Mặc cho các loại bánh, mứt công nghiệp bày bán la liệt trên thị trường, mứt truyền thống như gừng, nghệ, dừa… vẫn được người tiêu dùng lựa chọn.
Những mẻ mứt gừng thơm phức vừa ra khỏi lò, đang được làm khô để đóng gói. |
Ở giữa lòng thành phố sôi động, những lò mứt như thế vẫn tồn tại và đang hối hả cho vụ Tết. Ngửi mùi thơm, cay nồng của gừng, cái béo ngậy quen thuộc của dừa như thấy Tết đang đến thật gần.
Vừa bước vào kiệt 183, đường Hoàng Diệu, đã thoang thoảng mùi thơm phức của thứ mứt gừng đang được nấu trên lò than. Nhanh tay đảo 5 nồi mứt đã chuyển sang màu vàng đất trên bếp, chị Hạnh (chủ lò mứt) cho biết: Đây là nghề truyền thống của gia đình, ngày thường chỉ làm từ 20 đến 30kg, Tết tăng lên khoảng hơn 50kg/ngày để kịp bán cho các bạn hàng ở chợ Hàn, chợ Cồn, một số quầy hàng trên đường Hoàng Diệu và khách quen.
Không chỉ làm để bán mà còn biếu cho bà con thân thuộc, dùng ăn trong nhà nên lúc nào tôi cũng phải giữ gìn vệ sinh sạch sẽ. Mỗi ký mứt gừng thành phẩm ở lò bán giá với giá 90.000 đồng. Từ nay đến Tết, giá mứt có thể tăng lên từ 5.000 - 10.000 đồng/kg tùy vào thị trường.
Nằm lọt thỏm trong một con hẻm nhỏ trên đường Trần Cao Vân, lò nấu mứt nghệ của bà Chi là địa chỉ nổi tiếng từ lâu. Đây cũng là nghề truyền thống được gia đình bà Chi duy trì hơn 20 năm qua. Cứ đến Tết, ngoài con cháu trong nhà, một số anh chị của bà lại tụ họp cùng nhau người cắt, kẻ gọt, người nấu, rồi gói lại, bán sỉ cho các tạp hóa và bán lẻ cho người dân.
Những miếng nghệ vàng ươm, cắt gọt sạch sẽ được ngào kỹ với đường trên lò than đến khi khô đổ ra để nguội, rồi đóng thành từng gói có trọng lượng 0,5 và 1kg. Lò mứt nghệ của gia đình bà Chi luôn đắt hàng không chỉ ở vị thơm ngon của nghệ, ngọt vừa phải của đường mà còn bảo đảm vệ sinh trong quá trình sản xuất. Giá bán ra cũng vừa phải, với 80.000 đồng/kg.
Trong con hẻm 505 trên đường Hoàng Diệu, lò mứt dừa của chị Nguyễn Thị Phượng (45 tuổi) dù mới mở chưa được 2 năm nhưng đã khá hút khách. Trước đây, chị Phượng chỉ chuyên bán các loại dừa thường, dừa xiêm. Về sau, cứ mỗi lúc Tết đến lại thấy nhiều khách đến hỏi mua dừa để làm mứt nên chị mở ra lò này. Ban ngày bán dừa, tối lại cả nhà 4 người tập trung làm mứt. Đến nay, lò mứt dừa của chị đã tạo được uy tín, người đến mua ngày càng đông. Chị Phượng cho biết: Năm ngoái chỉ làm mỗi mứt dừa sợi bình thường, năm nay làm thêm mứt dừa xiêm.
Dù khiêm tốn với quy mô nhỏ lẻ theo hình thức hộ gia đình, nhưng những lò mứt truyền thống của bà Chi, chị Hạnh hay chị Phượng vẫn tồn tại và phát triển ổn định suốt thời gian dài, góp phần duy trì được dòng mứt truyền thống. Những gói mứt đơn giản, không thương hiệu vẫn luôn được các nhà phân phối tin tưởng lựa chọn và rất nhiều người dân yêu thích.
Cầm trên tay 2kg mứt vừa mới mua từ lò mứt của chị Hạnh, ông Đinh Viết Việt (65 tuổi) vui vẻ cho hay: “Gia đình tôi là khách hàng thân thiết của chị Hạnh gần chục năm nay rồi. Mứt làm thủ công thế này mới giữ được vị cay, nồng, đậm đà vốn có. Tết đến, không thể thiếu món mứt gừng truyền thống vì nó làm cho không khí Tết trong gia đình thêm ấm cúng, đầy đủ”.
Bài và ảnh: KHÁNH HÒA