Kinh tế
Thận trọng trước giờ giải ngân
Rút kinh nghiệm từ những thất bại trong việc cho vay dự án xa bờ theo Quyết định 393 của Thủ tướng Chính phủ năm 1997, các ngân hàng thương mại được Ngân hàng Nhà nước chỉ định cho vay theo Nghị định 67/NĐ-CP của Chính phủ đều hết sức thận trọng, tránh “vết xe đổ”.
Ngư dân Lê Văn Mai (phường Nại Hiên Đông) lập phương án đóng tàu và nộp tại phường để vay vốn theo Nghị định 67. |
Ông Nguyễn Đỗ Tám, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố cho biết, từ ngày Nghị định 67 ra đời, đến khi triển khai, ngư dân Đà Nẵng rất phấn khởi, đăng ký đóng mới 182 chiếc tàu. Tuy nhiên, khi nộp hồ sơ lên phường thì chỉ có hơn 30 chiếc; qua quá trình Hội đồng thành phố xét duyệt chỉ được 12 hồ sơ, đóng mới 13 tàu. Đến nay, chỉ có 1 trường hợp được UBND thành phố phê duyệt cho vay là ông Lê Văn Nhắn (tổ 1, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà).
Tìm hiểu nguyên nhân của sự dè dặt này, tại Agribank Đà Nẵng (được Ngân hàng Nhà nước - NHNN giao 6 chỉ tiêu), thì được biết ngoại trừ ông Nhắn đạt tiêu chí, số còn lại theo thẩm định của ngân hàng chưa đạt yêu cầu. Ông Đoàn Phúc, Phó Giám đốc Agribank Đà Nẵng cho biết, để bảo đảm quá trình cho vay an toàn, ngân hàng tiến hành quy trình thẩm định khá chặt chẽ. Qua đó, nhận thấy ngoài ông Nhắn, 5 ngư dân còn lại không đủ điều kiện theo các quy định. “Qua tìm hiểu, các ngư dân cảm giác như đăng ký cho được để làm tàu. Do đó, ngân hàng cũng phải cẩn thận. Đây là số tiền lớn chứ không đơn giản, cho vay phải thu lại được”, ông Đoàn Phúc cho biết.
Ngoài Agribank, Vietcombank Đà Nẵng cũng được NHNN giao 1 trường hợp, đó là ngư dân Nguyễn Sương (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà). Ông Sương hiện sở hữu 5 con tàu, có tổng công suất hơn 4.000 CV. Mong muốn có một tàu vỏ thép vươn khơi, ông Sương đăng ký đóng mới tàu lớn, hiện đại với tổng đầu tư gần 18 tỷ đồng. Vì vậy, ông đăng ký vay tại Vietcombank số tiền 17 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo Giám đốc Vietcombank Đà Nẵng Lê Diệp, ông Sương muốn tự thiết kế tàu, không nằm trong tiêu chí mẫu tàu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề ra nên ngân hàng không thể mạo hiểm. “Cũng như người ta xây nhà mà không đúng với thiết kế bên cấp phép thì ai cho xây, ngân hàng cũng vậy. Do đó, Viecombank không tham gia cho vay trường hợp này. Hiện tại, ông Sương cũng muốn tự bỏ vốn để đóng tàu theo ý của ông”, ông Diệp cho hay.
Trong khi đó, BIDV Hải Vân cũng được NHNN giao 1 chỉ tiêu, đó là trường hợp của ngư dân Lê Văn Sang (phường Thuận Phước, quận Hải Châu). Ông Đào Hữu Quyết, Phó Giám đốc BIDV Hải Vân cho biết: “Hiện tại, ông Sang còn thiếu một số thủ tục nên ngân hàng yêu cầu ông bổ sung để đúng với quy định trước khi triển khai phương án giải ngân”.
Ông Nguyễn Đỗ Tám cho biết thêm, UBND thành phố cũng vừa chỉ đạo trong năm 2015, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm tiếp tục khảo sát, tháo gỡ vướng mắc, phối hợp chọn đối tượng, đồng thời theo dõi kết quả vay vốn phát triển thủy sản của ngư dân trên địa bàn thành phố theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ, tổng hợp kết quả báo cáo hằng quý về UBND thành phố.
Bài và ảnh: NGỌC PHÚ