Kinh tế
Khai thác hiệu quả quỹ đất để phát triển đô thị
Thành công nổi bật của thành phố trong nhiều năm qua là việc khai thác hiệu quả và hợp lý nguồn lực đất đai để phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Sau hơn 17 năm phát triển, Đà Nẵng đã vươn lên trở thành đô thị kiểu mẫu, văn minh và hiện đại.
Đường 30 Tháng 4 là sự hội tụ của công tác quy hoạch đô thị, khai thác hiệu quả quỹ đất để đầu tư phát triển ở Đà Nẵng. |
Lập quy hoạch và triển khai quy hoạch làm đòn bẩy
Ông Phạm Việt Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, đô thị Đà Nẵng đã được mở rộng đều khắp theo các hướng. Nếu như trước đây đô thị Đà Nẵng với diện tích 5.600ha, nay ranh giới đô thị đã gần đạt tới 9.000ha. Hàng loạt các khu đô thị mới, khu tái định cư, khu công nghiệp tập trung, khu du lịch, khu cây xanh, thể thao, các làng nghề… đã được đầu tư xây dựng cùng với phát triển hệ thống giao thông đầu mối như sân bay, bến cảng, ga đường sắt và quốc lộ. Nhiều tuyến đường, cầu trọng yếu đã được xây dựng…
Hiện thành phố đã công bố quy hoạch chung đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, ngành Xây dựng tập trung rà soát 837 đồ án quy hoạch; hủy bỏ, thu hồi 32 đồ án, điều chỉnh 50 đồ án; duyệt quy hoạch 21 cụm điểm nhấn kiến trúc.
Những năm qua, việc lập quy hoạch và triển khai quy hoạch đã làm thay đổi diện mạo đô thị. Trên cơ sở quy hoạch, thành phố thực hiện chủ trương sử dụng tài nguyên đất như một nguồn lực tài chính cho phát triển hạ tầng đô thị. Đồng thời, thành phố quản lý chặt chẽ chất lượng đồ án quy hoạch nhằm nâng cao giá trị tài nguyên đất, bảo đảm sự hài hòa phần giá trị tăng thêm của đất đai gắn với hạ tầng đầu tư mới.
Sự hoàn thiện đô thị tạo nên lực hút các nhà đầu tư vào Đà Nẵng; nhiều dự án ven biển tầm quốc tế đã được hoàn thành đưa vào khai thác, thu hút nhiều khách tham quan du lịch... Các khu đô thị mới được đầu tư với quy mô diện tích từ vài trăm ha đến 1.000ha làm vệ tinh mở rộng thành phố Đà Nẵng cũng như phục vụ nhu cầu về nhà ở cho người dân.
Hạ tầng thương mại từng bước được đầu tư đồng bộ, hiện đại với nhiều trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tự chọn lớn... Hệ thống chợ được quy hoạch lại, nâng cấp và xây mới. Chính làm tốt công tác quy hoạch phát triển đô thị, Đà Nẵng đã tự tin đón nhận vai trò hạt nhân, vai trò kinh tế trọng điểm miền Trung, sẵn sàng cho hội nhập khu vực và quốc tế.
Khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai
Nguyên Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Văn Hữu Chiến nhấn mạnh: “Trong điều kiện nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương và địa phương còn khó khăn, thành phố đã vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách và có nhiều cách làm mới, sáng tạo phù hợp với thực tiễn để phát huy tối đa nội lực, nổi bật là chủ trương “Khai thác quỹ đất”, “Nhà nước và nhân dân cùng làm”... đã tạo nguồn lực to lớn cho đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thành phố”.
Phương thức đổi đất lấy hạ tầng và lấy quy hoạch nuôi quy hoạch được Đà Nẵng áp dụng nhuần nhuyễn và rất thành công, từ đó phát triển hạ tầng, thu hút đầu tư trong và ngoài nước, tạo thêm nhiều việc làm mới cho người dân.
Qua hơn 17 năm phát triển, Đà Nẵng trong điều kiện nguồn thu ngân sách hạn hẹp, sức sản xuất chưa phát triển thì nguồn thu từ quỹ đất là hướng khai thác hiệu quả. Thành phố đã huy động nguồn thu từ quỹ đất trên 20.000 tỷ đồng để tái đầu tư cho phát triển hạ tầng đô thị và xã hội.
Thành phố đã thực hiện thu hồi đất, giao đất và cho thuê đất để triển khai hơn 1.390 dự án với tổng diện tích hơn 17.500 ha, chuyển mục đích trên 500 ha đất quốc phòng để thực hiện hơn 150 dự án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Từ sự đồng thuận của người dân, có hơn 95.000 hộ dân thực hiện giải tỏa, di dời và bàn giao mặt bằng đất đai để đầu tư dự án.
