Từ giữa tháng 3 trở đi, Đà Nẵng chính thức bước vào mùa lễ hội với nhiều sự kiện chào mừng các ngày lễ lớn trong năm. Nhờ đó, hoạt động thương mại trên địa bàn thành phố cũng sẽ trở nên rộn ràng hơn với nguồn cung hàng hóa dồi dào, phục vụ nhu cầu mua sắm tăng cao của người dân và khách du lịch.
Để phục vụ nhu cầu tăng cao của nguồn khách du lịch, các siêu thị đặc sản trên địa bàn thành phố đã chủ động nguồn hàng từ nhiều tháng trước. |
Chủ động nguồn cung hàng hóa
Sau đợt Tết Ất Mùi, trên địa bàn thành phố sẽ diễn ra nhiều ngày lễ hội lớn như kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng thành phố (29-3), lễ hội Quán Thế Âm, Cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế, lễ 30-4 và 1-5, mùa du lịch biển…
Theo các hãng lữ hành lớn cho hay, hiện rất nhiều tour du lịch đăng ký về Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung trong những ngày lễ. Dự kiến lượng khách đến Đà Nẵng trong mùa lễ hội, đặc biệt là pháo hoa và mùa du lịch biển năm nay tăng khoảng 25-30% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó chủ yếu vẫn là khách nội địa 2 đầu đất nước, chiếm đến 65-70%.
Lượng khách tăng cao vào dịp lễ hội hứa hẹn doanh thu bán lẻ trên địa bàn thành phố sẽ cải thiện đáng kể. Vì vậy, từ nhiều tháng trước, các chợ, cơ sở mua sắm, siêu thị trên địa bàn thành phố đã chuẩn bị sẵn nguồn hàng thực phẩm, đồ lưu niệm, đặc sản… nhằm đưa ra mức giá ổn định, mẫu mã đa dạng và chất lượng bảo đảm. Anh Nguyễn Long Trung, Giám đốc Siêu thị Co.opMart Đà Nẵng chia sẻ: “Siêu thị Co.opMart Đà Nẵng luôn chủ động xây dựng kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng hóa phục vụ người dân và du khách vào những ngày có lễ hội. Đặc biệt vào tháng 4 là dịp sinh nhật của hệ thống Co.opMart nên sẽ có nhiều chương trình ưu đãi cho nhiều mặt hàng với mức giá tốt hơn”.
Trong khi đó, ngay từ trước Tết, Công ty TNHH Yến Hải Thanh đã đưa hàng đi khắp các hội chợ trên cả nước để quảng bá sản phẩm của doanh nghiệp mình. “Thường thì khách Hà Nội thích mua thịt bò khô, mực rim. Khách Hải Phòng thích mua mắm nêm, cá rim… Không chỉ phục vụ nhu cầu của khách du lịch, Yến Hải Thanh còn cung ứng nguồn hàng cho các khu, điểm du lịch khác như Bà Nà, các siêu thị với lượng hàng tăng gấp 2-3 lần so với những ngày thường”, bà Ngô Thị Ngọc Yến, Giám đốc Công ty TNHH Yến Hải Thanh cho hay.
Đẩy mạnh bình ổn thị trường
Một trong những tiêu chí được du khách đánh giá cao về điểm đến Đà Nẵng trong những năm qua là giữ được mức giá hàng hóa ổn định, môi trường du lịch an toàn và thân thiện. Vì vậy, để ngăn tăng giá đột biến, Sở Công thương thành phố đã tích cực tuyên truyền cho các tiểu thương ở chợ, các chủ siêu thị đặc sản về văn minh thương mại; khuyến khích các doanh nghiệp bán lẻ lưu thông hàng hóa, chống đầu cơ tích trữ, buôn bán hàng kém chất lượng.
Sở cũng đã vận động các siêu thị và cơ sở mua sắm trên địa bàn thành phố tăng thời gian phục vụ cho khách du lịch trong những ngày có lễ hội; có văn bản chỉ đạo các đơn vị mua sắm trên địa bàn thành phố niêm yết giá và bán đúng theo giá đã niêm yết để nâng cao thương hiệu của doanh nghiệp cũng như uy tín của Đà Nẵng.
Ông Lữ Bằng, Phó Giám đốc Sở Công thương cho rằng, việc thanh tra, kiểm tra thường xuyên đối với các cơ sở mua sắm, siêu thị đặc sản, nhà hàng, khách sạn… là một trong những tác động thúc đẩy hoạt động thương mại trên địa bàn thành phố mang tính văn minh và chuyên nghiệp hơn. “Các doanh nghiệp không nên vì lợi nhuận trước mắt mà làm ăn chụp giật, cần phải tạo thương hiệu uy tín để hướng tới văn minh thương mại, góp phần quảng bá hình ảnh thành phố”, ông Lữ Bằng nhấn mạnh.
Bài và ảnh: HOÀNG HÂN