.

"Cú hích" từ cầu vượt ngã ba Huế

.

Sau khi khánh thành đưa vào sử dụng, cầu vượt ngã ba Huế đã tạo nên một hiệu ứng rất tích cực trên nhiều lĩnh vực ở khu vực cửa ngõ phía Bắc thành phố.

Giao thông qua nút giao thông ngã ba Huế giờ đây đã rất thuận lợi.
Giao thông qua nút giao thông ngã ba Huế giờ đây đã rất thuận lợi.

Vừa khánh thành, nút giao thông ngã ba Huế thu hút nhiều người dân và du khách đến tham quan. Đặc biệt, mỗi khi đêm xuống, hệ thống đèn chiếu sáng mỹ thuật được khởi động thì chiếc cầu vượt 3 tầng này lại càng trở nên lung linh hơn.

Anh Lê Văn Thành, hướng dẫn viên du lịch của Công ty TNHH MTV Dịch vụ du lịch An Sương (thành phố Hồ Chí Minh) cho biết: “Tôi thường xuyên đưa khách từ miền Nam ra Đà Nẵng du lịch, trong đó có chương trình đưa khách đi xem các cây cầu qua sông Hàn và bao giờ du khách cũng thích thú những công trình này. Gần đây, thành phố lại có thêm cây cầu vượt 3 tầng rất độc đáo ở nút giao thông ngã ba Huế, vì vậy khi tôi giới thiệu với du khách, họ đều rất thích”.

Cũng theo anh Thành, không riêng gì đơn vị anh mà các công ty du lịch ở miền Nam đều đã cập nhật thêm công trình cầu vượt 3 tầng này vào danh sách các điểm tham quan đêm tại thành phố Đà Nẵng để giới thiệu với khách của mình.

Cũng trong tâm trạng rất vui vì quán giải khát của mình những ngày qua luôn đông kín khách, bà Bùi Thị Chín chia sẻ: “Tôi mới “ra nghề” bán giải khát này từ tối 29-3, không ngờ vừa mới dọn ra khách đã ngồi đầy, và liên tục từ bữa đó đến nay tối nào quán cũng đông khách. Họ đi một vòng rồi ngồi tại đây ngắm chiếc cầu”. Không riêng gì quán giải khát bà Chín, chung quanh khu vực cầu vượt 3 tầng này đã xuất hiện thêm cả chục quán giải khát mới như vậy và quán nào cũng đông kín khách.

Đặc biệt, những người trước đây buôn bán trên đường Tôn Đức Thắng đoạn từ Bến xe Trung tâm đến ngã ba Huế rất vui vì công trình đã hoàn thành và cho phép xe lưu thông bình thường trở lại. Ông Ngô Văn Nhung, chủ cơ sở làm lốp xe ngay trước khu vực bến xe, nói: “Mình làm nghề vá và đắp lốp ô-tô nhưng khi công trình mở ra xe khách đi ngã khác thế là “ngồi chơi xơi nước” cả gần 2 năm nay. Mặc dù thành phố có hỗ trợ nhưng không ăn thua, giờ đây tuyến đường này “sống” lại, khách bắt đầu quay trở lại”.

Những người buôn bán ở chợ Hòa Mỹ cũng cho biết, khi công trình thi công, chợ mất gần một nửa khách vì đi lại khó khăn, nay đi lại thuận tiện hơn, khách đã trở lại gần như trước đây. Hy vọng, thời gian đến chợ sẽ phát triển thêm. Một số hộ dân sống dọc theo đường Điện Biên Phủ, vào những ngày chuẩn bị khánh thành công trình bức xúc dán chữ “bán nhà” và đóng cửa bỏ đi nơi khác, thì đến nay có người đã quay trở lại mở cửa buôn bán và đã gỡ chữ “bán nhà”.

Những người này cho biết, lý do “giận” thành phố là vì trước đây chủ yếu buôn bán mặt hàng tôn, sắt thép khá cồng kềnh nên cần mặt đường rộng để dễ vận chuyển, vì vậy khi đường nhỏ sợ hoạt động không được nên làm vậy. Còn bây giờ, chuyển sang kinh doanh mặt hàng khác gọn nhẹ hơn, cũng sống được.

Vui sướng nhất có lẽ là những người hoạt động vận tải hành khách. Các tài xế xe buýt cho hay, khi công trình ở nút giao thông ngã ba Huế hoàn thành đưa vào sử dụng, các chuyến xe đều đông kín khách. Những chuyến xe khách đi tuyến phía Nam không còn phập phồng lo về ùn tắc và tai nạn giao thông khi qua khu vực này

Tương lai không xa khi Trục I Tây Bắc khánh thành đưa vào sử dụng thì những hiệu ứng từ chiếc cầu vượt này mang lại còn lớn hơn nữa bởi nó “đánh thức” cả khu vực rộng lớn đường ven biển Nguyễn Tất Thành hòa vào sự phát triển chung của thành phố.

Bài và ảnh: TRẦN LUÂN SƠN

;
.
.
.
.
.
.