tại Bến xe Trung tâm khá thưa vắng do hành khách đã mua vé từ trước.
Các quầy vé tại Bến xe Trung tâm khá thưa vắng do hành khách đã mua vé từ trước.

Ghi nhận của chúng tôi tại phòng bán vé của Bến xe Trung tâm thành phố vào sáng 2-2, mọi việc vẫn diễn ra bình thường, không có cảnh chen lấn mua vé. Thậm chí, có nhiều quầy vé nhân viên bán vé còn khá thong thả.

Điều chúng tôi quan tâm là, theo thông tin về giá vé của các doanh nghiệp được niêm yết ngay trước các quầy vé thì tất cả đều điều chỉnh theo hướng tăng thêm.

Cụ thể như, Công ty TNHH Dịch vụ vận tải và du lịch Hiếu Minh Sơn, giá vé tuyến Đà Nẵng- Tây Sơn (Hà Tĩnh) ngày thường giá 230.000 đồng/vé, trong dịp Tết này đã tăng lên 300.000 đồng, tương đương mức tăng 30%; tuyến Đà Nẵng-Thái Bình có giá từ 360.000 đồng điều chỉnh lên 470.000 đồng/vé, tăng 30%.

Công ty TNHH Dịch vụ thương mại và vận tải Dương Hồng điều chỉnh giá vé xe giường nằm tuyến Đà Nẵng-Vinh từ 287.000 đồng lên 350.000 đồng.

Công ty TNHH Tuấn Thành điều chỉnh giá vé xe giường nằm tuyến Đà Nẵng-thành phố Thanh Hóa từ 250.000 lên 270.000 đồng/vé, tăng 7%; Đà Nẵng-Cẩm Thủy (Thanh Hóa) từ 300.000 đồng lên 320.000 đồng/vé, tăng 6,25%...

Các nhân viên bán vé tại Bến xe Trung tâm cho biết, đến nay vé đi các tuyến phía Bắc và Tây Nguyên đã bán được 70%, còn lại sẽ bán từ nay đến cận Tết. Do hành khách chủ động mua sớm, nên không có chen lấn hay xuất hiện “cò” vé trong bến.

Giải thích với chúng tôi về chuyện “không giảm mà lại tăng” này, ông Lê Viết Hoàng, Tổng giám đốc Công ty CP Vận tải và quản lý bến xe Đà Nẵng, cho biết: “Việc điều chỉnh giá cước trong dịp Tết là quy luật của vận tải Việt Nam vì để bù lại cho chuyến xe chạy không có khách.

Tuy nhiên, năm nay dư luận đặt câu hỏi là vì giá xăng, dầu liên tục giảm nhưng các doanh nghiệp không giảm lại tăng giá cước. Đây là điều gây áp lực không nhỏ lên các doanh nghiệp vận tải lẫn đơn vị quản lý bến như chúng tôi.

Thực tế, sau khi có nhiều đợt giảm giá xăng, dầu trên thị trường, hầu hết các doanh nghiệp vận tải đều đã giảm 10% giá cước. Tuy nhiên, khi chạy chiến dịch Tết do có chiều không có khách, chiều có khách, nên chiều có khách phải “gánh” chi phí chiều không khách, vì vậy đã tăng giá cước lên là điều bất khả kháng.

Mặc dù vậy, chúng tôi yêu cầu tất cả các đơn vị đăng ký bán vé tại Bến xe Trung tâm đều phải có tờ trình báo về Sở Tài chính và được Sở chấp thuận thì mới được áp dụng giá cước này. Trên thực tế, tất cả 23 doanh nghiệp đăng ký bán vé tại 27 quầy ở bến xe đều thực hiện nghiêm túc việc này là có niêm yết giá cước công khai theo đúng như giá cước trình với Sở Tài chính thành phố”.

Trong khi đó, ông Đinh Văn Ba, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô-tô hành khách thành phố, cho biết theo quy định của Bộ Tài chính, những đơn vị trong hai năm qua không điều chỉnh giá cước do giá xăng dầu tăng thì đợt này được phép không giảm giá cước. Tuy nhiên, các doanh nghiệp của thành phố đều thực hiện việc giảm 10% giá cước từ đầu năm 2015 này.

Có điều, các đơn vị vận tải hành khách của thành phố lo ngại là hiện nay đã xuất hiện một số xe của các tỉnh Bắc miền Trung đưa xe vào thành phố để hợp đồng chở khách về quê. Với những xe này, họ sẵn sàng giảm giá cước để cạnh tranh với các tuyến cố định vì không phải đóng phí hai đầu bến cũng như các khoản phí khác theo quy định của các ngành giao thông vận tải và thuế.

Bên cạnh đó, cũng đã xuất hiện tình trạng một số nhà xe ở thành phố lén lút bán “vé giữ chỗ” khiến cho các xe chạy tuyến cố định gặp khó khăn vì mất khách. Vì vậy, rất cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng để xử lý rốt ráo biến tướng của “xe dù, bến cóc” này, nhằm đảm bảo quyền lợi cho hành khách và các doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Bài và ảnh: THANH VÂN

;
.
.
.
.
.
.