Cuối năm, có rất nhiều nghề “hái ra tiền”, trong đó có một nghề rất “độc”, đó là bán cát trắng thay lư hương.
Mỗi ngày, những người bán cát trắng có thể kiếm từ 150.000 – 200.000 đồng. |
Những ngày cuối tháng Chạp, dạo quanh các khu chợ, những nơi công cộng, kể cả kiệt hẻm…, không khó để tìm mua cát trắng về thay lư hương cuối năm. Những người bán cát trắng chủ yếu là dân quê, đẩy xe bò, gánh, hoặc chở bằng xe đạp.
Kéo chiếc xe bò chở hơn hai tạ cát dừng cạnh chợ Hòa Khánh (quận Liên Chiểu), vợ chồng bà Trần Thị Tân (quê xã Bình Giang, Thăng Bình, Quảng Nam) cho biết: “Phải đi từ 3 giờ sáng đến 8 giờ mới ra Đà Nẵng. Gia đình tôi quanh năm làm ruộng vườn, cuộc sống cũng chỉ đủ ăn qua ngày. Do đó, cứ đến đầu tháng Chạp, hai vợ chồng ra bãi cát trắng chở hơn 10 xe bò về rửa, phơi khô, rồi đến rằm tháng Chạp là chở ra Đà Nẵng để bán”.
Khi được hỏi tại sao không gửi bằng ô-tô cho đỡ nhọc, bà Tân cười bảo: “Nếu bỏ cát theo xe buýt cũng được, nhưng phải tốn tiền và mệt nhọc khi phải trung chuyển. Do đó, thường thì hai vợ chồng tôi chở bằng xe bò, vừa chở được nhiều, vừa không phải tốn tiền, vừa tập thể dục”.
Quãng đường xa hơn 50 cây số, thế nhưng hai vợ chồng đi bộ như không. “Vì miếng cơm manh áo thì đi bộ quãng đường đó có là gì. Tết đến, tranh thủ kiếm tiền được thì mình cứ tranh thủ thôi chú à”, bà Tân vừa bán cát cho khách vừa nói với chúng tôi. Theo bà Tân, mỗi bao ni-lông cát trắng là 3 lon, bán được 5.000 đồng.
“Mỗi ngày trung bình bán được khoảng 20 đến 30 bao cát, tiền lời cũng được 80.000 – 130.000 đồng. Tuy nhiên, thời gian cao điểm từ ngày 25 đến ngày 30 tháng Chạp thì số lượng bán tăng lên gấp 3, gấp 4, nên nhiều khi phải thay nhau chở cát ra Đà Nẵng để kịp bán cho khách”, bà Tân chia sẻ. Gần một tuần nay, gia đình bà đã bán được 3 xe cát trắng, cho thu nhập gần 2 triệu đồng.
Không phải đi xa như vợ chồng bà Tân, chị Nguyễn Thị Mùi (40 tuổi, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng) đã có nhiều năm bán cát lư hương cho biết: “Cứ sáng sớm, tôi kéo xe bò đi đến gần chợ Hòa Khánh để bán. Khi nào bán xong thì kéo xe về nhà lấy tiếp. Cái nghề “độc” này trong những ngày Tết cũng giúp gia đình trang trải được nhiều thứ”.
Anh Hà Văn Thiết (ngụ xã Điện Dương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) quanh năm lăn lộn với mấy sào đất ruộng cùng con heo, con gà. Cuối năm, hai vợ chồng ra Đà Nẵng thuê xe bò, lấy cát, vợ ngồi bán ở chợ Cồn, anh kéo xe bò bán quanh phố.
“Ở nhà trồng được gần sào rau nhưng cuối năm giá rẻ như cho, không bán được. Vợ chồng tôi phải chuyển sang nghề bán cát trắng. Những ngày qua, hai vợ chồng cũng kiếm được mấy trăm nghìn, có thể mua sắm Tết cho con cái ở nhà”, anh Thiết nói.
Với phong tục của người Việt Nam, cuối năm thay cát lư hương đón năm mới, do đó những người bán cát trắng ở các vùng quê nghèo lại có cơ hội để kiếm tiền, trang trải cuộc sống. “Kéo một xe bò cát trắng, bán được gần 500.000 đồng, bằng tiền lời của mấy sào ruộng. Do vậy, nhọc nhằn mấy bọn tui cũng làm”, anh Lê Tấn Hoàng (trú xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, Quảng Nam), đứng bán cát trắng tại chợ Thanh Khê chia sẻ với chúng tôi.
Bài và ảnh: HỮU TRUNG – NGỌC PHÚ