Những năm gần đây, du lịch Đà Nẵng đã có sự phát triển vượt bậc, đưa thành phố trở thành điểm đến mới cho du khách trong và ngoài nước.
Nhiều hoạt động giải trí phong phú sẽ góp phần kích thích chi tiêu của du khách. |
Thương hiệu du lịch của thành phố ngày càng được khẳng định với sự tăng trưởng không ngừng về lượng du khách, sự hiện diện của các nhà đầu tư lớn, thương hiệu du lịch hàng đầu quốc tế và trong nước… Có thể nói, du lịch Đà Nẵng đang tiếp tục vươn mình để sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần vào sự phát triển chung của thành phố.
Sự phát triển vượt bậc
Nếu như năm 2004, thành phố Đà Nẵng đón khoảng 650.000 lượt khách du lịch thì 11 năm sau, năm 2015, Đà Nẵng phấn đấu đạt hơn 4,43 triệu lượt khách; trong đó có 1,15 triệu lượt khách quốc tế, 3,28 triệu lượt khách nội địa; tổng thu du lịch đạt khoảng 11.800 tỷ đồng.
Có thể nói, ngành du lịch thành phố đang có sự chuyển dịch rõ rệt. Ý thức được vai trò, vị trí của ngành du lịch, các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của thành phố đều hướng đến phục vụ, hỗ trợ phát triển du lịch. Mặt khác, sự đầu tư đồng bộ của thành phố như hệ thống giao thông, các điểm đến, vui chơi giải trí, cơ sở vật chất ngành du lịch đã tạo nên sự thay đổi ngoạn mục.
Hiện nay, Đà Nẵng có 470 khách sạn với 16.600 phòng, trong đó có 11 khách sạn 4 sao và 12 khách sạn 5 sao. Nếu năm 2011, Đà Nẵng chỉ có một đường bay trực tiếp đến Singapore thì đến nay đã có 22 đường bay, gồm 9 đường bay thường kỳ và 13 đường bay thuê chuyến. Ngoài ra, mỗi năm Đà Nẵng còn đón khoảng 20-30 chuyến tàu biển. Từ việc Đà Nẵng chỉ có một thương hiệu nước ngoài là Furama đầu tư vào ngành du lịch năm 1997, đến nay thành phố có hầu hết các thương hiệu lớn như InterContinental, Crown, Pullman, Mercure, Sheraton, Hyatt…
Điều này cho thấy Đà Nẵng có sức hút lớn với các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, các điểm đến của Đà Nẵng cũng không ngừng được làm mới như hàng loạt các khu vui chơi, giải trí tại Bà Nà được đưa vào sử dụng, khu Công viên Châu Á… mang đẳng cấp quốc tế. Các sản phẩm vui chơi, giải trí như Trung tâm giải trí Helio, sắp tới đây khai trương bến Du thuyền Đà Nẵng, Trung tâm mua sắm Vincom… sẽ làm đa dạng thêm các sản phẩm cho du lịch Đà Nẵng.
Theo ông Trần Chí Cường, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Đà Nẵng, cùng với những yếu tố kể trên, chính sự đồng thuận của người dân trong việc tham gia giữ gìn môi trường du lịch an toàn, thân thiện, văn minh, hấp dẫn đã tạo nên sức hút của du lịch Đà Nẵng.
