.

Kiểm soát thị trường dịp lễ

.

Chỉ còn vài tuần nữa, Cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2015 (DIFC 2015) sẽ chính thức khai hội bên sông Hàn.

Nhiều siêu thị đẩy mạnh chiến dịch kích cầu tiêu dùng để phục vụ người dân và du khách trong dịp DIFC 2015.
Nhiều siêu thị đẩy mạnh chiến dịch kích cầu tiêu dùng để phục vụ người dân và du khách trong dịp DIFC 2015.

Trước đó 1 tháng, Đoàn kiểm tra liên ngành thành phố cũng đã ráo riết vào cuộc xử lý những trường hợp vi phạm trong kinh doanh dịch vụ lưu trú, ăn uống, giữ xe…

Lo lắng giá dịch vụ bị đẩy “lén”

Những ngày này, trên địa bàn thành phố đang rộn ràng với nhiều hoạt động kinh doanh dịch vụ phục vụ cho “đại tiệc” pháo hoa. Nhiều cửa hàng chuyên doanh và các siêu thị lớn như Co.opMart, BigC, Metro… đẩy mạnh chiến dịch kích cầu tiêu dùng phục vụ người dân và du khách.

Qua ghi nhận tình hình thị trường trong những ngày qua, giá cả các mặt hàng sau đợt tăng giá xăng và giá điện vẫn chưa biến động nhiều do sức mua trong dân vẫn ở mức thấp. Tuy nhiên, nhiều đơn vị làm ăn chân chính vẫn hết sức lo lắng là tình trạng “đẩy” giá có thể xảy ra trong dịp lễ tới, nếu không có sự kiểm soát chặt chẽ từ cơ quan chức năng.

“Các mùa pháo hoa trước, hầu như những nhà hàng có thương hiệu trên địa bàn thành phố đều niêm yết giá và bán đúng theo giá niêm yết. Tuy nhiên, vào những ngày pháo hoa thì tình trạng một vài quán ăn nhỏ nâng giá, “chặt chém” du khách vẫn xảy ra làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành du lịch thành phố”, anh Dương Quang Hải, Giám đốc Nhà hàng San Hô lo lắng.

Theo một vài đơn vị lữ hành tiết lộ, trong tất cả các dịch vụ “ăn theo” mùa pháo hoa thì dịch vụ lưu trú là “ăn nên làm ra” nhất và cũng phức tạp nhất. Trong khi đó, việc giám sát của các cơ quan chức năng hầu như chỉ kiểm tra giấy tờ, hóa đơn, chứng từ, nên nhiều đơn vị kinh doanh dịch vụ lưu trú cố ý tìm cách lách.

Một đơn vị lữ hành dẫn chứng, nhiều trường hợp ngay cả chủ khách sạn cũng không biết giá phòng của khách sạn mình bị “làm giá” vì chính nhân viên lễ tân đã móc nối với các đơn vị “cò” phòng để nâng giá dịch vụ. Hoặc có đơn vị lữ hành mua phòng của khách sạn với mức giá bình thường nhưng lại bán cho khách với mức giá tăng gấp đôi, gấp ba. “Tất cả mọi giao dịch này đều thông qua hợp đồng miệng và thanh toán bằng tiền mặt nên cơ quan quản lý khó có thể phát hiện để xử lý”, đại diện một đơn vị lữ hành chia sẻ.

Ngay trong 2 đêm diễn ra DIFC, khi nhu cầu thuê phòng của du khách tăng cao thì một vài nhà nghỉ ở các quận ngoại thành như Cẩm Lệ, Liên Chiểu… cũng đã đẩy giá bất hợp lý. Năm 2013, trường hợp một người dân ở Quảng Nam xem xong pháo hoa về thuê phòng nghỉ ở quận Cẩm Lệ cũng bị hét giá 1 triệu/phòng nhưng cũng phải chấp nhận mà không biết kêu ai.

Trong hoàn cảnh đó, hầu như không ai muốn gọi điện cho cơ quan chức năng để kiểm tra xử lý vì sợ phiền phức và thời gian đã quá khuya. Cũng có trường hợp khách sạn nhận tiền đặt cọc của khách rồi, nhưng đến ngày pháo hoa lại không bố trí phòng cho khách mà “vòi vĩnh” thêm tiền phòng, khiến du khách bức xúc phải gọi điện đến cơ quan quản lý thị trường để xử lý.

Khó kiểm soát từ đầu

Lo lắng lớn nhất của các lực lượng chức năng là vào 2 đêm diễn ra DIFC 2015 (28 và 29-4), tình trạng giữ xe và nâng giá dịch vụ ăn uống. Theo quy định của UBND thành phố, mức phí dịch vụ trông giữ xe như sau: xe đạp 2.000 đồng/xe/lượt, xe máy 5.000 đồng/xe/lượt, ô-tô từ 30.000-70.000 đồng/xe/lượt. Các điểm giữ xe đều phải đăng ký tại các phường về số lượng người giữ xe, số lượng điểm giữ xe để phường quản lý.

Đại diện một vài phường cho rằng, để tránh tình trạng các điểm giữ xe mọc lên tự phát, tất cả các điểm giữ xe nên quy định theo một mẫu vé để người dân và du khách dễ biết. Tuy nhiên, với lượng cung không đáp ứng đủ lượng cầu thì việc một vài điểm giữ xe “tự tung tự tác” mọc lên, đẩy giá cao gấp nhiều lần là điều rất dễ xảy ra. Trong khi với lực lượng mỏng thì việc kiểm tra các điểm giữ xe này vẫn là bài toán làm “đau đầu” cơ quan quản lý thị trường.

Theo Chi cục Quản lý thị trường thành phố, trong vòng 10 ngày sau khi ra quân kiểm soát thị trường pháo hoa vẫn chưa phát hiện trường hợp nâng giá phòng bất hợp lý. Chỉ một vài trường hợp vi phạm trong kinh doanh nhà hàng và vệ sinh an toàn thực phẩm (?!).

“Từ nay đến ngày diễn ra DIFC 2015, tất cả các đội quản lý thị trường đều làm việc, kể cả ngày cuối tuần và ngày lễ. Bất kỳ trường hợp nào vi phạm trong kinh doanh dịch vụ đều áp dụng khung hình phạt cao nhất, không có khung hình phạt trung bình và thấp nhất”, ông Lữ Bằng, Phó Giám đốc Sở Công thương kiêm Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường nhấn mạnh.

Như vậy, trong khi công tác DIFC 2015 được quản lý từ gốc thì trong những ngày “nước sôi lửa bỏng” này, việc giám sát phần ngọn phải chăng đang bị bỏ ngỏ?

Bài và ảnh: MAI KHÔI

;
.
.
.
.
.