Khai thác hợp lý và hiệu quả nguồn quỹ đất bắt nguồn từ việc đền bù, giải phóng mặt bằng, thực hiện chính sách thu hồi đất đai. Thành phố triển khai nhiều chính sách tài chính đất đai để hỗ trợ hộ giải tỏa, bảo đảm lợi ích và sự hài hòa về các quyền lợi giữa người dân với chính quyền như: Chính sách thưởng tiến độ bàn giao mặt bằng đối với những hộ giải tỏa chấp hành bàn giao mặt bằng đúng thời gian quy định, chính sách hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất, chính sách đối với công tác tái định cư…
Trong giải tỏa đền bù, hộ giải tỏa có nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ, đời sống cao hơn. Mọi vấn đề liên quan đến đền bù, giải tỏa, bố trí tái định cư đều có sự tham gia trực tiếp của chính quyền địa phương từ lúc bắt đầu cho đến khi kết thúc dự án. Kinh nghiệm của Đà Nẵng là thực hiện tốt chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, huy động tiềm năng, nội lực sẵn có trong cộng đồng vào xây dựng và phát triển; nhất quán trong thực hiện các cơ chế, chính sách, thu hút đầu tư, khai thác tối đa các nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực tài chính đất đai, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội.
Đà Nẵng tập trung ưu tiên các biện pháp và phân bổ nguồn lực để bố trí kịp thời đất tái định cư cho các hộ giải tỏa, nhanh chóng giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án; chú trọng đầu tư và phát triển dịch vụ, tạo điều kiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế vững chắc theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp. Đối với công tác thu hồi, đền bù giải tỏa, khi thực hiện quy hoạch giải tỏa thường có ngay phương án tái định cư trên cơ sở giải tỏa ở đâu, bố trí tái định cư ở đó.
Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất công khai, minh bạch; đất chuyển mục đích sử dụng được công khai đấu giá thu tiền sử dụng đất trên cơ sở giao Trung tâm Đấu giá tài sản thành phố thẩm định giá. UBND thành phố quản lý chặt chẽ đất tái định cư đối với các lô, thửa đất sinh lợi như ngã 3, ngã 4...
Việc tách thửa căn cứ theo quy định hạn mức sử dụng đất. Tách thửa xem xét theo nhu cầu và điều kiện thực tế của người dân, nhưng linh hoạt và không để xảy ra tình trạng tách thửa quá nhỏ gây nên tình trạng xây dựng nhà ở siêu mỏng, siêu méo; ngăn chặn tình trạng tách thửa để trục lợi về chính sách đền bù giải tỏa.
Công tác quản lý và sử dụng đất được lập bản đồ số hóa với việc quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết tình hình sử dụng đất. Quy hoạch phải chỉ ra được đâu là đất ở ổn định, khu vực sẽ giải tỏa, khu vực chuẩn bị giải tỏa. Đà Nẵng cũng có sự đột phá trong việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi triển khai theo phương án quy về một đầu mối.
Yếu tố quyết định vẫn là lòng dân
Cũng theo ông Văn Hữu Chiến, yếu tố quyết định cho chủ trương khai thác quỹ đất là lòng dân và vai trò của người đứng đầu. Hằng năm, Đà Nẵng đều công bố các quyết định về chính sách, chủ trương đền bù giải tỏa mặt bằng, bố trí tái định cư. Đền bù, giải tỏa theo quyết định nào thì giá đất tái định cư theo quyết định đó, để khi thực hiện dự án không tạo nên những khác biệt khiến người dân thắc mắc.
Trong khai thác quỹ đất, thành phố Đà Nẵng đã áp dụng thành công phương thức đấu thầu đất hai bên đường dự kiến xây dựng theo quy hoạch, cùng với phương thức thanh toán đầu kỳ với giá chiết khấu (giảm giá) 10%. Theo đó, thu hút được một lượng vốn lớn đầu tư vào cơ sở hạ tầng, thúc đẩy thu hút đầu tư và tăng trưởng GDP cho thành phố.
Thành phố cũng đã sớm nhìn ra các bất cập trong quy định phân cấp quản lý đất đai theo Luật Đất đai (giải quyết cấp quyền sử dụng đất chậm) nên gần đây thành phố đã bỏ phân cấp cho quận/huyện mà tập trung về thành phố do Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) quản lý, trong khi thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tất cả các đối tượng.
Với cách “xé rào” này, Đà Nẵng đã quản lý tập trung các đầu mối thủ tục giấy tờ, cấp được trên 95% giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đến nay, Đà Nẵng giải tỏa và tái định cư hơn 100.000 hộ dân, là một con số rất lớn. Thế nhưng, khiếu nại của dân chủ yếu về áp giá đền bù.
Có một số trường hợp áp giá chưa chính xác, làm không đến nơi đến chốn, Chủ tịch UBND quận là Chủ tịch ban giải tỏa đền bù (giải phóng mặt bằng) trên địa bàn quận nên kịp thời tiếp xúc trực tiếp với dân, lắng nghe, giải đáp khúc mắc cho người dân. Ngoài ra, các tổ chức chính trị ở Đà Nẵng cũng cùng xuống cơ sở để làm công tác dân vận, hòa giải,... đã làm cho dân tin tưởng, hiểu được chính sách của thành phố.
Bài và ảnh: TRIỆU TÙNG