.

Bước nhảy vọt về giao thông

.

Tourane - Đà Nẵng được xây dựng từ năm 1888, theo kiểu đô thị châu Âu, có 13 con đường.

Bờ đông sông Hàn ngày càng phát triển mạnh mẽ nhờ hạ tầng giao thông hoàn thiện.
Bờ đông sông Hàn ngày càng phát triển mạnh mẽ nhờ hạ tầng giao thông hoàn thiện.

Và rồi, phố xá Đà Nẵng giẫm chân tại chỗ với 13 con đường ấy một thời gian khá dài, mãi đến năm 1954, một quỹ thời gian dài hơn nửa thế kỷ, tổng số đường phố mới nhích lên được con số 45. Thời Mỹ-ngụy, hạ tầng giao thông đã được đầu tư nhiều hơn giúp Đà Nẵng trở thành một trong những đô thị lớn nhất miền Nam với 214 con đường có tên. Sau ngày thành phố giải phóng (năm 1975), hạ tầng giao thông đô thị Đà Nẵng được quan tâm đúng mức.

Đặc biệt là từ ngày Đà Nẵng trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương (năm 1997) đến nay, thành phố đã có bước nhảy vọt ngoạn mục với gần 800 con đường mới được xây dựng. Đó là chưa kể hàng trăm con đường “cổ” của thành phố được xây dựng từ trước được mở rộng nâng cấp, để cùng với việc hàng chục chiếc cầu mới với kiến trúc độc đáo xây dựng bắc qua sông Hàn góp phần tạo nên một diện mạo thành phố hướng tới văn minh, hiện đại.

40 năm qua, nhất là sau chia tách tỉnh đến nay, Đà Nẵng đã thực hiện khối lượng công việc khổng lồ, không những thay đổi toàn bộ diện mạo phố phường, mà xa hơn nữa là phát triển hạ tầng giao thông một cách hài hòa, cân đối, tạo điều kiện cho kinh tế-xã hội địa phương phát triển.

Hạ tầng giao thông hiện nay không còn “bám” chặt vào bờ tây sông Hàn mà giờ đây đã vươn qua “bên tê sông Hàn”, hướng về phía nam, mở rộng ra phía bắc tạo nên một mạng lưới giao thông khép kín, với độ “phủ sóng” từ trung tâm đến từng thôn, xóm. Sự “lột xác” đó không những làm ngỡ ngàng du khách trong và ngoài nước đặt chân đến thành phố mà còn với cả những người con quê hương lâu ngày về thăm đều bất ngờ đến sự thay đổi diệu kỳ này.

Mới đây, nhân sự kiện 50 năm Ngày lính Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng (8-3-1965), nhật báo Guardian của Anh khẳng định: “Đà Nẵng là hiện thân cho sự phát triển đi lên của Việt Nam trong suốt nửa thế kỷ qua. Ngày nay Đà Nẵng đã trở thành đô thị hiện đại, với các tòa nhà cao tầng, những đại lộ rợp mát bóng cây cùng nhiều cây cầu hiện đại...”.

 40 năm miệt mài xây dựng, trong đó có gần 20 năm tăng tốc quyết liệt, để rồi hôm nay thành phố đã chạm mốc gần 2.000 km đường giao thông. Điều đặc biệt là, thành phố bảo đảm được “tỷ lệ vàng” trong xây dựng giao thông đô thị, đó là có 50% kilomet đường trong nội đô và 50% kilomet đường tỏa đi khắp các hướng, đến tận các vùng ven biển, vùng núi, vùng nông thôn. Ở khu vực nội đô và vùng lân cận, Đà Nẵng đã có những công trình mang tính đột phá để mở ra hướng phát triển mới.

Đường Nguyễn Tất Thành, trục đường Hoàng Sa-Võ Nguyên Giáp-Trường Sa trở thành một trong những tuyến đường ven biển thuộc loại đẹp nhất cả nước. Hàng loạt cây cầu độc đáo được xây dựng như cầu quay Sông Hàn, cầu dây võng Thuận Phước, cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý... đã khiến cho “bên kia Hà Thân” bỗng gần trung tâm thành phố hơn bao giờ hết.

Các trục đường lớn như Ngô Quyền-Ngũ Hành Sơn-Lê Văn Hiến-Trần Đại Nghĩa, đường Trần Hưng Đạo... đã làm thay đổi hoàn toàn  bộ mặt đô thị ở quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn. Xa hơn, về cánh Hòa Vang, Liên Chiểu, cả hai trục đường Võ Chí Công, đường Nguyễn Tất Thành nối dài (đang trong giai đoạn thi công) được xem như những vạch kết nối để hoàn chỉnh bản đồ giao thông của thành phố, rút ngắn vùng ngoại ô với trung tâm.

Để có được sự thành công ngoài mong đợi này là nhờ cách làm độc đáo mang thương hiệu của Đà Nẵng là sự chung tay góp sức vô cùng to lớn của người dân thành phố với hàng vạn hộ gia đình chấp nhận di dời nhà cửa, công việc làm ăn bị đảo lộn... giao đất để thành phố thực hiện cuộc chỉnh trang đô thị, làm đường, xây cầu chưa từng có trong lịch sử phát triển của mình.

40 năm là chặng đường dài của một đời người, đặc biệt là 18 năm trực thuộc Trung ương, nhưng lại rất ngắn so với lịch sử phát triển của một thành phố. Ấy vậy mà, với quỹ thời gian khiêm tốn đó, bằng quyết tâm cao độ của chính quyền và nhân dân thành phố đã làm nên một kỳ tích, để biến Đà Nẵng ngày nào chỉ là một căn cứ quân sự khổng lồ của Mỹ-ngụy, chuyển mình mạnh mẽ đi lên, trở thành một thành phố văn minh, hiện đại, hướng tới một thành phố đáng sống của Việt Nam.

Ông Lê Văn Trung, Giám đốc Sở Giao thông vận tải thành phố:

Trong 40 năm qua kể từ ngày giải phóng, bộ mặt đô thị của thành phố đã có chuyển biến rất tích cực, Đà Nẵng ngày một đẹp, văn minh và hiện đại hơn. Đặc biệt, Đà Nẵng đã xây dựng được hạ tầng giao thông không những phát triển cân đối, hài hòa, với nhiều công trình có kiến trúc độc đáo, mà còn mang tính đón đầu cho sự phát triển thành phố ở tương lai.

Đạt được kết quả trên, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Thành ủy, UBND thành phố, sự hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương và những đóng góp to lớn của người dân thành phố. Trong thời gian qua, đã có gần 100.000 hộ dân sẵn sàng di dời nhà cửa, cơ sở sản xuất... để cho việc xây dựng thành phố ngày càng đẹp và hiện đại hơn.

Cùng với đó là những giọt mồ hôi, những trăn trở, nghĩ suy, đam mê của biết bao lượt kỹ sư, chuyên gia, công nhân… để xây dựng nên những công trình của thành phố. Những hy sinh đó kết tinh trong những công trình mà chúng tôi hết sức tự hào như cầu Sông Hàn, cầu Thuận Phước, cầu Trần Thị Lý, cầu Rồng, cầu Nguyễn Tri Phương, đường Võ Chí Công, nút giao thông ngã ba Huế, hầm Hải Vân… Tiếp nối thành tựu đó, trong thời gian đến, ngành giao thông thành phố sẽ tiếp tục nỗ lực nhiều hơn nữa, để góp phần đáng kể vào việc thay đổi diện mạo thành phố văn minh, hiện đại và đáng sống.

Bài và ảnh: TRẦN LUÂN SƠN

;
.
.
.
.
.