Dự án “Xây dựng mô hình sản xuất hàng hóa nấm ăn và nấm dược liệu” do Viện Di truyền nông nghiệp chuyển giao và Trung tâm Công nghệ sinh học Đà Nẵng chủ trì thực hiện đã tạo hiệu quả ứng dụng trong thực tiễn, góp phần nâng cao đời sống nhân dân.
Cán bộ Viện Di truyền nông nghiệp đang hướng dẫn dự án khoa học-công nghệ đã chuyển giao cho Trung tâm Công nghệ sinh học Đà Nẵng. |
Từ mô hình trồng nấm
Chúng tôi đến thăm trang trại nấm của anh Nguyễn Văn Nhi, thôn Thạch Nham Đông, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, người nông dân trẻ tuổi thành công trong việc trồng nấm thương phẩm. Từ ngoài cổng đi vào, chúng tôi đã thấy những mẻ nấm linh chi được phơi rất cẩn thận dưới ánh nắng mặt trời. Vào sâu bên trong, ngang qua những nhà nấm, hàng trăm bịch nấm đang nhú những mầm nấm trắng lên tua tủa. Anh Nhi cho biết, anh đang tập trồng nấm linh chi và bước đầu đạt kết quả.
Đối với nấm sò thì đang ở độ thu hoạch, mỗi ngày vào lúc sáng sớm anh lại hái nấm bán cho các tiểu thương chợ đầu mối. Nấm sò dễ trồng và cho thu hoạch cao, sử dụng nguyên liệu có sẵn như rơm rạ, mùn cưa, lõi ngô, bông phế thải… nên kinh phí đầu tư không nhiều. Trước đây, khi mới học làm, nấm còn nhiễm bệnh nhưng từ khi được Trung tâm Công nghệ sinh học (thuộc Sở KH&CN Đà Nẵng) hướng dẫn, anh Nhi đã trồng thành công loại nấm thương phẩm này.
“Nấm nhà mình tự trồng cho ra tai nấm to, đều, giòn chắc nên được thị trường ưa chuộng. Trung bình 1 ngày thu hoạch 20-30kg nấm, bán hết trong ngày nên việc quay vòng và thu hồi vốn cũng nhanh, cho hiệu quả cao”, anh Nhi cho biết.
Ở Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ sản xuất kinh doanh tổng hợp nấm Hòa Tiến, ông Nguyễn Mai Hồng, Giám đốc HTX tự hào: “Trước đây, bà con nông dân trồng nấm tự phát, manh mún, nhưng từ khi HTX hình thành, cộng với sự hỗ trợ về vốn và kỹ thuật của Hội Nông dân và Trung tâm Công nghệ sinh học, bà con đã tập trung chia sẻ kinh nghiệm làm nấm và hầu hết thành công”.
Trồng nấm đã mở ra hướng đi đúng của nông dân Hòa Tiến, bởi trồng nấm giúp bà con ổn định cuộc sống, tạo việc làm cho hàng trăm lao động, kinh tế của mỗi gia đình nhờ vậy cũng khá giả hơn.
Hiệu quả của việc chuyển giao
Việc trồng nấm của bà con nông dân Đà Nẵng nằm trong Dự án “Xây dựng mô hình sản xuất hàng hóa nấm ăn và nấm dược liệu” do Viện Di truyền nông nghiệp chuyển giao và Trung tâm Công nghệ sinh học Đà Nẵng chủ trì thực hiện.
Ngoài dự án nấm ăn và nấm dược liệu, những năm qua, nhiều mô hình ứng dụng tiến bộ KH&CN như hoa chậu, hoa thảm, hoa phong lan; trồng bơ, thanh long ruột đỏ… đã được trung tâm chọn lọc chuyển giao thành công cho bà con vùng nông thôn.
Anh Phan Tiến Dũng, Phó Trạm Sản xuất kinh doanh, Trung tâm Công nghệ sinh học, cho biết: “Thông qua các mô hình chuyển giao kỹ thuật đã giúp bà con nông dân biết cách tận dụng các chất thải nông nghiệp tạo ra sản phẩm có lợi cho kinh tế, xã hội và môi trường. Việc nâng cao năng suất đã đem lại thu nhập cũng như tiết kiệm cho người dân những khoản chi phí hằng ngày, góp phần nâng cao mức sống cho người dân ở nông thôn”.
Để bà con thực hiện thành công các dự án chuyển giao, hằng năm, Sở KH&CN Đà Nẵng thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật cho bà con với phương thức cầm tay chỉ việc để người nông dân nắm vững kỹ thuật, tiến tới đầu tư cơ sở vật chất, nhanh chóng đi vào sản xuất và cung cấp sản phẩm có chất lượng cao.
Ông Vũ Mạnh Nhật, Phó phòng Chuyển giao công nghệ, Trung tâm Công nghệ sinh học thực vật (Viện Di truyền nông nghiệp), cho biết: “Việc chuyển giao các đề tài KH&CN đến với nông dân đã giúp bà con chủ động hơn trong việc mua các giống cây trồng và yên tâm hơn trong sản xuất. Hơn nữa, việc ứng dụng các đề tài KH&CN còn góp phần làm tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, đồng thời tạo cho người dân có ý thức trong việc bảo vệ môi trường”.
Quá trình đô thị hóa nhanh, đất sản xuất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp thì chính những đề tài KH&CN giúp người dân các xã vùng ven chuyển đổi nghề phù hợp để giải quyết việc làm, ổn định cuộc sống và làm giàu trên chính quê hương mình.
Bài và ảnh: THANH TÌNH