.

CPI Việt Nam có mức tăng thấp nhất 14 năm

.

Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4-2015 tăng 0,14% so với tháng trước và tăng 0,99% so với cùng tháng năm trước. Như vậy, tính từ đầu năm, CPI tăng 0,04%, mức thấp nhất trong vòng 14 năm qua.

Diễn biến CPI qua các tháng - Nguồn: Tổng cục Thống kê.
Diễn biến CPI qua các tháng - Nguồn: Tổng cục Thống kê.

Như đã phân tích từ tháng trước, nếu CPI tháng 3 bất ngờ tăng trở lại sau 4 tháng giảm liên tiếp là do những yếu tố mùa vụ thì ở tháng này, CPI tiếp tục tăng hoàn toàn do tác động từ các quyết định mang tính hành chính là tăng giá điện và xăng dầu các loại.

Do quy định về ngày lấy giá tính CPI tháng 4-2015 từ 15-3 đến 15-4 nên quyết định tăng giá xăng dầu các loại vào ngày 11-3 đã tác động khá lớn, là nhân tố chính khiến chỉ số giá nhóm giao thông tăng 2,47% so với tháng trước bất chấp giá dịch vụ vận tải đường sắt giảm khá mạnh sau Tết.

Với quyền số đáng kể, mức tăng mạnh này là tác động lớn nhất đến CPI chung trong tháng.

Một quyết định hành chính khác liên quan đến giá điện cũng đã tác động đáng kể đến CPI tháng 4-2015.

Bất chấp việc giá gas bán lẻ có giảm nhẹ từ ngày 1-4 nhưng những tác động từ việc tăng giá điện và dầu hỏa đã khiến chỉ số giá nhóm nhà ở, vật liệu xây dựng, điện, nước, chất đốt tăng 0,84% so với tháng trước - mức tăng cao thứ 2 trong số các nhóm hàng chính.

Giá điện sinh hoạt đã được điều chỉnh tăng từ ngày 16-3-2015 nhưng cũng do quy định về việc tính giá điện trong CPI của Tổng cục Thống kê nên việc tăng giá này bắt đầu có ảnh hưởng đến CPI từ tháng này.

Ngoài ra, thời tiết bắt đầu nắng nóng khiến nhu cầu sử dụng điện của người dân tăng cao cũng là nguyên nhân khiến chỉ số giá điện tăng cao hơn trước. Theo dự báo, giá điện tiếp tục là nhân tố chính tác động đến chỉ số giá của nhóm hàng này trong các tháng tiếp theo.

Ở một diễn biến khác, thời tiết bắt đầu nắng nóng nhưng chi tiêu của người dân không cao khiến chỉ số giá nhóm hàng may mặc, mũ nón, giầy dép vốn thường tăng mạnh vào đầu mùa nóng nhưng năm nay cũng chỉ tăng nhẹ 0,14% so với tháng trước.

Các nhóm hàng khác tăng nhẹ, cao nhất chỉ 0,32% so với tháng trước.

Đối với các nhóm hàng giảm giá, đáng chú ý nhất là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,42% so với tháng trước, trong đó lương thực giảm 0,31%, thực phẩm giảm 0,54% và ăn uống ngoài gia đình giảm 0,14%.

Sau Tết, nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng lương thực thực phẩm giảm đáng kể trong khi nguồn cung dồi dào là nguyên nhân chính khiến chỉ số giá các mặt hàng trong nhóm giảm so với tháng trước. Điều này được thể hiện rõ nhất qua nhóm thực phẩm khi đã quay đầu giảm giá sau chuỗi 4 tháng tăng giá liên tiếp trước đó.

Theo ghi nhận ở các siêu thị, trung tâm thương mại, lượng hàng thực phẩm bán ra đã trở lại mức bình thường, không còn chịu các tác động của Tết hay các hoạt động sau Tết như tháng trước.

Ngoài ra, nhóm bưu chính viễn thông tiếp tục đóng vai trò “bình ổn giá” khi tiếp tục giảm 0,09% so với tháng trước.

Trong tháng, hai mặt hàng đặc biệt không được tính vào chỉ số giá chung là vàng và đô la Mỹ tiếp tục diễn biến trái chiều khi lần lượt ghi nhận ở các mức giảm 1,04% và tăng 0,74% so với tháng trước.

Theo VnEconomy

;
.
.
.
.
.