.

Cải tạo kiến trúc cảnh quan sông Hàn

.

ĐNĐT - Ngày 27-3, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ và Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn chủ trì cuộc họp thẩm định đồ án quy hoạch kiến trúc đô thị. Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Trần Thọ dự và chỉ đạo công tác quy hoạch.

Thành phố đang có chủ trương mời tư vấn nước ngoài thực hiện lại thiết kế kiến trúc cảnh quan sông Hàn
Thành phố đang có chủ trương mời tư vấn nước ngoài thiết kế lại kiến trúc cảnh quan sông Hàn

Quy hoạch lại cho đúng tầm

Viện Quy hoạch Xây dựng thành phố và Công ty JiNa (Hàn Quốc) đảm nhận thực hiện phương án thiết kế kiến trúc cảnh quan tổng thể hai bên bờ sông Hàn từ cầu Trần Thị Lý đến cầu Thuận Phước với kinh phí 324,5 ngàn USD, thời gian thực hiện 3 tháng. Phương án thiết kế này đưa ra nhằm quản lý kiến trúc xây dựng dọc 2 bờ sông và cải tạo cảnh quan công trình công cộng tại khu đất cảng Sông Hàn.

Theo Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ, không gian dọc 2 bờ sông Hàn sau này là tài sản vô giá, do đó phải cải tạo, dù muộn còn hơn không. Quy hoạch lại để 2 bờ sông Hàn đúng tầm với một thành phố vừa hiện đại, vừa có kiến trúc cảnh quan thiên nhiên hài hòa. Đây là khu lõi kiến trúc; là tài sản và sản phẩm kiến trúc tự nhiên của thành phố, vì vậy cần lựa chọn nhà tư vấn quốc tế có năng lực thực hiện.

Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Trần Thọ cũng gợi mở đề bài thiết kế kiến trúc cảnh quan và nêu chủ trương của Thường trực Thành ủy là chọn đường Bạch Đằng và Trần Hưng Đạo là 2 con đường kiểu mẫu của thành phố.

Hiện nay, 2 tuyến đường này chưa được thiết kế kiến trúc, quản lý quy hoạch và đầu tư đúng tầm. Nhiều địa điểm nhếch nhác, thiếu ấn tượng; cảnh quan về đêm chưa bắt mắt. Đà Nẵng cần xây dựng 2 tuyến đường Bạch Đằng và Trần Hưng Đạo thành điểm đến du lịch hấp dẫn, thu hút du khách và nhân dân thành phố đến hưởng thụ phong cảnh hữu tình.

Bí thư Thành ủy Trần Thọ cũng đã giao Viện Quy hoạch và Sở Xây dựng nghiên cứu triển khai nhanh một khu công viên cảnh quan ấn tượng tại khu đất dưới chân cầu Thuận Phước.

Nâng cấp và mở rộng cảng Tiên Sa

Trước tình trạng quá tải của cảng Tiên Sa hiện nay, Công ty CP Cảng Đà Nẵng đề nghị mở rộng cảng Tiên Sa về phía Bắc với quy mô diện tích đất mở rộng 8,6 ha (phần diện tích đất khoảng 2,97ha và phần diện tích mặt nước khoảng 5,63ha).

Ông Nguyễn Hữu Sia, Tổng Giám đốc Công ty CP Cảng Đà Nẵng cho biết nguồn kinh phí thực hiện dự án từ công ty và huy động các nguồn vốn từ các đối tác.

Theo đó, dự kiến khởi công dự án nâng cấp, mở rộng cảng Tiên Sa giai đoạn 2 vào quý III năm 2015.  Cảng Đà Nẵng đề nghị UBND thành phố và Bộ GTVT ủng hộ doanh nghiệp theo hướng để cho cảng tự huy động vốn đầu tư để làm có hiệu quả hơn.