Nhờ sự phối hợp của các ban, ngành, sự đồng thuận của người dân, thành quả của ngành du lịch Đà Nẵng đã được ghi nhận bằng nhiều giải thưởng lớn như 2 năm liên tiếp Đà Nẵng lọt vào “Top 10 điểm đến hấp dẫn nhất châu Á” do Tạp chí Du lịch trực tuyến châu Á Smart Travel Asia bình chọn; dẫn đầu trong top “10 điểm đến mới nổi sáng giá nhất thế giới” cho năm 2015 do trang thông tin điện tử uy tín về du lịch TripAdivisor công bố; tờ Therichest bình chọn Top 10 thành phố tiến bộ đáng đến thăm vào năm 2015…
Hướng đến du lịch bền vững
Chủ tịch Hội Lữ hành thành phố Đà Nẵng Cao Trí Dũng cho rằng, Đà Nẵng có sự phối hợp đa dạng các tài nguyên du lịch điểm đến. Có thể nói, Đà Nẵng là một trong rất ít điểm đến mà chỉ trong bán kính 100km có thể dễ dàng tham quan các di sản văn hóa thế giới như Huế, Hội An, Mỹ Sơn, các bãi biển đẹp như Mỹ Khê, Xuân Thiều, Cửa Đại, Lăng Cô, các khu sinh thái biển như Hòn Chảo, Cù lao Chàm, sinh thái núi như Bà Nà, Sơn Trà, Bạch Mã… Mặt khác, các chính sách quản lý về điểm đến như chương trình “thành phố 5 không”, “thành phố 3 có”, chương trình “Năm Văn hóa, văn minh đô thị”… đã tạo cho Đà Nẵng trở thành một điểm đến có thương hiệu về môi trường an ninh, an toàn vì lợi ích của du khách.
Tuy nhiên, ông Trần Chí Cường bày tỏ, đây mới là bước đầu định vị hình ảnh, điểm đến Đà Nẵng trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới. Đà Nẵng mới chỉ xuất hiện, còn để khẳng định hơn thương hiệu điểm đến, có sức cạnh tranh cũng như phát triển bền vững thì cần phải làm nhiều hơn nữa, đầu tư và hoàn thiện tốt hơn nữa để tiến tới cạnh tranh với những điểm đến lân cận như Bali, Phukhet, Pattaya…
Trước mắt, ngành du lịch Đà Nẵng tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá du lịch theo hướng chuyên nghiệp hơn, từng bước chuẩn hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ, giữ gìn môi trường du lịch văn minh, thân thiện, an toàn. Mặt khác, do tốc độ phát triển nhanh và mạnh nên nguồn nhân lực du lịch của Đà Nẵng đang thiếu và yếu; yếu cả về kỹ năng nghề và thiếu đội ngũ chuyên nghiệp.
Trong xu thế hội nhập kinh tế, khi thỏa thuận thừa nhận nghề lẫn nhau của các nước trong khu vực ASEAN có hiệu lực là một thách thức đối với lao động ngành du lịch Đà Nẵng. Khi đó, đội ngũ nguồn nhân lực của Đà Nẵng phải đáp ứng được yêu cầu chung để không chỉ phục vụ cho ngành du lịch Đà Nẵng, du lịch cả nước mà còn cả các nước trong khu vực.
Du lịch Đà Nẵng đang từng bước khẳng định vị thế của một trung tâm du lịch của khu vực miền Trung và cả nước. Để du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn thì phải phát triển du lịch bền vững.
Ông Cao Trí Dũng cho rằng, song song với việc khai thác thị trường du lịch cao cấp, Đà Nẵng cũng nên hướng đến thị trường khách quốc tế trung lưu với những khu nghỉ dưỡng tầm trung 3-4 sao, chất lượng mang tầm quốc tế mà dịch vụ không quá đắt đỏ. Cần làm phong phú thêm các sản phẩm, trong đó chú trọng đầu tư cho giải trí, đáp ứng được nhu cầu của khách, kích thích chi tiêu khi đến với Đà Nẵng, đồng thời tăng thêm thời gian lưu trú.
Tuy đã có những phố chuyên doanh nhưng cũng cần bổ sung thêm những dịch vụ như chợ đêm, phố đi bộ, khu mua sắm tập trung, các trò chơi thể thao biển… và cần phải thu hút bền vững thị trường khách châu Âu, Úc, Mỹ, bởi đây là những thị trường có khả năng làm giảm tính thời vụ của điểm đến. Có như vậy du lịch Đà Nẵng mới có cơ hội để vươn xa hơn nữa.
Bài và ảnh: THU HÀ