Giá xăng trên thị trường bán lẻ bất ngờ tăng mạnh vào chiều 11-3; cùng lúc đó, giá điện cũng sẽ tăng 7,5% vào ngày 16-3. “Cú đúp” này khiến người dân và doanh nghiệp (DN) chồng chất nỗi lo tăng giá trong thời gian tới.
Dự kiến giá các loại thực phẩm tại chợ sẽ tăng theo giá xăng. |
Lo ngại giá cả leo thang
Sau 15 lần giảm giá liên tục suốt 6 tháng qua và nhiều lần liên tiếp ổn định giá, đến chiều 11-3, giá xăng đã được điều chỉnh tăng mạnh khoảng 1.600 đồng/lít. Đây là lần tăng giá xăng đầu tiên trong năm 2015. Trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới diễn biến khó lường và đang có xu hướng tăng, từ 1-5 tới, thuế bảo vệ môi trường xăng dầu cũng sẽ được điều chỉnh tăng 300%, trong đó riêng mặt hàng xăng tăng từ 1.000 đồng lên 3.000 đồng/lít. Nhiều nhà phân tích kinh tế bày tỏ lo ngại, việc giá xăng dầu, điện và phí môi trường xăng dầu đua nhau tăng giá cùng thời điểm sẽ khiến giá các hàng hóa và dịch vụ cũng sẽ tăng theo.
Theo các tiểu thương chợ Đầu mối Hòa Cường, đợt tăng giá xăng lần này là hết sức bất ngờ. Thậm chí 1 ngày sau khi giá xăng tăng nhưng nhiều tiểu thương buôn bán tại chợ vẫn không biết. “Đến thời điểm này tôi vẫn chưa biết là giá xăng tăng vì các hãng vận tải chưa thông báo tăng giá. Ngay cả sáng nay, giá cả hàng hóa tại chợ vẫn giữ mức ổn định như những ngày trước”, chị Tuyết - tiểu thương kinh doanh trái cây cho hay.
Hiện giá cước vận chuyển các mặt hàng trái cây và rau xanh tại chợ Đầu mối Hòa Cường vào khoảng 13.000-15.000 đồng/tấn. Theo các tiểu thương, sau đợt tăng giá xăng lần này chắc chắn cước vận chuyển hàng hóa sẽ tăng từ 20-25%, lên khoảng 18.000-19.000 đồng/tấn. “Năm nay chợ bán ế lắm. Mấy năm ra giêng mỗi ngày tôi bán cả tấn nhưng năm nay bán khoảng nửa tấn là cùng. Mà giá xăng lại tăng nữa thì chất chồng nỗi lo”, chị Xuân, tiểu thương kinh doanh hàng la-ghim tỏ ra lo lắng.
Theo ông Nguyễn Văn Mẫn, Phó Giám đốc Công ty Xăng dầu Petrolimex Đà Nẵng cho hay, trước tình hình giá xăng dầu thế giới tăng thì việc điều chỉnh tăng giá xăng lần này đã có dự báo từ trước. Tuy nhiên, việc tăng giá hay không là do quyết định của liên Bộ Tài chính - Công thương, cho nên các DN kinh doanh xăng dầu sẽ phải tiếp tục giữ ổn định giá xăng dầu và tuân thủ mọi quy định của Nhà nước.
Doanh nghiệp không kịp trở tay
Cùng với giá xăng, vài ngày tới, giá điện cũng sẽ được điều chỉnh tăng thêm 7,5%. Dù đã có dự báo từ trước, thế nhưng việc giá điện tăng vào thời điểm này đã khiến nhiều DN trở tay không kịp, nhất là các DN kinh doanh thép và xi-măng. Thị trường vật liệu xây dựng trong những tháng đầu năm cũng được dịp “té nước theo mưa”.
Theo đại diện nhiều DN kinh doanh vật liệu xây dựng trên địa bàn thành phố, sau Tết, giá cả thị trường vật liệu xây dựng đã thay đổi theo hướng tăng cao, trong khi tình hình xây dựng đầu năm khá trầm lắng. Bên cạnh những tác động chủ yếu từ bên ngoài như giá phôi thép, giá xăng dầu, phí vận chuyển tăng thì việc tăng giá điện đã góp phần làm giá sắt, thép “đội” lên cao. Xi-măng cũng chịu tác động tăng giá khi từ đầu tháng 2, Tổng Công ty Công nghiệp xi-măng Việt Nam điều chỉnh giá bán tăng đến 60.000 đồng/tấn.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Nữ, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Công ty Cổ phần Thiên Kim, trong khi giá cả vật liệu xây dựng các mặt hàng trong nước cao hơn so với các nước khác thì việc tăng giá điện đã làm giảm khả năng cạnh tranh của DN.
“Doanh nghiệp thép Việt Nam hiện nay đang nằm trong vòng kìm hãm giữa Trung Quốc và Nga. Dù trong năm 2014 thị trường bất động sản có ấm lên, thế nhưng sức tiêu thụ vật liệu xây dựng vẫn còn kém. Cùng với việc tăng giá điện ngay từ đầu năm 2015 sẽ khiến nhiều DN chết “yểu”. Công ty Cổ phần Thiên Kim sắp tới chắc sẽ dừng hoạt động sản xuất và kinh doanh thép”, bà Kim Nữ chia sẻ.
Bài và ảnh: HOÀNG HÂN