Theo ông Nguyễn Hữu Sia, Tổng Giám đốc Cảng Đà Nẵng, việc mở rộng cảng Tiên Sa được định hướng sử dụng vốn ODA do Chính phủ Nhật tài trợ, nhưng sau khi cổ phần hóa, đơn vị xét thấy tự huy động được nguồn vốn cho dự án và cam kết sẽ triển khai dự án. Ông Nguyễn Hữu Sia, nói dự án không thực hiện đúng tiến độ ông sẽ từ chức.

Tuy nhiên, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ cho rằng, tăng trưởng từ hoạt động sản xuất kinh doanh của Cảng là tăng trưởng kinh tế cho thành phố Đà Nẵng. Dự án nâng cấp và mở rộng Cảng Đà Nẵng giai đoạn 2 được lập dự án tiền khả thi với tổng mức đầu tư trên 1.000 tỉ đồng thông qua nguồn vốn ODA.

Việc từ chối vốn ODA của Nhật thông qua Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) sẽ làm ảnh hưởng khá nghiêm trọng đến quan hệ giữa thành phố Đà Nẵng và JICA. Hiện thành phố Đà Nẵng đang cần JICA hỗ trợ một loạt dự án khác; dự án cải tạo và nâng cấp Cảng Đà Nẵng giai đoạn 2 đang được chính phủ Nhật đồng ý tài trợ vốn nên nếu dừng sử dụng vốn ODA Nhật Bản thì doanh nghiệp phải khẳng định đủ năng lực đầu tư.

Cũng tại cuộc họp, lãnh đạo thành phố thẩm định một số đồ án kiến trúc quy hoạch như: dự án xây dựng công trình Viện nghiên cứu Trường Đại học Duy Tân tại số 3 Quang Trung với diện tích 1.192m2. Chủ đầu tư đề nghị xây 20 tầng và 2 tầng hầm, mật độ xây dựng 75%... Tuy nhiên, đây là khu vực tập trung nhiều nhà cao tầng, mật độ giao thông dày đặc, cộng với tính năng của công trình giáo dục nên lãnh đạo thành phố không đồng ý mà chỉ cho phép xây dựng mật độ tối đa 60% (mức tối đa cho phép của quy định) và quy mô xây dựng 18 tầng.

Đối với Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng, cho phép đấu giá lô đất 4,4ha tại phường Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ) để xây dựng cơ sở 2. Thành phố đồng ý triển khai dự án Làng ẩm thực quốc tế (do Công ty Chedi Trading Nhật Bản đầu tư) tại khu đất dọc bờ sông Cẩm Lệ diện tích 2ha. Ngoài ra, UBND thành phố cũng giao 3,4ha tại dự án khu E Nam cầu Cẩm Lệ, phường Hòa Xuân để xây dựng mới Bệnh viện Y học Cổ truyền.

Lãnh đạo thành phố không đồng ý phương án hóa giá đối với 7 dãy nhà liền kề với 71 hộ đang ở tại dự án Nam cầu Cẩm Lệ thuộc địa bàn quận Cẩm Lệ và huyện Hòa Vang. Thay vào đó, giao Chủ tịch Hội đồng giải phóng mặt các địa phương thực hiện di dời các hộ đã đồng ý nhận thuê chung cư A2 Nam cầu Cẩm Lệ; tiếp tục vận động các hộ dân còn lại thực hiện theo chủ trương di dời của thành phố.

Bên cạnh đó, sử dụng 3 dãy nhà liền kề thuộc địa bàn phường Hòa Xuân, có diện tích 3.975 m2 quy hoạch sử dụng vào mục đích làm công viên cây xanh. Đối với 2 dãy nhà D, E thuộc xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang có diện tích 1.715,8 m2, hợp nhất thành một khu đất lớn để đấu giá khai thác quỹ đất và 2 dãy nhà F, G liền kề còn lại thuộc xã Hòa Châu, diện tích khoảng 2.131,8 m2 đưa vào khai thác quỹ đất.

Triệu Tùng

;
.
.
.
.
.